Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn (QHĐT và QHNT), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng hiện nay được quy định chủ yếu tại Luật QHĐT năm 2009 và Chương II Luật Xây dựng năm 2014, ngoài ra còn một số Luật khác liên quan, trong đó có Luật Quy hoạch năm 2017. Qua 14 năm thi hành Luật QHĐT, 9 năm thi hành Luật Xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống. Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn phát triển đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Việc ban hành dự án Luật QHĐT và QHNT nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động QHĐT và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật QHĐT năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II), trên cơ sở phạm vi của quy hoạch đô thị và nông thôn quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, phạm vi điều chỉnh của Luật đề xuất là: “Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý QHĐT và nông thôn và quản lý nhà nước về QHĐT và nông thôn”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, khi được Quốc hội thông qua, Luật QHĐT và QHNT sẽ giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng. Đó là, thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thống nhất hóa các quy định về QHĐT và QHNT trong cùng một Luật.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh với những điểm mới cơ bản như sau: Quy định rõ hệ thống QHĐT và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch; làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đồng thời, đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Luật cũng bổ sung quy định rõ hơn về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, bảo đảm nguồn lực thực hiện quy hoạch. Bổ sung quy định làm rõ điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn; sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc… Bổ sung quy định về Hợp tác quốc tế và Chính sách của Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn. Bổ sung các quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện QHĐT và nông thôn.
Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình số 227/TTr-CP của Chính phủ.
Về định hướng nội dung xây dựng Luật, cần đặc biệt nhấn mạnh một số nội dung sau đây: Làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nguyên tắc, căn cứ lập và điều chỉnh các quy hoạch; phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch, bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản đối với các hoạt động kinh tế – xã hội của người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin – cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai trên thực tế.
Thực hiện phân cấp và phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý QHĐTNT nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực, nguồn lực thực hiện, gắn với đề cao trách nhiệm kiểm soát, giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của trung ương…
Về hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế nhất trí với nội dung Điều 1 dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện một số nội dung sau: Rà soát nội dung các khái niệm cơ bản “đô thị”, “nông thôn”, bảo đảm định hướng gắn kết giữa đô thị và nông thôn và phù hợp với thực tiễn có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn.
Đồng thời, rà soát, phân định rõ phạm vi, đối tượng của QHĐT và QHNT, đồng thời, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa QHĐT và QHNT. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, làm rõ phạm vi, đối tượng lập quy hoạch, nội dung QHNT (bao gồm quy hoạch chung huyện, quy hoạch chung xã và quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng trong huyện, xã) trong dự thảo Luật để thống nhất cách hiểu về QHNT, cũng là cách hiểu về phạm vi điều chỉnh của Luật. Có ý kiến cho rằng QHNT cần mang tính “động” để tạo không gian cho sự phát triển của khu vực này. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, làm rõ thuật ngữ QHĐT và QHNT không có nhiều ý nghĩa phân biệt về nội hàm mà chỉ có ý nghĩa gọi tên chung.
Về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 3); các trường hợp liên quan đến phạm vi ranh giới và địa giới hành chính khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 5); nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 7), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo, làm rõ cơ sở của việc quy định “quy hoạch chung đối với thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch chung đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương” là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia”, phân biệt với các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn được xác định là quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; tiếp tục rà soát quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 về QHĐT, QHNT tương ứng với nội dung dự thảo Luật sửa đổi tại khoản 5 Điều 5 Luật Quy hoạch năm 2017, bảo đảm tính thống nhất nội tại của Luật Quy hoạch.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trình Quốc hội tại Tờ trình số 133/TTr-CP ngày 9/4/2024 được thiết kế với 5 Chương, 8 Mục, 61 Điều. Sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý thành 6 Chương, 65 Điều.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/tao-cong-cu-quan-ly-dong-bo-toan-dien-de-dieu-chinh-quy-hoach-do-thi-375704.html