Tạo động lực cho phụ nữ dân tộc Pà Thẻn
vươn lên phát triển kinh tế
“Tôi tin rằng bằng cách nâng cao chất lượng búp chè, tạo ra giá trị cho chè bằng chế biến chè khô, chúng tôi có thể cải thiện mức sống của những người trồng chè, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Pà Thẻn vì họ là lao động chính trong chuỗi giá trị chè”, chị Hủng Thị Dạng, thôn Thượng Bình, xã Yên Thành, tỉnh Hà Giang chia sẻ.
Pà Thẻn là một nhóm dân tộc thiểu số đa dạng về bản sắc văn hóa, thể hiện qua trang phục truyền thống màu đỏ rực rỡ, nhạc cụ, bài hát và đặc biệt là Lễ hội múa lửa. Lễ hội mang theo tín ngưỡng của người Pà Thẻn, nhằm tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho mùa màng bội thu. Hiện nay, người dân tộc Pà Thẻn sống rải rác ở 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình (tỉnh Hà Giang) và huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) với dân số chỉ hơn 5.000 người.
Là người phụ nữ Pà Thẻn, không chỉ thừa hưởng bộ trang phục màu đỏ rực rỡ mà còn có niềm tin mãnh liệt rằng “một khi đã thắp lên ngọn lửa, chúng ta sẽ đi đến cùng”, chị Hủng Thị Dạng đang tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời mình.
Khát khao đủ lớn sẽ làm nên sức mạnh
Đón khách vào thăm khu xưởng sản xuất chè mới được dựng trên một quả đồi cheo leo, chị Hủng Thị Dạng không giấu được nụ cười với niềm hạnh phúc lấp lánh trong ánh mắt. Nơi đây chính là điểm hẹn của nhiều chị em phụ nữ dân tộc Pà Thẻn trong thôn, là nơi chắp cánh cho ước mơ đổi đời của những người phụ nữ thôn bản.
Chị Dạng chia sẻ câu chuyện của mình: “Thôn Thượng Bình nơi gia đình chị sinh sống là một trong những vùng trồng chè nổi tiếng ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Tuy chè là nguồn thu nhập chính nhưng ít người nắm vững kỹ năng chăm sóc, thu hoạch cũng như không biết cách nâng cao chất lượng búp chè. Chúng tôi thường bán cho người bán buôn và đợi họ báo giá, giá này thường rất thấp và biến động theo giá thị trường.
Tôi thường được mọi người gọi là “con buôn” trong thôn, vì tôi buôn bán đủ thứ từ sắt vụn đến cây chổi, đồ dùng gia đình… Có điều kiện đi đây, đi đó, nên tôi nhận thấy, cây chè của quê hương mình có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Những búp chè trồng trên núi cao không chỉ sạch mà còn có hương vị đặc trưng riêng và tốt cho sức khỏe. Vì vậy, tôi luôn nung nấu một quyết định, cần phải làm cách nào để cải thiện chất lượng và thu nhập của người trồng chè. Tôi đã nghĩ tới việc mở xưởng chế biến chè thành phẩm, bởi tôi tin rằng bằng cách nâng cao chất lượng búp chè, tạo ra giá trị gia tăng cho chè thông qua việc chế biến chè khô, chúng tôi có thể giúp cải thiện mức sống của người trồng chè, đặc biệt là phụ nữ vì họ là lao động chính trong chuỗi giá trị chè”.
Đầu năm 2023, dự án CARE (dự án hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao vị thế kinh tế do chính phủ Canada hỗ trợ thông qua CARE tại Việt Nam) công bố hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, đã mang đến cơ hội cho chị Hủng Thị Dạng. Được hỗ trợ từ dự án và Hội LHPN thôn Thượng Bình, chị Hủng Thị Dạng từng bước tiếp cận với kiến thức làm kinh tế và có thể vạch ra kế hoạch kinh doanh. Sau nhiều vòng tranh luận và thuyết phục trong cuộc thi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do dự án tổ chức, chị Dạng đã được hỗ trợ một phần chi phí và thiết bị chế biến cũng như đào tạo kỹ thuật để chế biến trà.
