Báo cáo tình hình nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra nhiều thông tin thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình nhân quyền Việt Nam, đi ngược lại tinh thần của mối quan hệ đang phát triển tích cực giữa hai nước.
Khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, hai bên đều mong muốn hướng đến một giai đoạn lịch sử mới trên cơ sở tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Thật đáng tiếc là mới đây, Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại đưa ra nhiều thông tin thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình nhân quyền Việt Nam, đi ngược lại tinh thần của mối quan hệ đang phát triển tích cực giữa hai nước.
Những thông tin phiến diện
Với bố cục tương tự các năm trước, Báo cáo thường niên lần thứ 48 về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – Báo cáo (công bố ngày 22/4) dài 59 trang, dài hơn so với Báo cáo năm 2022 (43 trang). Mặc dù thừa nhận một số nỗ lực, kết quả của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người song xuyên suốt Báo cáo là những thông tin thiếu khách quan, phiến diện, thậm chí tiêu cực hơn năm trước.
Ngay mở đầu, Báo cáo nêu “Không có tiến bộ đáng kể nào về tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm qua” và hàng loạt những vấn đề “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” được liệt kê, cáo buộc vô căn cứ đối với Việt Nam như: bắt giữ, giết người tuỳ tiện; ngược đãi phạm nhân; hạn chế quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, tự do đi lại, tự do hội họp; đàn áp “người hoạt động nhân quyền”; giam giữ “tù chính trị”…
Đoàn Việt Nam và Hoa Kỳ tại Đối thoại Nhân quyền lần thứ 27. (Nguồn: BNG) |
Những thông tin trên cũng không quá xa lạ bởi vẫn là luận điệu quen thuộc trong các báo cáo của các tổ chức, cá nhân phản động và một số tổ chức NGO quốc tế cực đoan, thiếu thiện chí với Việt Nam. Đáng tiếc là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã dựa trên những nguồn thông tin thiếu kiểm chứng mà họ gọi là “các báo cáo đáng tin cậy” thay vì những thông tin chính thống, đầy đủ, chính xác từ các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Thực tế những năm qua, Việt Nam luôn chủ động, cởi mở trong trao đổi, chia sẻ, giải đáp những vấn đề, thông tin phía Hoa Kỳ quan tâm thông qua nhiều kênh, trong đó có Đối thoại Nhân quyền, Đối thoại Lao động thường niên cũng như các buổi làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn Hoa Kỳ đi các địa phương để tìm hiểu thực tế…
Đáng chú ý, Báo cáo xướng tên một số phạm nhân như: Lê Anh Hùng là “người bất đồng chính kiến về chính trị”, Trần Văn Bang, Lê Xuân Diệu, Nguyễn Trung Tôn bị “ngược đãi”, “giam giữ độc đoán”, hay “không được chăm sóc y tế”…
Cần khẳng định rằng, mọi công dân Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật. Việt Nam chỉ bắt giữ, điều tra, xét xử những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không có cái gọi là người “bất đồng chính kiến”, “tù nhân lương tâm” mà bên ngoài vẫn thường rêu rao. Tất cả các phạm nhân trong quá trình thi hành án đều được bảo đảm các chế độ, chính sách về khẩu phần ăn, chăm sóc y tế, thăm gặp thân nhân… Đáp ứng đề nghị của Hoa Kỳ và các nước, Việt Nam đã nhiều lần cung cấp thông tin về số phạm nhân quan tâm một cách rõ ràng, minh bạch.
Việc đưa ra những thông tin sai lệch về số đối tượng trên chính là cổ xuý cho những hành động chống phá Việt Nam. Điều này không một quốc gia độc lập, có chủ quyền nào chấp nhận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, ngày 25/4, cũng đã khẳng định: “Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế ở Việt Nam”.
Thực tiễn là minh chứng
Đối với những người có ít thông tin về Việt Nam hoặc chưa từng đến Việt Nam, Báo cáo của Hoa Kỳ dễ đưa đến những nhận thức sai lệch, tác động tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam.
“Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trên thực tiễn”, là lời khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.
Trên thực tế, trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế có mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Đời sống của Nhân dân được tăng lên đáng kể. Riêng trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, đồng thời tiếp tục dành trung bình hằng năm khoảng 3% GDP cho bảo đảm an sinh xã hội.
Việt Nam mở rộng diện BHYT bắt buộc và tự nguyện, đến nay đã đạt mức 93,35% (năm 1993 mới chỉ là 5,4%). Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp BHYT miễn phí. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023.
Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hoá các Mục tiêu thiên niên kỷ. Trong bảng xếp hạng HDI mới nhất 2023, Việt Nam đã tăng 8 bậc từ 115 lên 107, tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng. Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Tỷ lệ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến trường ngày một tăng cao. (Nguồn: chinhphu.vn) |
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề toàn cầu, thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất hướng đến thúc đẩy, bảo đảm tốt hơn các quyền con người, đặc biệt khi Việt Nam 2 lần được tín nhiệm bầu chọn là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025). Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Những kết quả trên đã thể hiện rõ chính sách nhất quán và nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền cho người dân cũng như đóng góp vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khi đến Việt Nam năm 2022 đã khẳng định: “Việt Nam là một tấm gương vô cùng đặc biệt. Tất cả những nỗ lực mà Việt Nam đã thể hiện trong thời gian qua là một sự đột phá. Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng. Các bạn là tấm gương về sự thống nhất để mang lại những lợi ích cho người dân”.
