Sinh viên được tiếp cận môi trường làm việc từ sớm
Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội tiền thân là Trường Công nhân kỹ thuật Cơ khí - Điện Hà Nội, thành lập năm 1974. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay nhà trường có hơn 30 ngành đạo tạo, tập trung vào khối ngành kỹ thuật là thế mạnh truyền thống của trường như: cắt gọt kim loại, cơ điện tử, điện công nghiệp, công nghệ ô tô... Từ năm 2021 - 2024, nhà trường đã mở 11 ngành nghề mới, cả trình độ trung cấp và cao đẳng, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, như truyền thông và mạng máy tính, kỹ thuật lập trình gia công trên máy CNC, công nghệ năng lượng tòa nhà...

Tổng quy mô đào tạo của trường là hơn 3.000 học sinh, sinh viên/năm học. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp trung bình từ 85 - 94%; mức lương trung bình 7,7 - 9,5 triệu đồng/tháng, cao nhất lên tới 20 triệu đồng/tháng. Có được kết quả này, theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường, là nhờ nhà trường đã làm tốt việc hợp tác giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong và ngoài nước; hợp tác đào tạo với các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và nước ngoài.
Hiện gần 300 doanh nghiệp hợp tác với nhà trường, hình thức đào tạo kết hợp với doanh nghiệp ngày càng được mở rộng. 100% sinh viên được đi thực tập, học tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp, 300 giờ năm thứ 2, 400 giờ năm thứ 3. Năm 2024, gần 100 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, đào tạo, tiếp nhận sinh viên đến thực tập, học tập, trải nghiệm. Qua đó, sinh viên được tiếp cận môi trường làm việc từ sớm, hiểu hơn về nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng, tay nghề…

“Với nhiệm vụ được giao, đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp, nhà trường đã đào tạo hàng vạn cán bộ và công nhân, kỹ thuật viên… có tay nghề cao cung cấp cho nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước... Nhà trường thực sự là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Hiệu trưởng Phạm Thị Hường nhấn mạnh.
Sớm có hướng dẫn về chương trình đào tạo cấp song bằng với trường nước ngoài
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn 2021 - 2024, tuy nhiên, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khi thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2021. Hiện cơ sở vật chất của trường đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu giảng dạy và học tập hiện hành, tuy nhiên trong bối cảnh các ngành nghề mới xuất hiện như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... thì yêu cầu nâng cấp cơ sở vật chất là vấn đề cấp bách.
Bên cạnh đó, việc mở mã nghề mới gặp khó khăn do các quy định về trang thiết bị đào tạo tối thiểu, tiêu chuẩn nhà giáo… của giáo dục nghề nghiệp. Việc liên kết đào tạo song hành với nước ngoài (hai bên cùng đào tạo và cùng cấp bằng) gặp khá nhiều vướng mắc do thủ tục pháp lý, quy trình thực hiện, tên chương trình của Việt Nam và nước ngoài không đồng nhất.

Để tạo điều kiện cho các trường nghề nói chung, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội kiến nghị các bộ, ngành có quy định, hướng dẫn cụ thể, khuyến khích các trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế; thẩm định và phê duyệt các chương trình đào tạo liên thông, đào tạo cấp song bằng với các trường nước ngoài, tạo điều kiện cho sinh viên sớm được tiếp cận môi trường học tập và làm việc quốc tế.
Sửa đổi Thông tư số 05/2023/TTBLDTBXH quy định về ngành/nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, mở rộng thêm ngành/nghề để người học được hưởng chế độ giảm 70% học phí cho nhóm ngành Cơ khí và Cơ kỹ thuật.
Sửa đổi và ban hành thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật tối thiểu đối với các ngành nghề mới hoặc bổ sung danh mục các ngành nghề có tính tương đồng làm căn cứ cho các trường xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật.
Với thành phố Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội kiến nghị tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là thiết bị các ngành, nghề mới như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo cho các ngành sản xuất thông mình. Thành phố cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tham gia giáo dục nghề nghiệp…

Khẳng định vai trò quan trọng của Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội trong cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như cả nước, Đoàn giám sát mong muốn nhà trường phát huy tính chủ động trong hợp tác với doanh nghiệp để thường xuyên cập nhật, hoàn thiện chương trình đào tạo, tạo môi trường thực hành cho học sinh, sinh viên.
Đánh giá cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường có việc làm, mức thu nhập tăng qua hàng năm, Đoàn giám sát đề nghị nhà trường tiếp tục quan tâm các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ, chương trình.
Báo cáo và những trao đổi của Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội tại cuộc làm việc đã giúp Đoàn giám sát có thêm nhiều thông tin về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, đơn vị. Những kiến nghị của nhà trường sẽ được tổng hợp, chuyển đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội và nghiên cứu đưa vào báo cáo kết quả giám sát.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tao-dieu-kien-cho-truong-nghe-day-manh-hop-tac-quoc-te-post409017.html
Bình luận (0)