Baoquocte.vn. Với mong muốn và khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, xanh, thông minh, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh cao, thời gian tới, Hà Nội chủ trương xây dựng: “Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân văn minh”.
Vùng rau an toàn tại huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Ánh) |
Tại phiên toàn thể Hội nghị Thị trưởng thủ đô các nước ASEAN (MGMAC) và Diễn đàn Thị trưởng ASEAN (AMF) diễn ra tại thủ đô Vientiane (Lào) diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, trong hơn 10 năm gần đây, TP. Hà Nội đã đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn.
Hệ thống giao thông, thủy lợi; các khu, cụm công nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh, các làng nghề nổi tiếng được hình thành khá đồng bộ; nhiều sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chất lượng cao đã từng bước chinh phục các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… ; đời sống kinh tế, văn hóa vùng nông thôn đang có những đổi thay từng ngày.
Gắn với chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn
Hà Nội hiện có gần 1.500 hợp tác xã nông nghiệp. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp thành phố Hà Nội ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng hơn.
Các hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Bên cạnh đó, các hợp tác xã đã chú trọng đầu tư thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến, từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập; một số hợp tác xã đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra sản phẩm cho các hội viên và người dân trên địa bàn.
Nhiều hợp tác xã xây dựng đơn giá dịch vụ thấp hơn so với thị trường nhằm mang lại lợi ích, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, hạn chế việc bỏ ruộng.
Song song, trên địa bàn cũng xuất hiện những hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Đơn cử như sản xuất rau, quả an toàn của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh với quy mô 200 ha, trong đó 10 ha sản xuất theo VietGAP bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 200 triệu-250 triệu đồng/năm. Một phần sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội.
Để có được những điểm sáng trên, ông Trần Sỹ Thanh cho hay, Hà Nội đã trung phát triển hạ tầng đồng bộ và kết nối vùng. Thành phố đã quyết định đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ và các tuyến giao thông liên kết giữa khu vực nội thành và các vùng ngoại ô, nông thôn.
Diện tích đất dành cho giao thông hiện nay đạt khoảng trên 10%, dự kiến đến hết năm 2025 đạt khoảng 12 – 15%.
Cùng với các công trình hạ tầng thủy lợi, hạ tầng sản xuất nông nghiệp, hạ tầng thông tin, các khu, cụm công nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy giao thương, dịch vụ logistics và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của người dân nông thôn.
Đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Hà Nội đã xây dựng và triển khai các mô hình kinh tế mới, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, Hà Nội có gần 2.000 sản phẩm OCOP.
Các hoạt động kinh tế tuần hoàn được khuyến khích phát triển, qua đó không chỉ tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân mà còn giúp bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng sinh thái, góp phần phát triển bền vững.
Ngoài ra, chú trọng đầu tư vào hệ thống y tế, giáo dục, văn hóa tại khu vực nông thôn. Mục tiêu hướng tới là để người dân khu vực nông thôn được tiếp cận giáo dục và đào tạo bình đẳng và toàn diện; qua đó giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề của nông dân, tạo tiền đề tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của lao động khu vực nông thôn…
Diện mạo nông thôn mới khang trang, trù phú ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng. (Ảnh: Mai Nguyễn) |
Người dân khu vực nông thôn là chủ thể, là trung tâm
Theo Quy hoạch nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp Thủ đô trên cơ sở phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử; trong đó, có lợi thế lớn nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo đó, nông nghiệp của Hà Nội phải khác với các địa phương khác, nên cần định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp trải nghiệm kết hợp với du lịch, sinh thái… Đối với vấn đề quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn, cần xác định phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp là nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, không phải trồng rừng để lấy gỗ.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố đang nghiên cứu để tìm ra sản phẩm tiềm năng, lợi thế của Hà Nội nhằm tạo sự khác biệt với các địa phương khác, đưa nông nghiệp Thủ đô phát triển xứng tầm.
“Hà Nội quyết tâm thực hiện đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp; tiếp tục triển khai chỉ tiêu phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp với quy mô tương xứng, bảo đảm đúng quy hoạch; đồng thời, tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô…”, ông Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.
Còn Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh thì cho rằng, với mong muốn và khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, xanh, thông minh, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh cao, thời gian tới, Hà Nội chủ trương xây dựng: “Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân văn minh”.
Theo đó, Thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể như:
Thứ nhất, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ; cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thứ hai, phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp thực chất, hiệu quả; khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản…
Thứ ba, phát triển nông nghiệp sinh thái tại các vùng bãi sông Hồng, sông Đáy, phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm sạch, chất lượng cao. Ưu tiên đầu tư ngành chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bảo vệ môi trường, cùng với việc bảo đảm an toàn dịch bệnh…
Thứ tư, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.
Thứ năm, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng xanh.
Thứ sáu, để thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn một cách bền vững, Thành phố Hà Nội luôn khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng dân cư nông thôn trong quá trình xây dựng, phát triển và quản lý địa phương với phương châm “Người dân khu vực nông thôn là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tao-khac-biet-dua-kinh-te-nong-nghiep-thu-do-ha-noi-phat-trien-xung-tam-292013.html