Nhìn những vạt cà phê cho năng suất cao nhưng liên tục rớt giá, thu nhập của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, sau nhiều trăn trở, tìm hiểu thị trường, chị Trần Thị Thu Hải đã mạnh dạn bàn với chồng, mở xưởng sản xuất cà phê thành phẩm để cung ứng thị trường. Đây được xem là bước đi táo bạo của Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Hải An (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên).
– PV: Động lực nào đã thôi thúc chị dành trọn tâm huyết cho cây cà phê Mường Ảng?
Chị Trần Thị Thu Hải: Từ lâu, Mường Ảng được biết đến là vựa cà phê của Tây Bắc. Thế nhưng thực tế, năm thì cà phê được mùa, mất giá, vụ được giá lại mất mùa. Biết là bị thương lái ép giá nhưng người trồng không thể không bán vì cà phê thô không để lâu được. Chứng kiến điều này, tôi trăn trở với câu hỏi:
Tại sao mình nằm trong vùng nguyên liệu mà không làm cà phê? Biết ý tưởng của tôi, ông xã rất ủng hộ. Vậy là từ năm 2015, Công ty TNHH Hải An của vợ chồng tôi vốn chuyên kinh doanh vật tư và thiết bị văn phòng được chuyển sang lĩnh vực sản xuất cà phê thành phẩm, với mong muốn nâng cao giá trị của cây cà phê Mường Ảng.
– PV: Trong quá trình khởi nghiệp, rào cản lớn nhất đối với chị là gì?
Chị Trần Thị Thu Hải: Hiện nay, tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ của Hội Doanh nghiệp, Hội LHPN địa phương. Tuy nhiên, thời gian đầu thành lập công ty, cũng như nhiều người khởi sự kinh doanh khác, lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo luôn sẵn sàng nhưng nguồn vốn thì hạn chế.
Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm là một vấn đề lớn. Chính vì thế, những năm đầu bắt tay vào sản xuất và tiếp cận thị trường, tôi thận trọng từng bước ngắn để vừa học hỏi, vừa trau dồi kinh nghiệm.
– PV: Khi nói đến cà phê, người ta thường nghĩ ngay đến “thủ phủ” là Tây Nguyên. Làm thế nào để chị có thể đưa sản phẩm của mình ra thị trường?
Chị Trần Thị Thu Hải: Đúng là thị trường cà phê “trăm hoa đua nở”. Nhưng với đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu, cà phê Mường Ảng có hương vị đặc biệt, khác với vị cà phê của các địa phương khác. Để có thể phát triển cây cà phê của quê hương, chúng tôi tập trung quảng bá, nhấn mạnh vào vị riêng có của cà phê Mường Ảng.
Việc đầu tiên chúng tôi làm là tạo lòng tin yêu từ khách hàng. Khi khách hàng tin, dùng và yêu mến sản phẩm của mình thì đó chính là bước quan trọng vào thị trường cà phê nội địa. Để xúc tiến thương mại, chúng tôi tham gia nhiều chương trình quảng bá sản phẩm của địa phương và toàn quốc.
Gần đây, chúng tôi mang sản phẩm của mình tham gia “Lễ hội cà phê Tây Nguyên lần thứ 8”; tham gia các chương trình hội chợ, hội nghị …
Tại Hội chợ sản phẩm OCOP Điện Biên (được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động “Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên” hồi đầu tháng 3 vừa qua) và Lễ hội Hoa ban năm 2024, sản phẩm của chúng tôi được đông đảo khách hàng đón nhận và có phản hồi tốt. Đó chính là nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng.
Song song với các hoạt động mang tính chiến lược, bản thân tôi rất tích cực làm tiktok, livestream, bán hàng online. Có nhiều khách chỉ đặt 1 chai cà phê muối, 1 hộp cà phê hoà tan chúng tôi cũng “ship” hàng tận tình, chu đáo.
– PV: Chị đã và đang có những sáng kiến gì để phát triển thương hiệu cà phê Mường Ảng của mình?
Chị Trần Thị Thu Hải: Với phương châm “tạo cung, kích cầu”, để đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng, chúng tôi không ngừng đa dạng hoá sản phẩm. Hiện nay, ngoài cà phê bột nguyên chất, chúng tôi chế biến thêm các dòng cà phê hòa tan, cà phê muối, cà phê phin giấy, cà phê hòa tan đen…
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang chú ý đến việc xây dựng chuỗi quán cà phê tại địa phương để giữ chân khách hàng địa phương và tiếp cận khách du lịch khi đến với Điện Biên.
– PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Bạn đọc quan tâm sản phẩm có thể liên hệ theo địa chỉ: Công ty TNHH Hải An, Tổ dân phố 6, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. ĐT: 0973052368; Facebook: Trần Thị Thu Hải, Cà Phê Hải An
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/tao-cung-kich-cau-san-pham-ca-phe-muong-ang-20240522172958551.htm