Để thu hút được những nhóm nhạc, nghệ sĩ, ngôi sao hay đoàn phim khắp thế giới đổ về đây, chúng ta cần đến những chính sách hỗ trợ, cần chiến lược bài bản, cần chủ động chào mời, cần tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng… Từ đó, sẽ tạo đà cho công nghiệp văn hóa của Việt Nam bứt phá.
Đêm diễn thu hút hàng chục nghìn khán giả trên sân Mỹ Đình của Blackpink. Ảnh: Chi Trần
Bài học nhìn từ “Kong: Skull Island”
Năm 2016, khán giả Việt nức lòng khi bom tấn “Kong: Skull Island” đổ bộ đến Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình… cùng dàn sao danh tiếng đình đám thế giới. Truyền thông thế giới đổ dồn sự chú ý về những nơi được chọn làm bối cảnh quay, trong đó quần thể di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình thu hút sự chú ý đặc biệt. Nhiều phóng viên quốc tế đến đây viết bài, miêu tả vẻ hoang sơ “sơn thủy hữu tình” của Tràng An, hứa hẹn đây sẽ là điểm đến bùng nổ của du lịch thế giới.
Ngay sau khi “Kong: Skull Island” mang vác máy móc hiện đại sang Việt Nam, nhiều thông tin lan truyền, rằng, ngay sau bom tấn này hàng loạt phim Mỹ, Hàn cũng sang Việt Nam bấm máy. Trong đó, “Fast 10” nằm trong series bom tấn đắt khách bậc nhất thế giới “Fast and Furious” chia sẻ rầm rộ thông tin sẽ đến Việt Nam tìm bối cảnh quay.
Truyền thông, dư luận thế giới nức lòng, nhiều nhà làm phim xúc động nghĩ rằng, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến mới của châu Á, nơi những bối cảnh tuyệt đẹp sẽ xuất hiện trong phim danh tiếng thế giới, du lịch được quảng bá, công nghệ sản xuất phim được đầu tư…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kể từ “Kong: Skull Island” – 7 năm đã trôi qua, không có thêm bất kỳ bom tấn nào đến đây như kỳ vọng.
Trong 7 năm ấy, Thái Lan nổi lên như một trường quay mới của điện ảnh thế giới.
Mới đây, theo báo cáo của Cục Hợp tác phim ảnh quốc tế, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 222 bộ phim của các hãng nước ngoài được quay hình tại xứ sở Chùa Vàng, giúp Thái Lan thu 1.844 tỉ baht (tương đương khoảng 52 triệu USD).
Bộ phim đang gây bão trên các nền tảng số của Hàn Quốc là “King The Land” đã dành riêng thời lượng một tập phim để quảng bá cảnh đẹp cho Thái Lan. Theo truyền thông Hàn Quốc, “King The Land” được chào đón, hỗ trợ về mọi mặt khi đến Thái Lan quay phim.
SMCP phân tích, Thái Lan có sức hút như một trường quay khổng lồ của điện ảnh thế giới những năm qua do có cơ sở vật chất tốt, phong cảnh đẹp, đội ngũ kỹ thuật tay nghề cao, dịch vụ điện ảnh chuyên nghiệp.
Trong vòng một thập kỷ, chính phủ Thái Lan liên tục thúc đẩy chính sách quảng bá, thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến đây, từ đó tạo đà bứt phá cho ngành công nghiệp điện ảnh nội địa.
Trở lại với câu chuyện của “Kong: Skull Island”, đạo diễn phim từng thẳng thắn chia sẻ, họ đã phải rất mất công vận chuyển thiết bị, công nghệ, máy móc từ Mỹ sang Việt Nam.
Ở Việt Nam, ngành sản xuất phim chưa được đồng bộ hóa, công nghệ còn hạn hẹp, cơ sở vật chất để có thể cho thuê mướn còn thiếu chuyên nghiệp… Dịch vụ để phục vụ một đoàn phim quốc tế ở Việt Nam gần như ở mức sơ khai và chưa có nhiều thay đổi trong suốt 7 năm qua.
Đừng để cơn sốt Blackpink trôi qua như gió thoảng
Kể từ “cơn bão” truyền thông “Kong: Skull Island”, khán giả Việt lại được nức lòng chào đón nhóm nhạc đang được yêu thích bậc nhất thế giới – Blackpink.
Trong khoảng trống 7 năm, Việt Nam đã đón nhiều sao Hàn đến biểu diễn, nhưng sức hút của Blackpink vẫn là áp đảo.
Hành trình kể từ khi 4 cô gái nhà YG Entertainment được cấp phép đến Hà Nội biểu diễn cho đến khi 2 đêm nhạc chính thức diễn ra trên sân Mỹ Đình được khán giả ví von là “82 kiếp nạn” bởi những sóng gió xảy đến.
Sau rất nhiều lần đứng trước nguy cơ bị hủy diễn, Blackpink đã cho thấy đẳng cấp và sức hút vượt bậc của họ. Sự bùng nổ của sân Mỹ Đình trong 2 đêm 29 và 30.7 khiến ngay cả những ai không quan tâm đến Blackpink cũng phải ấn tượng.
Fan của Blackpink từ nhiều quốc gia đổ về Hà Nội, phần nào kích cầu du lịch hè của Thủ đô.
Để cơn sốt Blackpink không trôi qua như “cơn gió” sẽ phải cần đến sự chung tay của rất nhiều bộ ban ngành.