Hàng nông sản được tập kết ở khu vực cửa khẩu Xa Mát để xuất sang Campuchia. Ảnh minh hoạ
Theo Sở Công Thương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và sự phối hợp tích cực trong quản lý cửa khẩu của các cơ quan chính quyền phía Việt Nam và phía Campuchia thời gian qua đã bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, tạo môi trường ổn định cho cư dân biên giới yên tâm buôn bán, trao đổi hàng hoá, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, góp phần phát triển đời sống cư dân khu vực biên giới.
Thương mại biên giới dần khởi sắc
Theo Sở Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 58,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng 339,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá với Campuchia của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh đạt 674,56 triệu USD chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu (xuất khẩu đạt 3,86 triệu USD, nhập khẩu đạt 670,7 triệu USD).
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng hoá do Việt Nam sản xuất như: hàng tạp hoá, gỗ và các sản phẩm từ gỗ; giấy và các sản phẩm từ giấy; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; sản phẩm từ chất dẻo; dây điện và dây cáp điện… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là củ mì tươi, mì lát khô, gỗ điều xẻ, gỗ tạp, cao su thiên nhiên, gỗ các loại, hạt điều tươi chưa bóc vỏ, mủ cao su, rau củ quả…
Tổng trị giá mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới đạt 18,76 triệu USD, tăng 35,87% so với cùng kỳ. Trong đó, trị giá bán là 18,72 triệu USD (tăng 37,22% so cùng kỳ), trị giá mua là 0,04 triệu USD (giảm 76,28% so với cùng kỳ). Mặt hàng mua, bán chủ yếu của cư dân biên giới hai nước là rau củ quả, hàng tạp hoá, xi măng, ván ép, dầu chai nước, than củi…
Tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Công ty TNHH thương mại Thế Kỷ Vàng kinh doanh hàng miễn thuế đạt doanh thu đến tháng 5.2023 là 62,2 tỷ đồng, với các mặt hàng thực phẩm chức năng, rượu, bia, thuốc lá, sữa, mỹ phẩm…
Tại Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, Công ty TNHH MTV – TM Hữu nghị quốc tế Xa Mát kinh doanh hàng miễn thuế với doanh thu đến tháng 5.2023 là 24,56 tỷ đồng, với các mặt hàng như nước hoa, thuốc lá, rượu, bia…
Toàn tỉnh hiện có 20 chợ đang hoạt động/22 chợ/14 xã biên giới. Còn 6 xã chưa có chợ là Tân Hoà, Tân Bình, Long Khánh, Long Phước, Phước Chỉ và Hoà Hội. Hàng hoá trao đổi của cư dân ở các chợ biên giới chủ yếu là hàng Việt Nam gồm đồ dùng gia đình bằng nhôm, nhựa gia dụng, mì ăn liền, dầu ăn, trái cây, bột giặt, vật liệu xây dựng…; hàng hoá của cư dân Campuchia gồm mì lát khô, mì tươi, hạt điều nguyên liệu, đậu các loại, lúa gạo.…
Có thể thấy, việc Chính phủ đồng ý nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Nam (xã Tân Bình, huyện Tân Biên) lên thành cửa khẩu quốc tế; nâng cấp cửa khẩu phụ Phước Tân lên thành cửa khẩu chính góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.
Hoạt động hỗ trợ đầu tư, hợp tác sản xuất nông sản với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cư dân tỉnh Tây Ninh góp phần khuyến khích sản xuất, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho người lao động và giữ vững an ninh quốc phòng khu vực biên giới.
Hoạt động thương mại biên giới cũng đã góp phần tích cực trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước, đồng thời cung cấp hàng hoá, nguyên vật liệu cho nhu cầu sản xuất; tạo điều kiện cho cư dân biên giới ổn định cuộc sống, cư trú lâu dài trên khu vực biên giới; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn khu vực biên giới tiếp giáp Campuchia.
Cần đầu tư hạ tầng
Do đặc điểm tình hình đường biên giới tương đối dài với nhiều cửa khẩu, đường mòn trải dài nên lực lượng trực tiếp làm công tác phòng ngừa, đấu tranh các hành vi xâm phạm hoạt động thương mại biên giới, buôn lậu còn khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hoá, phương tiện qua lại biên giới.
