(Dân trí) – Gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo đột phá về thể chế để phát triển ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo.
“Những trang vàng của giáo dục, đào tạo là biết bao thế hệ nhà giáo viết lên”
Chiều 15/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt, động viên 60 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu nhà giáo đến từ nhiều vùng, miền trên cả nước.
Đây là các thầy cô dạy học ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, thầy cô là giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi, có thành tích đặc biệt trong giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy cô là nhà khoa học với nhiều công bố uy tín trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt nhân ngày “Tết” của người thầy, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, giáo dục luôn là trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp nền văn hiến, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Việt Nam từ một quốc gia nghèo khó, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh chuyển mình thành nước có quy mô kinh tế thứ 34 thế giới năm 2023; từ một nước phải chống “giặc đói, giặc dốt” với hơn 90% dân số mù chữ trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và xếp hạng 59 thế giới về chất lượng giáo dục. Thành quả đổi mới ấy có sự đóng góp to lớn của ngành giáo dục.
Đặc biệt, triển khai các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 29-NQ/TW, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
“Những trang vàng của giáo dục, đào tạo là biết bao thế hệ nhà giáo viết lên” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu
Hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, Thủ tướng khẳng định giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, phải được xây dựng thực sự chất lượng và sáng tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, hướng đến đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể – Thầy cô giáo là động lực – Nhà trường làm bệ đỡ – Gia đình là điểm tựa – Xã hội là nền tảng”.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm sau đây.
Thứ nhất, tiếp tục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ để ngành giáo dục thực hiện có chất lượng ngày càng tốt tất cả các nhiệm vụ chiến lược đã được tổng kết, đúc rút từ thực tiễn và được đưa ra trong Kết luận số 91-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của Quốc hội; cầu thị, lắng nghe ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Luật Nhà giáo, tạo sự đột phá về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật Giáo dục ra đời phải khiến cho giáo viên thật sự phấn khởi, được tôn vinh và tạo điều kiện để cống hiến.
Đồng thời, chủ động dự thảo sớm các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, để ban hành và triển khai ngay sau khi Quốc hội thông qua.
Thứ hai, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học; đẩy mạnh phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại…
Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thực hiện đúng tinh thần: “Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên” một cách hợp lý.
“Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy giỏi, người thầy tốt. Học sinh được tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu có sự dìu dắt và chỉ bảo của giáo viên có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền dạy hợp lý. Đồng thời, phải tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo; có tư duy phản biện, đam mê tìm tòi, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.
Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, ươm mầm khát vọng, chắp cánh bay cao, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo; bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân – thiện – mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tao-dot-pha-ve-the-che-de-phat-trien-giao-duc-va-doi-ngu-nha-giao-20241115214137847.htm