New York và San Francisco là hai khu vực của Mỹ có cộng đồng người Việt và học sinh làm ăn, sinh sống đông đảo. Đây cũng là nơi dừng chân của đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài từ ngày 9 đến 16-10 vừa qua.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu dẫn đầu, ông Mark Chandler, Giám đốc Phòng Thương mại quốc tế, Văn phòng Thị trưởng TP San Francisco, bày tỏ vui mừng trước sự lớn mạnh và đóng góp tích cực của cộng đồng cho sở tại, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng.
Cũng tại thành phố thuộc bang California này, đoàn đã có dịp gặp gỡ nhiều chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào sinh sống ở đây và một số thành phố lân cận như các ông Nguyễn Công Chánh, Phạm Văn Tịch, luật sư Nguyễn Hữu Liêm, doanh nhân David Dương…
Qua các cuộc trao đổi, kiều bào bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của đất nước cũng như quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam – Mỹ. Đặc biệt, theo kiều bào, nhờ sự thành công của Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài mà cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và kiều bào tại Mỹ nói riêng gặp nhiều thuận lợi trong việc ổn định vị trí pháp lý, hội nhập vào xã hội sở tại và từ đó đóng góp cho quê hương.
Đoàn công tác thăm cơ sở sản xuất và kinh doanh sô-cô-la của kiều bào trẻ Wendy Lieu Ảnh: THU HIỀN
Nhiều chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết và đề xuất mang tính xây dựng được đưa ra để xây dựng cộng đồng lớn mạnh và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, ông Phạm Văn Tịch trăn trở việc khuyến khích, kết nối kiều bào trẻ, gồm cả cộng đồng du học sinh, cựu du học sinh Việt Nam và kiều bào thế hệ thứ 2, thứ 3 về nước, trực tiếp đóng góp nguồn lực vật chất và tri thức hỗ trợ quê nhà.
Luật sư Nguyễn Hữu Liêm và một số chuyên gia, trí thức kiều bào kiến nghị xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của kiều bào một cách hiệu quả, song song đó là cải cách một số thủ tục, quy định, chính sách liên quan đến các lĩnh vực giáo dục, thu hút nguồn lực, đầu tư, kinh doanh…
Mong muốn nhà nước tạo cầu nối cộng đồng du học sinh Việt Nam ở Mỹ và các nước với các nhà tuyển dụng trong nước là đề xuất của bạn Lê Minh Anh, đại diện Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại New York.
Theo Minh Anh, Việt Nam đang là một thị trường việc làm hấp dẫn với đội ngũ nhân sự trẻ nên ngày càng nhiều du học sinh mong muốn trở về quê nhà. Tuy nhiên, du học sinh Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội thực tập, làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp trong nước cũng như không có phương thức kết nối, liên lạc hiệu quả với nhà tuyển dụng.
Do đó, Minh Anh đại diện hội đề xuất ý tưởng thành lập Hội Du học sinh Việt Nam tại ba nước Mỹ, Anh, Úc, đồng thời kiến nghị Bộ Ngoại giao nói riêng và các cơ quan trong nước nói chung hỗ trợ tổ chức các diễn đàn, hội chợ việc làm nhằm kết nối nhà tuyển dụng trong nước với cộng đồng du học sinh Việt Nam ở các nước cũng như đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam thế hệ F2, F3 ở nước ngoài.
Ngoài ra, một số du học sinh Việt Nam bày tỏ quan tâm và mong muốn trở thành đảng viên để đóng góp hiệu quả hơn cho công tác hội đoàn. Chính vì vậy, Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở New York kiến nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục cung cấp thông tin tới cộng đồng du học sinh, hỗ trợ phát triển Đảng ở ngoài nước.
Trong khi đó, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đề nghị chú trọng các biện pháp để đưa ngày càng nhiều người Việt Nam vào làm việc tại các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, qua đó khẳng định và lan tỏa những giá trị và bản sắc Việt Nam với quốc tế.
Đóng góp tích cực
Nhân chuyến làm việc tại San Francisco, đoàn công tác đã tới thăm một số cơ sở sản xuất và kinh doanh của kiều bào như Công ty Xử lý rác thải California của ông David Dương, cơ sở sản xuất sô-cô-la của kiều bào trẻ Wendy Lieu…
Ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ (VABA), cho biết trong bối cảnh hậu COVID-19, hội đang khởi động lại một số chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư cho các doanh nghiệp của người gốc Việt tại Mỹ. Đại diện hội cũng kiến nghị nhà nước quan tâm, có biện pháp, chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp gốc Việt trên địa bàn để xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, phát triển, đóng góp cho quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước.