Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, Hải Dương đang tận dụng, khai thác các lợi thế sẵn có, nỗ lực trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Hoàn thiện tiêu chí cứng
Có vị trí địa lý thuận lợi về liên kết vùng khi nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng nên Hải Dương luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Điều này đã được minh chứng khi Hải Dương là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Với gần 500 dự án FDI, tổng vốn hơn 9 tỷ USD, Hải Dương đứng thứ 4 trong vùng và thứ 11 cả nước về thu hút FDI. Cùng với đó, địa phương còn là bến đỗ của nhiều dự án lớn của nhà đầu tư trong nước. Kết quả này là cơ sở, nền tảng thúc đẩy tỉnh thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Xác định muốn các nhà đầu tư, nhất là những doanh nghiệp lớn để mắt, sẵn sàng rót vồn đầu tư thì hạ tầng kỹ thuật là tiêu chí cứng, quan trọng nên thời gian qua, Hải Dương quan tâm phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ngoài 11 khu công nghiệp đang hoạt động ổn định, Hải Dương đang triển khai 6 khu công nghiệp với diện tích hơn 1.100 ha và định hướng phát triển 8 khu công nghiệp tổng quy mô gần 1.900 ha trong tương lai. Tỉnh còn có 58 cụm công nghiệp với quỹ đất gần 3.000 ha. Quỹ đất công nghiệp dồi dào và đáp ứng đa dạng quy mô đầu tư là lợi thế cạnh tranh của tỉnh để thu hút các dự án đầu tư.
Bên cạnh tạo dựng ưu thế về quỹ đất công nghiệp thì mỗi khu công nghiệp mới tại Hải Dương lại có định hướng phát triển mang dấu ấn riêng. Nếu như khu công nghiệp Đại An mở rộng là kiểu mẫu về các ngành công nghiệp phụ trợ thì An Phát 1 (Nam Sách) sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư cơ khí, chế tạo, tiêu dùng, điện tử… Việc bố trí, sắp xếp các lĩnh vực đầu tư theo từng khu sẽ tạo điều kiện trong khai thác hạ tầng và quản lý. Theo đại diện chủ đầu tư khu công nghiệp An Phát 1, mặc dù mới cơ bản hoàn thiện hạ tầng song nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tới khảo sát thực địa và mong muốn được hợp tác, xây dựng nhà máy sản xuất, kinh doanh. Đơn vị sẽ lựa chọn thu hút đầu tư phù hợp, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường. Dự kiến trong năm 2023, khu An Phát 1 sẽ đón khoảng 300 triệu USD dòng vốn FDI.
Năm 2022, Hải Dương được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá là 1 trong 20 địa phương có chất lượng hạ tầng công nghiệp tốt nhất cả nước. Đây là lợi thế nổi trội để tỉnh lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư. Không những vậy, tỉnh còn có lực lượng lao động tại chỗ dồi dào với gần 950.000 người trong độ tuổi lao động. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Hải Dương tăng điểm trong mắt các nhà đầu tư.
Nỗ lực thực hiện tiêu chí mềm
Ngoài quan tâm cơ sở hạ tầng để mời gọi các nhà đầu tư, Hải Dương còn chú trọng xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, vừa nâng cao uy tín về năng lực điều hành của tỉnh. Từ đó, các doanh nghiệp mới an tâm, tin tưởng và quyết định đầu tư vào tỉnh.
Năm 2023, Hải Dương đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, tạo bước chuyển biến đột phá về cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu giảm ít nhất 50% thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian các thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, thuế, hải quan, cấp phép kinh doanh… Các sở, ngành chủ động rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục không cần thiết gây phiền hà và gia tăng thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Nhằm bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực, tỉnh cũng khẩn trương hoàn thiện quy hoạch chung và kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, xây dựng phần mềm quản lý và công khai quy hoạch trên môi trường mạng để doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư. Hải Dương nghiên cứu cải thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập.
Theo đồng chí Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hải Dương có nhiều dư địa trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để có thể phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh phải đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư. Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã nỗ lực đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp song vẫn chưa thật sự quyết liệt, triệt để, nhất là trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn. Để có thể ghi điểm, tạo ấn tượng với các nhà đầu tư mới cần triển khai đồng bộ các giải pháp, từ cơ sở hạ tầng tới cơ chế chính sách. Bên cạnh quan tâm phát triển dự án mới cũng cần tích cực hỗ trợ, đồng hành với các dự án đang hoạt động. Có như vậy, thu hút đầu tư của tỉnh mới thật sự ổn định, bền vững.