Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hiện tượng xã hội nguy hại, thường diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo quy định của pháp luật, đây là những hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tập quán, văn hóa và điều kiện kinh tế, người dân ở các bản thuộc xã Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ) vẫn tồn tại hành vi này.
Đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ) dù không còn phổ biến nhưng vẫn diễn ra, đặc biệt là tình trạng tảo hôn. Phìn Hồ là xã miền núi có 98% dân số là dân tộc Mông. Theo báo cáo, xã vẫn có nhiều trường hợp kết hôn khi mới 14-15 tuổi. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống dù không cao như những năm trước nhưng vẫn còn tồn tại, trong đó có nhiều trường hợp kết hôn cùng huyết thống. Gia đình anh V.A.R (SN 1986) và chị S.T.G (SN 1988) đã có 8 người cùng sống trong ngôi nhà lụp xụp phía cuối bản Ngài Chồ. Chị G. cho biết: Chị lấy chồng từ khi mới 15 tuổi, đến nay đã có 6 con. Cả gia đình có 8 miệng ăn chỉ trông chờ vào 1 sào đất trồng ngô, vợ chồng chị ai thuê gì thì làm nhưng ít việc, không có thu nhập nên thường xuyên bị đói.
Một trường hợp khác là bạn trai L.T.N ở xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) năm nay mới 17 tuổi đã thông qua mạng xã hội làm quen và yêu em M.T.L người bản Séo Lèng (xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ) 14 tuổi, gia đình em gái đã phải mời Công an xã vào giải quyết vụ việc…
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật quy định về tuổi kết hôn, tập tục lấy chồng trong họ; do sự khó khăn trong giao tiếp giữa các bản; thiếu quan tâm của gia đình và cộng đồng đối với quyền lợi của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Sìn Hồ, năm 2022, có 3 trường hợp trẻ em sinh ra từ những cặp vợ chồng cận huyết thống bị dị tật bẩm sinh hoặc suy dinh dưỡng. Ngoài ra, có 2 trường hợp phụ nữ mang thai hoặc sinh con khi chưa đủ tuổi bị biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Những trẻ em và phụ nữ này không chỉ gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe mà còn bị kỳ thị và xa lánh bởi cộng đồng.
Việc kết hôn sớm là nguyên nhân khiến phụ nữ mất đi cơ hội được học tập và phát triển bản thân.
Ông Nguyễn Trung Quyền – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ chia sẻ: Một trong những vấn đề chính của tảo hôn là nguy cơ cao về các bệnh di truyền. Việc kết hôn trong cùng một dòng họ dẫn đến việc kế thừa gen mang tiềm năng gây ra các bệnh di truyền như: bại não, liệt nửa người, dị tật bẩm sinh và suy dinh dưỡng. Điều này gây ra những hệ lụy về mặt y tế, tác động lớn đến sự phát triển và tương lai của cộng đồng. Bên cạnh đó việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn ảnh hưởng đến quan hệ gia đình và xã hội. Kết hôn trong cùng một dòng họ có thể gây ra sự căng thẳng, xung đột và tranh cãi trong gia đình. Đồng thời, cũng làm giảm tính đa dạng và sự đồng thuận trong cộng đồng, dẫn đến mai một về văn hóa và các giá trị truyền thống.
Để đẩy lùi tình trạng này, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ tảo hôn. Cần khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống và ý thức; quản lý chặt chẽ việc đăng ký kết hôn và thực hiện quy định của pháp luật. Khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, giao lưu và học tập để mở rộng tầm nhìn và kết nối với các cộng đồng khác.
Chị Thào Thị Ly – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phìn Hồ cho biết: Để phòng, chống tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, hội đã triển khai nhiều hoạt động như: tuyên truyền, giáo dục, vận động các gia đình, cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống tảo hôn, hỗ trợ các em gái bị tảo hôn tiếp tục đi học, làm kinh tế… Kết nối với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến vấn đề phòng, chống tảo hôn. Chủ động triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kinh tế, giáo dục, y tế cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc giám sát và ngăn chặn các trường hợp vi phạm; khen thưởng các gia đình có thành tích trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em và phụ nữ. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở xã Phìn Hồ đã giảm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bình đẳng giới cho người dân trong xã.
Ông Lý A Phử – Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ cho biết: Hiện nay, xã đã tập trung chỉ đạo các tổ chức đại diện cho phụ nữ, trẻ em, trưởng bản, người có uy tín… cùng tham gia phòng ngừa và xử lý tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Tập trung xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất tạo việc làm cải thiện điều kiện sống; nâng cao chất lượng giáo dục và y tế để người dân trên địa bàn xã có nhiều lựa chọn trong việc tìm đối tác kết hôn và thời điểm kết hôn. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể xã tăng cường sự hỗ trợ và tư vấn tâm lý cho các đối tượng có nguy cơ tảo hôn để ngăn chặn tình trạng này. Thực hiện kiểm soát và giám sát việc kết hôn, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Để giải quyết triệt để vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Phìn Hồ đòi hỏi các giải pháp cụ thể thường xuyên liên tục từ chính quyền địa phương. Từ đó, giúp người dân xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, bền vững với hôn nhân lành mạnh.