Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Đông Nam Bộ là một trong 7 vùng du lịch có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch cả nước. Ngành du lịch các địa phương trong vùng đánh giá đúng thế mạnh, nhìn nhận “điểm nghẽn”, có những giải pháp tháo gỡ nhằm phát triển du lịch từng địa phương cũng như toàn vùng xứng tầm ngành kinh tế mũi nhọn ở khu vực được kỳ vọng trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Là một trong những vùng du lịch trọng điểm của cả nước, Đông Nam Bộ hội tụ rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn như du lịch sinh thái rừng, sinh thái biển – đảo, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, ẩm thực, du lịch MICE… Các chuyên gia phân tích, vùng Đông Nam Bộ có đường bờ biển dài 350 km, nhiều bãi tắm đẹp như: Vũng Tàu, Long Hải, Côn Đảo… Khu vực này còn có nhiều tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn như: Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; hệ thống các Vườn Quốc gia: Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh)… Đồng thời, nhiều địa phương có tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan núi như: Núi Bà Đen (Tây Ninh) được công nhận là Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà; núi Bà Rá (Bình Phước); núi Dinh (Bà Rịa – Vũng Tàu); núi Chứa Chan (Đồng Nai)… Các tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ như: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An (Đồng Nai), hồ Thác Mơ (Bình Phước)…
Vùng Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh |
Tiến sỹ Lê Văn Khoa, trường Đại học Thủ Dầu Một nhận định, vị trí nằm liền kề Đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ phía Tây nối với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia thông qua mạng lưới đường bộ xuyên Á, phía Đông có hệ thống cảng biển Sài Gòn, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thị Vải, khu vực Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đặc biệt là du lịch. Đây chính là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển…
Không chỉ có vậy, là vùng đất có bề dày hơn 300 năm hình thành, phát triển, Đông Nam Bộ còn sở hữu di tích lịch sử – văn hóa, nhiều nét văn hóa đặc sắc, là nền tảng để hình thành nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch gắn với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận, địa bàn Thành phố có 185 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 60 di tích quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia. Rất nhiều di tích đã trở thành điểm đến du lịch như di tích Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành…
Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa cùng các di sản văn hóa phi vật thể rất đa dạng. Chỉ tính riêng các lễ hội, Bà Rịa – Vũng Tàu có 12 lễ hội truyền thống, thể hiện sự giao thoa màu sắc văn hóa truyền thống của cả ba miền Bắc – Trung – Nam hết sức độc đáo, trong đó tiêu biểu là Lễ giỗ bà Phi Yến, Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lễ hội Nghinh Ông tại đình Thắng Tam, Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành, Lễ hội Trùng Cửu, Lễ hội Dinh Cô, Lễ giỗ Ông Trần – Nhà Lớn Long Sơn…
Làng bưởi Tân Triều (Đồng Nai) những ngày cận Tết Nguyên đán |
Bên cạnh đó, Đông Nam Bộ còn là nơi có hệ thống các làng nghề phong phú và đa dạng, đều khắp ở các tỉnh, thành, đã được thống kê. Tiêu biểu, Thành phố Hồ Chí Minh có các làng mành trúc Tân Thông Hội, bánh tráng Phú Hòa Đông, nem Thủ Đức, dệt Bảy Hiền… Bà Rịa – Vũng Tàu có làng cá Phước Hải, làng bánh tráng An Ngãi, mỹ nghệ sò ốc Vũng Tàu… Đồng Nai có các làng gốm Biên Hòa, làng bưởi Tân Triều, dệt thổ cẩm Tà Lài… Tây Ninh có làng nghề bánh tráng Trảng Bàng, làm muối tôm ở Gò Dầu, Trảng Bàng… Bình Phước có các nghề dệt thổ cẩm Bù Đăng; gốm sứ, mây tre đan Bù Đốp…
Trên cơ sở tài nguyên du lịch đa dạng, các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ đã phát huy thế mạnh, hình thành, khai thác nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Từng địa phương đều có những điểm đến ghi dấu ấn, “gọi đúng” nét đặc thù, thể hiện bản sắc vùng đất, con người .