Đến nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp – nhất là buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma tuý qua biên giới với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng lợi dụng các khu vực cửa khẩu phụ, lối mở để vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới nhằm trốn tránh sự kiểm tra, giám sát và kiểm soát của các lực lượng chức năng; sử dụng phương tiện chuyên chở hàng lậu là ghe máy, xe mô tô có phân khối lớn chạy với tốc độ cao, gây khó khăn trong đấu tranh, ngăn chặn.
Một thực trạng đáng quan tâm là hầu hết các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã triển khai xây dựng các quy hoạch khu vực cửa khẩu (riêng cửa khẩu Tân Nam mới được xây dựng tạm thời) nhưng hạ tầng kỹ thuật và hiện trạng phân luồng giao thông đã không còn phù hợp.
Hiện tại, trừ khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và cửa khẩu quốc tế Xa Mát đã bố trí phân luồng cho hàng hoá xuất khẩu riêng, nhập khẩu riêng, còn lại các khu vực cửa khẩu khác (Tân Nam, Chàng Riệc, Kà Tum, Vạc Sa, Phước Tân, Vàm Trảng Trâu, Long Phước) chưa phân luồng đường cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu riêng biệt. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải chỉ có một luồng đường duy nhất.
Dự báo, tình hình hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh thời gian tới sẽ tiếp tục tăng theo xu hướng phát triển, nếu không có phương án quy hoạch, xây dựng lại các khu vực cửa khẩu cho phù hợp sẽ không đáp ứng được lượng hành khách, hàng hoá, phương tiện lưu thông mỗi ngày tại cửa khẩu, dẫn đến tình trạng ách tắc trong lưu thông hành khách, hàng hoá, phương tiện qua lại, không bảo đảm trật tự giao thông, mỹ quan, không bảo đảm công tác quản lý hải quan nói riêng và quản lý nhà nước nói chung tại các cửa khẩu.
Bên cạnh đó, tại một số cửa khẩu hiện chưa có địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu (Tân Nam, Phước Tân, Vàm Trảng Trâu, Long Phước). Việc kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu được thực hiện tại bãi tạm do UBND huyện quản lý (cửa khẩu quốc tế Tân Nam) hoặc được thực hiện ngay trên trục lộ giao thông (cửa khẩu Phước Tân, Vàm Trảng Trâu), chưa bảo đảm cho công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan đồng thời gây ách tắc giao thông tại khu vực cửa khẩu.
Khoản 4 Điều 22 Luật Hải quan năm 2014 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi quy hoạch, thiết kế xây dựng cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; cảng biển, cảng thuỷ nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá được thành lập trong nội địa; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, và các địa điểm khác có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh có trách nhiệm bố trí địa điểm làm thủ tục hải quan và nơi lưu giữ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định”.
Tuy nhiên, hiện nay, tất cả các khu vực cửa khẩu và trụ sở chi cục Hải quan cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều chưa có địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá của cơ quan Hải quan theo quy định nêu trên.
6 tháng đầu năm, tổng thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra, vào 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam) và cửa khẩu chính Chàng Riệc đạt 139,63 tỷ đồng (gồm doanh thu phí đối với phương tiện quá cảnh là 99,6 tỷ đồng).
Trong đó, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài thu 105,54 tỷ đồng (doanh thu phí đối với phương tiện quá cảnh 91,2 tỷ đồng), đạt 43,86% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 là 240,58 tỷ đồng. Cửa khẩu quốc tế Xa Mát thu 18,08 tỷ đồng (doanh thu đối với phương tiện quá cảnh 8,4 tỷ đồng), đạt 40,64% so với chỉ tiêu được giao trong năm 2023 là 44,5 tỷ đồng. Cửa khẩu quốc tế Tân Nam thu 1,68 tỷ đồng, đạt 24,39% so với chỉ tiêu được giao trong năm 2023 là 6,9 tỷ đồng. Cửa khẩu Chàng Riệc thu 14,33 tỷ đồng, đạt 71,64% so với chỉ tiêu được giao trong năm 2023 là 20 tỷ đồng.
An Khang