Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt chủ trì Hội thảo. |
Chương trình mục tiêu Quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam được thực hiện trong 5 năm (từ năm 2026 đến năm 2030) trên địa bàn cả nước.
Nội dung Hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến lần nay liên quan đến 9 nhóm dự án gồm: Phát triển nhân cách con người Việt Nam; Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; Phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hóa đồng bộ, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hoá; Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc; Thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật; Phát triển công nghiệp văn hoá; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hoá; Phát triển nguồn nhân lực văn hoá và Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
Đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu Cà Mau. |
Tại Hội thảo, có 10 ý kiến đóng góp từ các địa phương cùng nhiều ý kiến đại diện của các bộ, ngành Trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Hầu hết các ý kiến của đại biểu cho rằng nhiệm vụ xây dựng chương trình là rất cần thiết và cấp bách, đồng thời đóng góp ý kiến rất trọng tâm xoay quanh: Dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ; đề xuất danh mục các nhóm dự án của chương trình nâng cao nguồn lực cho các đối tượng; cụ thể hoá tổng mức đầu tư của từng nhóm dự án, cần có nhiều bộ, ngành tham gia điều chỉnh, bổ sung đánh giá kết quả sản phẩm của các dự án; làm rõ hơn và chi tiết cụ thể hơn giải pháp mang tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện dự án…
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị ưu tiên xây dưng môi trường văn hoá lành mạnh, văn hoá học đường, quan tâm đầu tư thiết chế văn hoá và công tác tu bổ bảo tồn di tích, nhà văn hoá cơ sở, đặc biệt là quan tâm đến môi trường văn hoá đọc…
Các di sản văn hoá, thời gian tới, sẽ được tích hợp vào “Chương trình mục tiêu Quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. (Trong ảnh: Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia Nhạc Trống Lớn tại Cà Mau được công nhận năm 2022) |
Xây dựng và triển khai thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam góp phần quan trọng việc tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hoá và xây dựng con người Việt Nam; đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, khi mà các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng trở nên phức tạp hơn và quan trọng hơn, trong đó, vấn đề chủ quyền văn hoá, an ninh văn hoá, an ninh con người đang được đặt ra vô cùng cấp bách và cần thiết…/.
Huỳnh Lâm