Trải nghiệm du lịch trên sông Sài Gòn |
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Trong giai đoạn phục hồi, phát triển du lịch sau dịch COVID-19, bên cạnh các điểm đến quen thuộc đã làm nên thương hiệu du lịch Thành phố, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực phát triển nhiều sản phẩm, điểm đến đến trải nghiệm cho du khách theo hướng mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng với hàng loạt hành trình mới mẻ, tạo ấn tượng với du khách. Đó là: Gò Vấp – Trăm năm tìm lại dấu xưa, Tân Bình – Biết bao điều thú vị, Hóc Môn – Vùng đất lịch sử, Quận 12 – Còn bao điều mới lạ, Quận 1 – Sống động Sài Gòn hay tour Ký ức Sài Gòn – Chợ Lớn, lái xe Vespa khám phá Quận 3 đa sắc màu, tạo sự mới mẻ cho du khách dù đã đến Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần.
Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các địa phương, đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường tổ chức nhiều sự kiện du lịch, văn hóa quy mô gắn với khai thác hiệu quả trên 360 điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch được hình thành từ tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.
Với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thế mạnh du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – tâm linh, sinh thái với các điểm đến như: Khu Du lịch phức hợp Hồ Tràm Strip, Khu Du lịch Cáp treo Hồ Mây, Khu Du lịch Lan Rừng Resort Phước Hải, Khu Du lịch Six Senses Côn Đảo. Tiêu biểu, Resort Melia Hồ Tràm liên tục được bổ sung các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú của du khách như Đại nhạc hội Let’s Charm Fest được tổ chức tại Charm Resort Hồ Tràm, Khu thương mại – dịch vụ Hamptons Plaza Hồ Tràm với cầu ngắm biển dài nhất châu Á, phố thương mại, dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế đã thu hút du khách đến nghỉ dưỡng tại khu vực Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc).
Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu vực dậy mạnh mẽ từ nội lực |
Tại thành phố biển Vũng Tàu, các sự kiện văn hóa – thể thao, lễ hội ẩm thực được tổ chức vào nhiều thời điểm trong năm, góp phần làm nên kết quả khá ấn tượng của du lịch địa phương trong năm 2022. Tổng lượt khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng tại tỉnh đạt trên 12,6 triệu lượt, doanh thu từ dịch vụ lưu trú tăng tới gần 128% so với năm 2021, công suất phòng của các cơ sở lưu trú, nhất là các cơ sở lưu trú có vị trí gần biển luôn đạt hơn 95%.
Du lịch Đồng Nai, với thế mạnh gần Thành phố Hồ Chí Minh và ngay trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, tập trung lượng lớn người lao động, tỉnh tập trung khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng dịp cuối tuần. Năm 2022, điểm đến Công viên nước Vịnh Kỳ diệu tại thành phố Biên Hòa được đưa vào hoạt động với sức chứa lên đến 30.000 du khách. Đồng thời, điểm đến này còn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập 5 kỷ lục, gồm công viên nước lớn nhất Việt Nam, biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam, sóng nhân tạo cao nhất Việt Nam, dòng sông kỳ diệu dài nhất Việt Nam và có màn hình Led ngoài trời lớn nhất Việt Nam. Tất cả đã tạo thêm sản phẩm du lịch, điểm đến vui chơi giải trí mới cho du khách khi đến Đồng Nai.
Đồng Nai đón 2,2 triệu lượt du khách trong năm 2022 |
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Mộng Bình: Phát triển đa dạng sản phẩm, tỉnh tiếp tục mở rộng, phát triển nhiều điểm đến là các nhà vườn trồng cây ăn quả như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, mít, bưởi ở các thành phố Biên Hòa, Long Khánh, huyện Xuân Lộc. Với ưu thế thời gian di chuyển ngắn các, tour tham quan nhà vườn được được thiết kế linh hoạt, du khách có thể kết hợp tham quan và mua sắm, thưởng thức đặc sản trái cây. Vào mùa trái chín (từ tháng 5 đến tháng 9), mỗi ngày, các nhà vườn đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan.
