Quy hoạch đất đai là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, trên cơ sở tiềm năng đất đai, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Do vậy, việc quy hoạch đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2023 được nhiều đại biểu sở, ngành, cấp huyện quan tâm, bởi liên quan phát triển kinh tế – xã hội mỗi địa phương những năm tới.
Quy hoạch theo khả năng sử dụng đất
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này có nhiều quy định cụ thể hơn, bổ sung nhiều điểm mới. Dự thảo Luật đã khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất (SDĐ) theo các khu vực (quản lý nghiêm ngặt việc chuyển mục đích SDĐ, hạn chế chuyển mục đích SDĐ, được chuyển mục đích SDĐ quy định tại Điều 63). Dự thảo đã bổ sung “Khoanh định đất khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng tuyến phát triển hạ tầng, điểm kết nối giao thông (đối với quy hoạch SDĐ quốc gia, quy hoạch SDĐ cấp tỉnh). Dự thảo bổ sung căn cứ lập quy hoạch SDĐ quốc gia, quốc phòng, an ninh, cấp huyện so với luật hiện hành, không chỉ dựa trên nhu cầu SDĐ mà còn phải dựa trên khả năng SDĐ”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung điều, khoản khẳng định việc quy hoạch, kế hoạch SDĐ không làm ảnh hưởng đến quyền công dân đối với đất đai; đồng thời nên quy định rõ thời gian không triển khai dự án, sẽ hủy bỏ quy hoạch để đảm bảo quyền lợi người dân nằm trong vùng quy hoạch.
Tạo thuận tiện kế hoạch SDĐ cấp huyện
Trong diễn biến liên quan, ông Trần Hữu Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường nêu kiến nghị: “Kế hoạch SDĐ cấp huyện được lập hàng năm, về mặt thời gian phải được phê duyệt vào cuối năm để thực hiện cho đầu năm sau; qua thực tiễn đa số việc quyết định kế hoạch SDĐ hàng năm đều không đáp ứng được về mặt thời gian này. Có lý do trong việc bố trí kinh phí, việc phải có danh mục công trình được HĐND tỉnh thông qua, việc đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, nội dung lập trong kế hoạch SDĐ khá phức tạp. Do đó, khi có hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua sắp tới, đề nghị cần quy định việc lập thủ tục kế hoạch SDĐ theo hướng đơn giản, giảm bớt các khâu công việc không cần thiết để đẩy nhanh việc lập, trình, thẩm định kế hoạch SDĐ, tạo thuận tiện để cấp huyện triển khai phát triển kinh tế – xã hội địa phương”.
Cùng đó, ông Huỳnh Duy Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho rằng: “Dự thảo Luật Đất đai có nêu “Các quy hoạch cấp dưới phải căn cứ quy hoạch cấp trên”, nhưng thực tế thời gian qua có không ít trường hợp xúc tiến quy hoạch SDĐ cấp huyện, nhưng quy hoạch cấp tỉnh, cấp Trung ương chưa có. Cấp huyện không biết căn cứ vào đâu. Cấp huyện đề nghị phải đồng bộ trong các khâu quy hoạch này. Dự thảo Luật quy định, lập quy hoạch SDĐ các địa phương trong thời hạn 10 năm; thời gian dài này sẽ có biến động SDĐ ở các địa phương. Dự thảo Luật cần điều chỉnh, xem xét 5 năm cho điều chỉnh quy hoạch để phù hợp tình hình phát triển mỗi địa phương. Ngoài ra, chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện về SDĐ phải sát thực, đồng bộ với địa phương để phát huy hiệu quả SDĐ”.
Các kiến nghị trên đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp báo cáo tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần 2 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thực chất quy hoạch, kế hoạch SDĐ là sự đảm bảo cho việc SDĐ hợp lý, tiết kiệm, đạt các mục tiêu nhất định phù hợp với các quy định của Nhà nước. Quy hoạch, kế hoạch SDĐ nhằm mục đích để có thể đề ra định hướng đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội gắn bảo vệ môi trường, tạo nền tảng để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.