Tám nhóm chính sách với 44 cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. Nếu được thông qua, đây sẽ là dịp thuận lợi để thành phố mang tên Bác có điều kiện quay trở lại vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: THẾ PHONG
Giai đoạn 20 năm (1991-2010), tốc độ tăng GDP bình quân của Thành phố Hồ Chí Minh 10,5%/năm và cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP của cả nước 1,5 lần.
Nhưng trong 10 năm trở lại đây (2011-2020), các tiêu chí tương ứng trên chỉ còn lần lượt là 7,2%/năm và 1,2 lần. Năm 2020, lần đầu tiên kể từ năm 1975, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố chỉ bằng khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (1,4% so với 2,91%).
Quý I năm 2023, kinh tế thành phố chỉ tăng 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và nằm trong top 10 tỉnh, thành phố tăng trưởng thấp nhất cả nước.
Sự sụt giảm vị thế của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đến từ nhiều nguyên nhân; trong đó, có nguyên nhân từ thể chế đã “chật chội”, không phù hợp đối với một siêu đô thị.
Sự sụt giảm vị thế của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đến từ nhiều nguyên nhân; trong đó, có nguyên nhân từ thể chế đã “chật chội”, không phù hợp đối với một siêu đô thị. Dân số một phường bằng một quận, nhưng bộ máy hành chính vẫn định ước cấp xã; bộ máy hành chính của thành phố Thủ Đức (ba quận sáp nhập) vẫn chỉ cấp huyện. Nhiều thời cơ, cơ hội của thành phố bị bỏ lỡ vì mất nhiều thời gian xin ý kiến các cơ quan Trung ương giải quyết thủ tục,… Đây là những hạn chế kìm nén sự phát triển, đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh cần động lực mới để tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo vốn có, hướng đến mục tiêu là trung tâm kinh tế phát triển bậc nhất trong khu vực.
Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54-NQ/TW của Quốc hội được xem là cơ hội và thách thức mới cho Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ hội là những điều Thành phố Hồ Chí Minh cần để phát triển đã được Trung ương chấp thuận, cho phép, còn thách thức là thành phố phải vượt qua chính mình để đạt nhiệm vụ được giao cũng như mục tiêu đề ra. Trong 10 năm tới, Thành phố Hồ Chí Minh phải trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực; là điểm đến thu hút các doanh nghiệp toàn cầu, các nhà đầu tư lớn trên thế giới,…
Để hoàn thành nhiệm vụ, trước mắt, bộ máy công quyền của thành phố phải chữa trị dứt điểm căn bệnh “sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, công chức. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã từng phát biểu đầy trăn trở: Mỗi chúng ta đều có quyền sợ sai, nhưng phải nghĩ như thế để làm đúng, làm tốt, làm đầy đủ nhiệm vụ được giao; nhưng nếu sợ đến mức đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm gì thì rất tiêu cực.
Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục xác lập vai trò “hạt nhân” của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh theo quy hoạch phát triển. Kinh tế của thành phố trong 10 năm tới là Kinh tế số và là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo mang tính toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn phải được duy trì ở mức tăng trưởng cao hơn khoảng 1,2-1,5 lần mức bình quân của cả nước như đã từng có trước đây.
Ba nhân tố gồm thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng là những yếu tố đặc thù, vượt trội của Thành phố Hồ Chí Minh. Phá bỏ những rào cản bằng cách phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; xác lập cơ chế thưởng, phạt cán bộ phân minh là đòn bẩy để thành phố hoàn thành nhanh chóng các công trình trọng điểm, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, từ đó định hình hạ tầng liên kết vùng. Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính của chính quyền đô thị, đồng thời, cũng là truyền thống của thành phố mang tên Bác.
Nhandan.vn