Ngoài những điểm đến ghi dấu ấn của du lịch từng địa phương, các doanh nghiệp du lịch còn khai thác các sản phẩm tour mang tính liên kết, đưa du khách đến trải nghiệm ở nhiều địa phương, nhiều sắc thái văn hóa trong cùng một hành trình tour. Các tour du lịch liên kết như Thành phố Hồ Chí Minh – Tây Ninh – Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ” hay Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”, Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu với tên gọi “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”… góp phần tạo sự hấp dẫn cho du lịch Đông Nam Bộ.
|
Từ năm 2020 – 2022, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã đón được trên 73,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó trên 70,4 triệu khách nội địa, trên 3 triệu khách quốc tế, tổng doanh thu đạt hơn 260 tỷ đồng.
Hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch, phát triển nhiều loại hình du lịch và dịch vụ, song tại nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ, việc phát triển mạnh ngành “kinh tế không khói” vẫn chưa thực sự tương xứng tiềm năng. Số lượng khách lưu trú dài ngày ở một số tỉnh còn thấp, nhiều điểm đến mới chỉ thực sự thu hút du khách vào dịp cuối tuần.
Tiến sỹ Lê Văn Khoa, trường Đại học Thủ Dầu Một nhận định, sản phẩm du lịch ở một số địa phương còn đơn điệu, dễ gây ra nhàm chán cho du khách. Chất lượng sản phẩm du lịch không cao, chưa đủ sức hút khách du lịch và cạnh tranh với sản phẩm du lịch trong khu vực. Một số dịch vụ vui chơi giải trí tại nhiều tỉnh hiện nay chưa được đầu tư xây dựng công phu nên mức độ “lôi kéo” du khách ở dài ngày tham quan trên địa bàn rất hạn chế. Số ngày lưu trú thấp dẫn đến tổng thu từ khách du lịch không cao.
Toàn cảnh Vườn Quốc gia Côn Đảo và trung tâm hành chính huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) |
Theo Tiến sỹ Lê Văn Khoa, khi nghiên cứu về việc phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phân bổ du khách, nhất là du khách khách quốc tế, không đều trong vùng là một sự lãng phí. Các địa phương trong vùng nếu có chiến lược thu hút khách quốc tế hợp lý sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế.
Ví dụ, các địa chỉ du lịch về nguồn thường nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi điều kiện kinh tế – xã hội, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực khó khăn. Do vậy, cần coi việc thúc đẩy loại hình du lịch về nguồn là đòn bẩy để phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân địa phương. Ngành du lịch các địa phương cần tăng cường hợp tác, gắn kết các điểm du lịch trên địa bàn với các khu di tích lịch sử văn hóa trong toàn vùng Đông Nam Bộ, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh cần giữ vai trò chủ công, hỗ trợ các địa phương còn lại trong việc xây dựng sản phẩm du lịch.
Quan tâm tới loại hình du lịch sinh thái – một trong những sản phẩm thế mạnh của nhiều địa phương Đông Nam Bộ, Tiến sỹ Vũ Thịnh Trường và Thạc sỹ Nguyễn Hoài Nhân (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai) cho rằng: Hiện nay, nhiều hoạt động du lịch sinh thái Đông Nam Bộ mới chỉ dừng ở việc đưa du khách “đi xem”, “đi cho biết” và tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, chưa thực sự có nhiều trải nghiệm để du khách tìm hiểu đầy đủ về giá trị cảnh quan rừng, biển đảo và các giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng cư dân địa phương. Nhiều địa phương trong vùng cũng như các khu vực lân cận chưa hình thành được các tour, tuyến đặc thù về du lịch sinh thái.
Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển đa dạng du lịch sinh thái, cộng đồng |
Ngoài ra, nhìn từ góc độ nguồn nhân lực, nhiều địa phương trong vùng còn tình trạng thiếu đội ngũ lao động giàu tay nghề, kinh nghiệm, thông thạo ngoại ngữ ở các địa phương, nhất là ở các điểm đến du lịch cộng đồng khiến sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch, dịch vụ ở điểm đến bị giảm sút.
