Bao tiêu luôn khâu quảng bá sau khi có đợt thẩm định tác phẩm tham dự liên hoan, TP HCM đã hỗ trợ các sân khấu hướng tới việc giới thiệu nội lực của mỗi thương hiệu kịch.
Giới nghệ sĩ công lập và ngoài công lập đang hướng tới Liên hoan Sân khấu TP HCM với hơn 20 vở diễn sẽ tranh tài ngay tại sàn diễn của mỗi đơn vị. Phấn khởi hơn khi HĐND thành phố đã thông qua kế hoạch tổ chức liên hoan 2 năm một lần, trong đó là việc hỗ trợ kinh phí quảng bá tác phẩm đạt chất lượng cao đến khán giả tại các quận, huyện ngoại thành.
Gỡ bài toán khó
Những ngày qua, khi Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP HCM bắt đầu tham dự các suất diễn thẩm định chất lượng nghệ thuật trước khi 20 đơn vị bước vào mùa tranh tài, giới nghệ sĩ sân khấu kịch nói tại TP HCM phấn khởi khi biết bên cạnh chương trình quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) tiêu biểu, có nội dung thiết thực về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ sau liên hoan này, trong 20 vở diễn tham dự sẽ được “chọn mặt gửi vàng” mang đến phục vụ tại nhiều địa phương, đơn vị, trường học trên địa bàn TP HCM.
NSND Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, cho biết đây là tín hiệu vui, giúp gỡ bài toán khó về khán giả. Khi biểu diễn tại chỗ qua nhiều suất sẽ vơi đi lượt người xem thì đợt quảng bá sẽ mang lại hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo khán giả, qua đó lan tỏa nhiều hơn giá trị nghệ thuật đến với công chúng. “Cụ thể đơn vị của tôi có vở “Dấu xưa” đã diễn hơn 100 suất, mỗi suất được hỗ trợ 50 triệu đồng. Chúng tôi đã mang tác phẩm đến những điểm diễn xa trung tâm, đưa đến các tỉnh Bình Phước, Bình Dương. Điều này còn hứa hẹn sẽ thúc đẩy các đơn vị nghệ thuật sau khi tham dự liên hoan, quảng bá được tác phẩm đến số đông khán giả” – NSND Mỹ Uyên nói.
Nghệ sĩ Bình Tinh, Trưởng Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, cho biết sau liên hoan sẽ là đợt biểu diễn quảng bá thứ hai với danh nghĩa Sở VH-TT TP HCM chỉ đạo, nhằm kết nối, phát huy không chỉ các đơn vị nghệ thuật công lập, mà cả các sân khấu xã hội hóa cùng đưa tác phẩm VHNT chất lượng cao đến với công chúng. “Sân khấu Huỳnh Long đã lên kế hoạch dàn dựng các vở sử Việt như: “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Anh hùng bán than”… để tham gia phục vụ cộng đồng trong việc tạo không gian VHNT tại TP HCM” – nghệ sĩ Bình Tinh nói.
Ở đợt 1, đã có tổng cộng 30 suất diễn phục vụ, trong đó 10 suất dành cho tác phẩm múa “Huyền thoại rừng Sác” (Đoàn Văn công Quân khu 7) và kịch múa “Tổ quốc” (Trường Trung cấp Múa TP HCM); 20 suất quảng bá cho 4 vở kịch: “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” (Nhà hát Kịch TP HCM), “Cánh đồng rực lửa” (Sân khấu Kịch Quốc Thảo), “Rặng trâm bầu” (Sân khấu Trịnh Kim Chi) và “Đại náo Long cung” (Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ). NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM, cho biết đợt 1 là những vở kịch từng đoạt giải cao tại các liên hoan, hội diễn, gây ấn tượng với khán giả bởi nội dung khắc họa được một thời hào hùng của dân tộc, đồng thời độc đáo bởi cách dàn dựng sáng tạo. “Kỳ vọng kết quả của liên hoan sân khấu TP HCM sẽ tạo khí thế để đợt 2 được tổ chức quảng bá những vở diễn đoạt giải thưởng cao, đồng thời mở đợt diễn phục vụ khán giả trẻ tại các trường học” – bà Nguyễn Thị Thanh Thúy nói.
Bà đỡ tâm huyết
Việc Hội đồng Nghệ thuật Sở VH-TT TP HCM tham gia thẩm định, trao đổi với ê-kíp sáng tạo giúp đơn vị hoàn thiện chất lượng nghệ thuật được xem là trách nhiệm đối với liên hoan sân khấu sau 20 năm mới tổ chức tại TP. NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng ngoài việc yểm trợ kinh phí tổ chức biểu diễn, Nhà nước còn đóng vai trò “bà đỡ” là góp ý trực diện để hoàn thiện chất lượng nghệ thuật của từng đơn vị.
Đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt (Sân khấu Sen Việt) nói: “Từ góc độ chuyên môn của hội đồng gồm những đạo diễn, chuyên viên uy tín, những góp ý của Hội đồng Nghệ thuật đã nâng cao chất lượng mỗi vở diễn, hướng tới mục tiêu quảng bá vở diễn hiệu quả”.
Chia sẻ với phóng viên sau đợt 1 vừa qua, NSND Mỹ Uyên bày tỏ: “Số đông khán giả trẻ ngoại thành lần đầu được xem kịch rất hào hứng, chứng tỏ học sinh đang rất thiếu sân chơi nghệ thuật, vì thế đợt quảng bá lần 2 cần tổ chức mở rộng hơn. Đáng chú ý, các sân khấu xã hội hóa đã được hỗ trợ kinh phí để mang tác phẩm của mình tiếp cận số đông khán giả là một việc làm ý nghĩa sau khi tham dự liên hoan”.
Theo NSND Trịnh Kim Chi, đây còn là cơ hội để các diễn viên cùng giao lưu với công chúng, giới thiệu những tác phẩm sân khấu đạt chất lượng. “Sân khấu xã hội hóa được quan tâm như vậy là động lực để chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm nhiều vở diễn về đề tài lịch sử – cách mạng. Bởi trước khi các vở đến với liên hoan, Hội đồng Nghệ thuật đã góp ý đầy trách nhiệm” – NSND Trịnh Kim Chi nói.
NSND Giang Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thành viên của Hội đồng Thẩm định chất lượng vở diễn tham dự Liên hoan Sân khấu TP HCM – phấn khởi cho rằng TP đã quá chu đáo trong công tác tổ chức. Quy tụ hơn 20 vở diễn đạt chất lượng tham dự liên hoan, còn tổ chức cả việc hỗ trợ để quảng bá, bao tiêu luôn việc đưa vở đến gần hơn với công chúng trên địa bàn TP, đó là cách làm đầy nhân văn.
Nguồn: https://nld.com.vn/tao-khong-gian-cho-vo-dien-chat-luong-196241008210049103.htm