Phụ nữ Pà Thẻn tham gia chuỗi giá trị trồng và sản xuất chè
“Từ một người phụ nữ dân tộc thiểu số chỉ quen làm chè theo cách truyền thống, tôi đã thành lập được xưởng sản xuất và 3 tháng sau khi hoàn thiện nhà xưởng và đào tạo kỹ thuật, tôi có thể sản xuất và bán một mẻ chè khô chất lượng tốt, với giá cao hơn trước 15%”. Tôi đặt tên xưởng là Thượng Trà – có nghĩa là trà từ vùng cao – nơi tôi sống – và cũng có thể – Thượng có nghĩa là phẩm cấp hàng đầu”, chị Dạng tự hào khoe xưởng sản xuất của mình.
Tạo động lực cho phụ nữ dân tộc Pà Thẻn thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Vậy nhưng, để xưởng trà được như ngày hôm nay, thật chẳng dễ dàng gì. Những ngày đầu, vận động, thuyết phục chị em phụ nữ dân tộc Pà Thẻn trong thôn tham gia làm cùng rất khó khăn, chị Dạng nhớ lại. Không một ai tham gia một phần vì chị em không có điều kiện kinh tế, mà những chị có tiền thì cũng còn e dè, ngần ngại, không dám bỏ tiền ra để góp vốn. Quyết tâm thuyết phục chị em cùng tham gia phát triển kinh tế, chị Dạng cứ vậy âm thầm, nỗ lực cố gắng.
“Để thuyết phục chị em phụ nữ trong thôn cùng tham gia, nhiều khi tôi mời họ đến xưởng chè của tôi để làm công, qua đó vừa làm, vừa trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, vừa động viên, từ đó tạo sự tự tin cho các chị em phụ nữ”, chị Dạng cho biết. Đến nay, xưởng trà của chị Dạng đã thu hút được nhiều chị em phụ nữ trong thôn tham gia cung cấp nguyên liệu và làm nhân công thu hái chè.
Chị Hủng Thị Dạng hỗ trợ phụ nữ dân tộc Pà Thẻn tham gia chuỗi giá trị chè
Để đưa sản phẩm của xưởng đến với khách hàng, ngoài cách truyền thống là bán cho khách lẻ, đưa hàng xuống huyện hay các cửa hàng tạp hóa, chị Hủng Thị Dạng cũng bắt đầu làm quen với hình thức bán hàng online. Giờ đây, người bạn thân thiết cùng chị trong mỗi chuyến lên núi hái chè, hay các công đoạn sao chè, đóng gói… chính là chiếc điện thoại thông minh. Mọi công đoạn đều được chị ghi lại, để chia sẻ cùng bạn bè, người tiêu dùng… về quy trình sản xuất chè của xưởng. Tuy còn nhiều bỡ ngỡ, song chị Dạng cho biết, đây cũng là một hình thức hiệu quả để những người sản xuất tại vùng sâu, vùng xa như chị có thể tiếp cận và tương tác trực tiếp với khách hàng ở mọi miền tổ quốc.
Cũng nhờ tập trung trồng và sản xuất chè, xưởng trà của chị Dạng đã phần nào giải quyết được đầu ra cho các chị em trong thôn. Trà hái về không còn quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bị thương lái ép giá nữa. Hơn cả, mô hình phát triển kinh tế của chị đã thu hút chị em tham gia phát triển sản xuất, góp phần thay đổi nhận thức về vai trò của người phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình, thay đổi cách nhìn của cộng đồng với người phụ nữ dân tộc Pà Thẻn.
Trần Lê
08/06/2024 17:00
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/tao-dong-luc-cho-phu-nu-dan-toc-pa-then-vuon-len-phat-trien-kinh-te-20240608164801973.htm