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề cập nhiều nhiệm vụ, giải pháp cho vùng. Nghị quyết nêu rõ: Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế; phát triển dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; công nghệ thông tin – viễn thông, khoa học – công nghệ; du lịch, logistics…
Trên 73,5 triệu lượt khách đến vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 – 2022 |
Đại diện các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đều khẳng định, Nghị quyết số 24-NQ/TW đang mở ra những cơ hội mới cho phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng, trong đó có ngành Du lịch – một trong những thế mạnh của Đông Nam Bộ. Để triển khai hiệu quả, từng địa phương cũng như toàn vùng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, các địa phương, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ ở Đông Nam Bộ cần tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm, tạo ấn tượng đậm nét về thương hiệu du lịch của vùng, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn; đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và cách thức xúc tiến quảng bá, kết hợp quảng bá trực tuyến trên các nền tảng số và mạng xã hội; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch.
Nhấn mạnh các giải pháp liên kết, trước hết để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo nền tảng phát triển sản phẩm du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành địa phương trong vùng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cấp Cảng Hàng không Côn Đảo, xây dựng Cảng tàu khách quốc tế và hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, các tuyến đường sắt đô thị… Việc hoàn thiện hệ thống giao thông nhằm tăng liên kết các hoạt động du lịch nói riêng, kinh tế xã hội nói chung với các địa phương trong vùng và khu vực.
Tỉnh phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp; phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm đặc trưng; phát triển khu du lịch phức hợp, đẳng cấp quốc tế. Cùng với đó, Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển các đô thị, nhất là các đô thị du lịch ven biển, theo mô hình đô thị xanh, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chất lượng vượt trội, hấp dẫn du khách.
Địa đạo Củ Chi – nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Củ Chi, nay là một địa điểm du lịch lịch sử nổi tiếng |
Cùng quan điểm coi trọng giải pháp liên kết, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ cần xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo sự liên kết “sáu địa phương, một điểm đến”. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối các tỉnh, thành trong nước và cả quốc tế trên tất cả loại hình phương tiện. Do đó, nếu thực hiện tốt liên kết, Đông Nam Bộ sẽ có “con đường du lịch” nhiều tiềm năng, tăng doanh thu, hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực quảng bá hình ảnh du lịch toàn vùng, nâng cao hơn thương hiệu điểm đến.
Tương tự, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hòa nhịp cùng những sản phẩm du lịch vùng, trên cơ sở thế mạnh địa phương, tỉnh tổ chức khảo sát và đang xây dựng hình thành một số tour, tiêu biểu như du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thể thao tại Khu Du lịch hồ Suối Giai kết nối với các hoạt động tham quan, công vụ tại thành phố Đồng Xoài; du lịch trải nghiệm sinh thái; khám phá và trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của người S’tiêng, M’nông tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Tỉnh kết nối Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, Khu Du lịch trảng cỏ Bù Lạch với các sản phẩm du lịch trải nghiệm trên khinh khí cầu, thể thao; chú trọng du lịch dọc tuyến đường cao tốc Chơn Thành (Bình Phước) – Gia Nghĩa (Đắk Nông).
Bình Phước còn phát triển các tour du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe theo phương pháp đông y, tour du lịch trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm kết nối với Khu quần thể văn hóa – cứu sinh núi Bà Rá, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử; tour du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Phước – Campuchia – Lào – Thái Lan.
Đông đảo du khách tham quan trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) |
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2025, đối với lĩnh vực du lịch, hai địa phương xác định phối hợp quảng bá nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng có tiềm năng, thế mạnh như du lịch tâm linh, lễ hội, sinh thái, văn hóa cộng đồng, ẩm thực, làng nghề, sản phẩm nông sản nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả. Hai địa phương kết nối các địa điểm du lịch như Tòa Thánh Tây Ninh, Khu du lịch Núi Bà Đen, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết, Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng Sóc Bom Bo, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch các địa phương khu vực Đông Nam Bộ.
Với những định hướng, quyết sách đã được xác định, các giải pháp đồng bộ đã được các ngành, địa phương đề ra, trong thời gian tới, Du lịch Đông Nam Bộ sẽ có những bứt phá mới, ghi dấu ấn của một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước.
Triển khai Nghị quyết phát triển vùng Đông Nam Bộ:
Nguồn Baotintuc.vn