Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các quy hoạch vùng là công cụ quản lý quan trọng của hội đồng điều phối vùng, là căn cứ để triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột, chồng chéo quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, nguồn lực đầu tư, song vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là một vùng trũng. Vì vậy, Quy hoạch vùng cần có cách tiếp cận khoa học, bài bản, đánh giá đúng vai trò, vị trí của vùng trong phát triển chung cả nước; từ đó, xác định những vấn đề liên địa phương, liên vùng, quốc gia… cần giải quyết, nhằm tạo động lực mới, khơi dậy nguồn lực trên cơ sở lợi thế tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa… để vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát triển.
Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc phải cụ thể hóa các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ được nêu nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch chuyên ngành quốc gia; đồng thời nhìn nhận, đánh giá lại thực tiễn, hiện trạng, tình hình thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước đây.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cần nhận diện, đánh giá đầy đủ tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản phong phú; giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên độc đáo; vai trò, vị trí chiến lược về bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ nguồn nước, rừng đầu nguồn; cửa ngõ của đất nước kết nối với các vùng kinh tế năng động mang tính khu vực và toàn cầu. “Tư duy phát triển vùng bền vững, không nóng vội, tính toán kỹ lưỡng lợi ích tổng thể, gìn giữ, bảo tồn giá trị cảnh quan, khí hậu, văn hóa, lịch sử”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu kỹ các phương thức giao thông khác nhau (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) về hiệu quả kinh tế – xã hội thu được khi hình thành các hành lang, vành đai kinh tế, chuỗi giá trị thông qua kết nối nội vùng và liên vùng. Trong phát triển khu vực nông thôn, cần sắp xếp thành các khu dân cư tập trung, được đầu tư đồng bộ, bài bản hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội thuận lợi cho người dân sinh sống, sản xuất, được chăm lo đầy đủ về y tế, giáo dục, để bảo đảm an ninh, an toàn vùng biên giới.
Phó Thủ tướng gợi mở hướng thay đổi tư duy khai thác thủy điện bền vững, bảo vệ nguồn nước, kết hợp với điện mặt trời với thủy điện tích năng; phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng khai thác tổng hợp, bền vững rừng, khu bảo tồn gắn với mô hình du lịch thiên nhiên, cộng đồng, văn hóa, lịch sử, nông nghiệp với sự hỗ trợ của nhà nước về đào tạo, xây dựng hạ tầng…; lựa chọn những ngành khai khoáng chế biến sâu, sạch; vùng trung du là nơi dịch chuyển các khu công nghiệp từ vùng đồng bằng sông Hồng.
“Các cơ chế, chính sách cho vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới phải được đặc biệt quan tâm ưu tiên, kèm theo giải pháp, nguồn lực thực hiện đồng bộ để bảo đảm đời sống cho người dân, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thúc đẩy giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, trước mắt, đẩy mạnh phổ cập giáo dục, định hướng nghề nghiệp; đưa ra tiêu chí khoa học về địa lý tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khi xác định các tiểu vùng, hành lang kinh tế; chủ trương mở thêm đường ra biển. “Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc phải bộc lộ được những giá trị còn ẩn giấu, phát huy tiềm năng tài nguyên xanh, các giá trị văn hoá, lịch sử vô giá, có những điểm nhấn ở từng tiểu vùng để hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp đầu tư với tầm nhìn dài hạn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo báo cáo trước đó, Quy hoạch vùng đã đề ra các nhiệm vụ, định hướng phát triển nhằm phân vùng hiệu quả, tạo liên kết phát triển chặt chẽ, tối ưu hóa hệ thống hạ tầng; tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng; phát triển du lịch gắn với sinh thái, văn hóa, lịch sử và sự liên kết giữa các tiểu vùng; phát triển nông nghiệp hữu cơ xanh, đặc sản và công nghiệp có quy mô, tính chất phù hợp; phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội; kết nối liền mạch hệ sinh thái quản lý tài nguyên môi trường, tạo nền tảng phát triển xanh.
Cùng với việc xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông theo hướng Bắc – Nam, vai trò của các tuyến đường Đông – Tây có vai trò trọng nhằm gia tăng khả năng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, tiếp cận thị trường và hệ sinh thái du lịch; mở rộng và kết nối vành đai công nghiệp tới hệ thống cảng biển, trung tâm logistics. Các tuyến giao thông kết nối giữ vai trò quan trọng để phát triển ngành kinh tế lợi thế theo hệ sinh thái, chuỗi giá trị. Trong đó, công nghiệp cần ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến. Nông nghiệp hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản, giá trị cao. Kinh tế rừng tập trung khai thác tiềm năng từ dịch vụ hệ sinh thái rừng bao gồm tín chỉ carbon và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ an ninh nguồn nước…
Du lịch phát triển toàn diện nhằm phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, đa dạng sinh học, các giá trị lịch sử văn hóa độc đáo, liên kết liền mạch, xuyên suốt. Hạ tầng xã hội vùng sẽ hình thành các trung tâm vùng, tiểu vùng nhằm phát huy giá trị tri thức bản địa, văn hóa cộng đồng trong hệ thống giáo dục, y tế; thúc đẩy số hóa để tăng khả năng tiếp cận cho những địa bàn còn khó khăn.
Không gian đô thị của vùng được tổ chức trên cơ sở phát triển vành đai đô thị-công nghiệp, dịch vụ, kết nối với các hành lang quan trọng. Khu vực nông thôn của vùng gắn với mô hình tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, khác thác khoáng sản, du lịch và đặc điểm địa hình, sinh thái của từng khu vực trong vùng.
Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị Quy hoạch cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, toàn diện để thoát trũng, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương và với các vùng khác; bảo vệ môi trường, nhất là rừng, nguồn nước, an toàn sinh thái, đa dạng sinh học, xử lý tốt giữa bảo tồn và phát triển.
Một số ý kiến đề nghị, Quy hoạch cần nêu rõ việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất; sắp xếp và tổ chức hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn theo hướng bền vững, xanh, thông minh và bản sắc rõ ràng; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và bền vững; lựa chọn dự án có tính đột phá và hình thành được khu vực có vai trò động lực phát triển của vùng; bổ sung giải pháp kết nối hạ tầng giao thông với Trung Quốc để phát triển kinh tế, thương mại đa quốc gia; bảo đảm an ninh nguồn nước…