Bến TreLinh vật rồng được nghệ nhân làng hoa Chợ Lách tạo hình bằng cây cảnh, giá từ vài chục nghìn đến 50 triệu đồng mỗi con chưng Tết Giáp Thìn.
Hơn một tuần nay, sân nhà của bà Cao Thị Tuyết, 60 tuổi, ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách luôn nhộn nhịp cảnh nhân công bưng bê các bụi tắc sai trái về tập kết. Gia đình bà trước đây chỉ trồng tắc bụi bán Tết. Hơn 10 năm trước, họ thử nghiệm dùng tắc bụi tạo hình linh vật, thấy đầu ra ổn định nên tiếp tục duy trì nghề đến nay.
Cạnh đó, chồng bà Tuyết đang dùng máy hàn các thanh sắt tạo thành bộ khung hình rồng. Sau khi khung được đặt vào chậu, nhân công cẩn thận dùng dây kẽm buộc các nhánh tắt sai trái vào, tinh chỉnh cho cân đối, thẩm mỹ. Ngoài bờm, vây lưng và đuôi rồng được tạo hình bằng mica phủ nước sơn, sừng và râu rồng làm bằng rễ cây bần và trái mù u, vốn có nhiều ở địa phương.
Bà Tuyết cho biết theo quan niệm dân gian, rồng là biểu tượng của sự may mắn, nên Tết những năm trước dù không phải năm Thìn gia đình vẫn làm hơn 10 con rồng từ cây cảnh để bán. Năm nay, số lượng tạo hình rồng được bà tăng lên 50, vì nhu cầu chưng Tết cây cảnh hình rồng sẽ tăng.
“Trong các linh vật thì ngoài con hổ, rồng cũng khó tạo hình bởi khuôn mặt cần phải có ‘thần”‘, bà Tuyết nói và cho biết mỗi cặp tạo hình rồng từ cây cảnh giá từ 2 đến 8 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày, một người có thể hoàn thành 2-3 con rồng loại nhỏ khoảng 1,2 m. Với rồng dài 4,5 m cần thời gian thi công lâu gấp đôi.
Gần nhà bà Tuyết, anh Nguyễn Duy Tân cũng đang chăm sóc hơn 20 cặp rồng tạo hình từ tắc kiểng chờ thương lái đến nhận. Theo anh Tân, năm nay thời tiết ít mưa rất thuận lợi cho cây tắc. Từ tháng 5 Âm lịch, nhà vườn bắt đầu trồng tắc bụi để chuẩn bị tạo hình linh vật rồng.
Chủ vườn cho hay ngoài các thương lái chính từ TP HCM và Hà Nội, do năm nay kinh tế khó khăn nên nhà vườn phải chủ động bán cây cảnh qua mạng xã hội. “Tắc kiểng thú sau khi mua về chỉ cần tưới đủ nước là có thể chơi hơn một tháng”, anh Tân nói.
Cách đó khoảng 2 km, trên quốc lộ 57 cũng bắt đầu trưng bày nhiều cặp rồng được tạo hình bằng cây xanh. Đây là một trong các vựa cây cảnh lâu đời và quy mô nhất ở Bến Tre. Chủ vườn cho biết tạo hình rồng nhỏ nhất 3 mét, lớn nhất 50 mét, giá từ 3 đến 50 triệu đồng.
Làng hoa Chợ Lách là một trong hai vựa hoa kiểng lớn nhất miền Tây, rộng 600 ha, với 3.000 hộ trồng hoa, giống cây ăn quả, 15-17 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh phục vụ Tết mỗi năm. Ngoài các loại kiểng thú lớn, năm nay theo ghi nhận tại các cơ sở cây cảnh ở Chợ Lách còn có rồng mini tạo hình từ cẩm tú mai, lá tùng giá 75.000-150.000 đồng mỗi chậu phù hợp với túi tiền của khách bình dân.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cho biết năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, dự báo sức mua của người dân sẽ giảm khoảng 30% so với các năm trước. Kiểng thú linh vật do giá thành khá cao, nên năm nay số lượng cũng giảm khoảng phân nửa.
“Hiện, địa phương chưa bị ảnh hưởng hạn mặn khốc liệt như dự báo, song người dân không nên chủ quan mà cần chủ động trữ nước để ứng phó”, ông Liêm nói.
Hoàng Nam