Sinh viên Trường đại học Phenikaa thực hành nghiên cứu khoa học.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học vừa qua, ngành Giáo dục đẩy mạnh triển khai quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Ngành từng bước thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ nhu cầu học tập suốt đời; đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao. Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học được phát triển trên cơ sở bảo đảm đầu tư công bằng, khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả cùng với huy động tốt nguồn lực xã hội.
Đáng chú ý, ngành Giáo dục thúc đẩy nhiều chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo như: Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật giai đoạn 2023-2030; Chương trình Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030; đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam… Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 10 hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo; phối hợp các cơ sở đào tạo triển khai xây dựng 11 chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học và 9 chuẩn chương trình đào tạo trình độ sau đại học.
Các cơ sở giáo dục đại học tích cực nâng cao năng lực quản trị đại học; hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng để xây dựng văn hóa chất lượng, lấy chất lượng làm nền tảng trong mọi hoạt động giáo dục đại học. Các trường triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học; đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.
Các cơ sở giáo dục ưu tiên tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng giảng viên có trình độ cao. Đến nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 33,5% tổng số giảng viên đại học. Hoạt động tự chủ tài chính, tài sản toàn diện và sâu rộng, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng được quan tâm tích cực. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 32,76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Theo Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương, số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Đến ngày 31/7/2024, có 193 cơ sở giáo dục đại học được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 11 cơ sở giáo dục đại học được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của quốc tế. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Theo kết quả xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) công bố ngày 5/6/2024, Việt Nam có sáu cơ sở giáo dục đại học lọt vào Bảng xếp hạng các đại học trên thế giới năm 2025 (QS WUR 2025); trong khi đó, kết quả xếp hạng của Tổ chức Times Higher Education (THE) công bố ngày 1/5/2024 có sáu trường lọt vào bảng xếp hạng đại học châu Á tốt nhất năm 2024…
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng thực tế cũng cho thấy các cơ sở giáo dục đại học còn lúng túng khi thực hiện tự chủ; quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp… chưa có sức hút đối với người học. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội; năng lực kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học với doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao và yêu cầu phát triển kinh tế tri thức…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, năm học 2024-2025, theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, ngành Giáo dục sẽ hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển của mỗi cơ sở đào tạo trong giai đoạn mới, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, các chiến lược và quy hoạch phát triển ngành kinh tế-xã hội và định hướng phát triển, quy hoạch vùng và địa phương. Các trường đại học thực hiện đổi mới, hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động và nhu cầu học tập đa dạng của người học. Ngành Giáo dục đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và tổ chức, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Đáng chú ý, khi hệ thống giáo dục đại học mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo thì đội ngũ giảng viên phải là lực lượng nòng cốt. Vì vậy, các đơn vị chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, đánh giá lại, đề xuất những điều chỉnh tranh thủ nguồn lực cho đề án đào tạo tiến sĩ để hỗ trợ tối đa các trường đại học trong việc đào tạo giảng viên… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn: https://nhandan.vn/tao-chuyen-bien-ve-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-post831325.html