Tổng giám đốc UNDP cũng đã chúc mừng Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển con người, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong tiến trình giải quyết các thách thức toàn cầu, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Cần tiếp cận khách quan, toàn diện
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chịu sự phản đối gay gắt từ nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, CHDCND Triều Tiên.
Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Báo cáo được xây dựng dựa trên những cáo buộc có nguồn gốc không rõ ràng và “còn xa mới mang tính công bằng và khách quan” bởi không phản ánh đầy đủ các vụ tấn công vô nhân đạo đang tiếp diễn tại Gaza, không chỉ huỷ hoại quyền tối thượng của người Palestine mà cả giá trị chung của toàn nhân loại”.
Chính phủ Ấn Độ cũng chỉ trích mạnh mẽ Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, coi tài liệu này mang định kiến sâu sắc và phản ánh sự hiểu biết nghèo nàn về nước này.
Phản ứng gay gắt nhất là Trung Quốc khi cho rằng: Trong cái gọi là Báo cáo nhân quyền này, Hoa Kỳ chỉ trích tình hình nhân quyền của gần 200 quốc gia và khu vực nhưng lại không nói gì về chính Hoa Kỳ. Đây chỉ là một trường hợp khác của tiêu chuẩn kép. Bản chất bá quyền, hống hách, bắt nạt của Hoa Kỳ cũng như sự ích kỷ, đạo đức giả của nước này đang được thể hiện rõ ràng. Nếu Hoa Kỳ thực sự quan tâm đến nhân quyền, họ cần giải quyết nghiêm túc và thỏa đáng vấn đề bạo lực súng đạn trong gia đình, lạm dụng ma túy, phân biệt chủng tộc và các hành vi vi phạm nhân quyền và nhân phẩm khác… Hoa Kỳ nhắm mắt làm ngơ trước việc hơn 110.000 thường dân thương vong ở Dải Gaza, đã 4 lần liên tiếp phủ quyết các nỗ lực của Hội đồng Bảo an LHQ về lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza. Chỉ điều đó thôi cũng đủ nói lên rằng nhân quyền thực sự có ý nghĩa nhỏ nhoi như thế nào đối với Hoa Kỳ và việc nước này chà đạp lên nhân quyền như thế nào.
“Thế giới không mù quáng trước chủ nghĩa bá quyền của Hoa Kỳ áp đặt lên thế giới dưới danh nghĩa nhân quyền. Hoa Kỳ cần xem xét lại hành vi của chính mình. Trước tiên, họ cần phải giải quyết các vấn đề của chính mình, ngừng giảng dạy người khác về nhân quyền, ngừng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của các quốc gia khác và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, vi phạm nhân quyền của các nước và gieo rắc mầm mống xung đột và hỗn loạn nhân danh nhân quyền và dân chủ”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
“Việt Nam đã, đang và sẽ trao đổi thẳng thắn, cởi mở trên cơ sở xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn khác biệt để tăng cường hiểu biết, qua đó đóng góp tích cực hơn nữa vào quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”. (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng) |
Có thể khẳng định, nhân quyền đã, đang và sẽ là vấn đề các quốc gia quan tâm trong tiến trình phát triển đất nước, bởi có cùng chung mục tiêu là bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người cho người dân. Tuy nhiên, ngay từ khi Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới ra đời năm 1948, các cuộc tranh luận về nhân quyền giữa các quốc gia vẫn tiếp diễn bởi còn có những khác biệt trong cách tiếp cận bắt nguồn từ đặc thù chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
Điều này là không thể tránh khỏi bởi bản chất của thế giới là sự thống nhất trong đa dạng. Các quốc gia thừa nhận những giá trị chung của nhân loại về quyền con người, nhưng lộ trình, cách thức cũng như những ưu tiên trong thực thi còn có khác biệt. Để thu hẹp bất đồng, gia tăng sự thống nhất thì cách duy nhất là đối thoại, trao đổi để tăng cường thấu hiểu, tạo dựng niềm tin, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau để bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, vì hoà bình và phát triển bền vững của toàn nhân loại.
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện tháng 9/2023 đã nêu, Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường. Đồng thời, các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Không một quốc gia nào có thể tự cho là hoàn hảo trong lĩnh vực nhân quyền, ngay cả Hoa Kỳ. Nhưng không thể chỉ nhìn những vấn đề còn tồn tại, những hạn chế mà phủ nhận toàn bộ nỗ lực của mỗi quốc gia. Mọi đánh giá cần khách quan, toàn diện và thận trọng. Việt Nam sẵn sàng lắng nghe những góp ý để khắc phục thiếu sót, hạn chế trong lĩnh vực nhân quyền nhưng điều kiện tiên quyết là những ý kiến đó phải xuất phát từ sự thiện chí, mang tính xây dựng trên cơ sở tin tưởng, thấu hiểu lẫn nhau.
Đây là cơ sở nền tảng cho một mối quan hệ song phương bền vững, vì lợi ích của Nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tao-dung-long-tin-chien-luoc-271135.html