Trong khuôn khổ hội thảo “Phát triển giao thông đường bộ xanh hướng đến Net Zero 2050”, nhiều đại biểu cho rằng, trong thời kỳ công nghệ số, lĩnh vực giao thông đường bộ có thể đạt được hiệu quả kép – cả về kinh tế và môi trường với dịch vụ chia sẻ các chuyến xe khi giúp giảm 27% lưu lượng xe trên đường.
Giải pháp này cũng có thể coi là biện pháp có thể triển khai ngay nhằm góp phần phát triển giao thông đường bộ xanh, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Giao thông vận tải là một trong những ngành phát thải carbon và khí metan lớn. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, ngày càng có nhiều người dân sở hữu các phương tiện cá nhân như xe ô tô, xe máy.
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2023, Việt Nam có 5,4 triệu ô tô; 72 triệu xe máy đăng ký. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều lượng khí thải thải ra môi trường.
Việc cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng là nhiệm vụ rất quan trọng trong hành trình tiến đến Net Zero vào năm 2050.
Theo nhiều đại biểu, chuyên gia, bên cạnh việc chuyển đổi từ phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid; tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cần chú trọng triển khai những giải pháp thực tiễn khả thi, tận dụng được các phương tiện có sẵn mà không cần chờ xây dựng hạ tầng hay thời gian để phát triển nguồn năng lượng nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng khi vận hành.
Tận dụng tối đa các chuyến xe
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội phân tích, việc đi xe ghép, xe đi chung đã có nhiều và trên thực tế loại hình này sẽ giảm sử dụng các phương tiện cá nhân.
Trên thực tế, nhờ công nghệ số, lĩnh vực giao thông đường bộ đạt được hiệu quả kép – cả về kinh tế và môi trường.
Nhiều hãng vận chuyển đã tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên trên tất cả lĩnh vực kinh doanh và vận hành; ví dụ như các tính năng ghép đơn hàng để giảm các chuyến đi không cần thiết.
Dịch vụ chia sẻ chuyến xe không chỉ giúp hành khách tiết kiệm chi phí mà còn tăng hiệu quả vận hành của từng chuyến xe, từ đó giảm phát thải ở mức thấp nhất.
Đây cũng có thể được xem là một giải pháp thực tiễn, có tính khả thi cao trong điều kiện hiện tại nhằm giảm lưu lương xe lưu thông và giảm phát thải môi trường một cách hiệu quả.
Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group, việc đi chung xe làm giảm 40% nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, giảm 27% lưu lượng xe trên đường.
“Từ Hà Nội về quê Nghệ An, tôi đi xe chung, xe ghép chỉ mất 600 nghìn đồng/người, nếu đi xe cá nhân thì chi phí đắt hơn nhiều. Nếu không có dịch vụ đi ghép, xe có thể phải chạy rỗng một chiều.
Có thể thấy dịch vụ chia sẻ chuyến xe có ích thế nào với người đi xe và cả chủ xe”, ông Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban Nghiên cứu xã hội của CIEM nói.
Tạo điều kiện phù hợp phát triển mô hình chia sẻ chuyến xe
Dự thảo Luật Đường bộ hiện quy định: đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất.
Trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh tuy nhiên điều này lại vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nên điều chỉnh quy định này theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc” nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động, góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng thông qua gia tăng hiệu suất sử dụng mà vẫn giảm thiểu khí thải.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội, hiện nay, với xu thế công nghệ hoàn toàn có thể quản lý được dịch vụ chia sẻ chuyến xe.
Công nghệ sẽ giúp ta giải quyết việc quản lý các ứng dụng công nghệ để giảm thiểu các rủi ro, vấn đề còn lại là cách chúng ta tiếp nhận thế nào từ góc độ hoạch định chính sách, ra quyết định và tổ chức thực hiện.
“Tôi rất ủng hộ việc dùng công nghệ để quản lý, không nên cấm”, Phó Trưởng ban Nghiên cứu xã hội của CIEM, đồng tình.
Chia sẻ về quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, các nước đã áp dụng mô hình này từ lâu, để ứng dụng thuận tiện cho người tiêu dùng, vì vậy từ góc độ nhà quản lý, cần quan tâm sớm để có quy định phù hợp.
Về hạ tầng, ở các nước có làn đường riêng cho xe chở nhiều người (ví dụ trên 10 người); về người tiêu dùng, cần được giảm giá; đối với chủ phương tiện, có thể có chính sách ưu đãi để giảm giá thành, chi phí, quản lý hiệu quả.
Trách nhiệm của nhà quản lý đặc biệt quan trọng – nhà quản lý phải có góc nhìn nhìn đầy đủ, toàn diện, đồng bộ.
Đánh giá các giá trị mà dịch vụ chia sẻ chuyến xe có thể mang lại trong thời điểm thực tế, các chuyên gia, đại biểu cho rằng nên thừa nhận mô hình này và cần nhanh chóng bổ sung các quy định để quản lý một cách hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh Luật Đường bộ đang được thảo luận và sắp thông qua tới đây, góp phần phát triển giao thông đường bộ xanh, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/huong-den-net-zero-2050-tao-dieu-kien-phu-hop-cho-dich-vu-chia-se-chuyen-xe-192240623202956109.htm