Tạo bước nhảy với “săn” và giữ chân người tài

Báo Đầu tưBáo Đầu tư13/12/2024

Thị trường nhân sự đang có thay đổi lớn, nhưng theo cơn sóng ngầm, âm thầm hơn. Các doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán phúc lợi để “săn” và giữ chân nhân tài.


Thị trường nhân sự đang có thay đổi lớn, nhưng theo cơn sóng ngầm, âm thầm hơn. Các doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán phúc lợi để “săn” và giữ chân nhân tài.

Động thái chiến lược

Cuối tháng 11/2024, giới công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đồng loạt chia sẻ về thông báo sẽ sa thải 21% nhân sự của Sky Mavis - start-up tỷ USD của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, nhà đồng sáng lập Sky Mavis, quyết định này không liên quan ngân sách hoặc tình hình tài chính của Công ty. Đây là động thái chiến lược cho phép tập trung rõ ràng hơn và định vị Sky Mavis để tăng trưởng năm 2025 và sau đó.

Sky Mavis không chia sẻ bộ phận nào sẽ được tinh giản hay quá trình thực hiện ra sao, nhưng khẳng định, nhân viên sẽ nhận được gói trợ cấp nghỉ việc cũng như hỗ trợ tìm việc mới.

Sky Mavis là công ty của Việt Nam khi được sáng lập bởi các cổ đông Việt Nam (bên cạnh 2 cổ đông người nước ngoài). Giám đốc điều hành (CEO) Sky Mavis là ông Nguyễn Thành Trung. Tuy nhiên, trụ sở của Sky Mavis đặt tại Singapore.

Năm 2023, Công ty cho biết, có khoảng 250 nhân viên trên toàn cầu, trong đó, văn phòng tại Việt Nam có 200 người.

Ông Trung đánh giá, các chính sách thân thiện với tiền điện tử gần đây được dự đoán sẽ tạo làn sóng đổi mới cùng với các dự án Web3, có thể tạo ra sự thay đổi lớn tương tự năm 2018, khi công ty ra mắt game Axie Infinity. Từ đó, Công ty quyết định tập trung vào các mục tiêu về Ronin Wallet, Mavis Marketplace, mở rộng blockchain Ronin để thu hút thêm các nhà phát triển cũng như phát hành thêm trò chơi Web3.

- 35% doanh nghiệp quyết định áp dụng AI, thay vì tuyển thêm nhân sự.

- Gần 10% ứng viên đã tìm việc 6 tháng trở lên chưa có công việc mới. Phần lớn lại thuộc về nhóm quản lý, chuyên gia cộng với 3 nhóm công việc đang bị ảnh hưởng nhiều nhất: sáng tạo (thiết kế, nội dụng,...), công nghệ thông tin, kế toán tài chính.

-Số lượng ứng viên đăng ký để được chuyên gia tuyển dụng tư vấn tìm việc lên tới 500% so với cùng kỳ năm ngoái.

(Nguồn: Aniday)

Quyết định của Sky Mavis được công bố trong bối cảnh thị trường tiền số đang khởi sắc trở lại và Bitcoin tiến sát mốc 100.000 USD. Trước đó, Sky Mavis cũng là một trong số ít start-up có nhà sáng lập người Việt được định giá trên 1 tỷ USD, còn được gọi là “kỳ lân”.

Sky Mavis nổi tiếng với game Axie Infinity, tiên phong cho trào lưu play-to-earn (chơi để kiếm tiền) và từng gây sốt trong giai đoạn đại dịch khi giúp nhiều người có thể có thu nhập từ game. Để vận hành trò chơi, họ cũng xây dựng một blockchain là Ronin.

Tuy nhiên, sau khi cơn sốt play-to-earn xuất hiện nhiều vấn đề, kết hợp việc cầu nối Ronin bị hacker tấn công lấy đi lượng tiền số trị giá 600 triệu USD năm 2022, công ty này đã tiến hành nhiều thay đổi. Trong đó, có việc cung cấp phiên bản chơi miễn phí của Axie Infinity cũng như đưa Ronin thành nền tảng cho các game Web3.

Theo công bố của ông Trung, Ronin vẫn là blockchain được sử dụng nhiều thứ ba trên thế giới, với hơn 1,1 triệu địa chỉ hoạt động hàng ngày. Ứng dụng ví Ronin cũng đạt trên 10 triệu lượt tải.

Cũng trong lĩnh cực công nghệ, điện tử, trước đó, Samsung cắt giảm hàng ngàn nhân sự ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, Samsung không có kế hoạch sa thải nhân viên tại thị trường trong nước. Hiện Samsung có khoảng 147.000 nhân viên ở nước ngoài, chiếm hơn một nửa trong tổng số hơn 267.800 nhân viên, theo báo cáo bền vững mới nhất của Samsung. Công ty không đặt mục tiêu số lượng cụ thể cho bất kỳ vị trí nào. Tại Việt Nam cũng chưa có thông tin về những đợt cắt giảm nhân sự.

Nhưng thông tin nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bà Thiên Kim, đồng sáng lập Aniday (nền tảng tuyển dụng sở hữu mạng lưới headhunt lớn nhất Việt Nam) cho biết, việc sa thải không rầm rộ như đợt trước, nhưng hầu hết không tuyển thêm khi nhân sự nghỉ. Đặc biệt, dù kinh doanh tăng trưởng, nhưng hầu hết không tuyển dụng thêm nhiều nhân công, mà đầu tư vào chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng năng suất lao động.

Theo đại diện này, AI có thể khiến 14% lao động toàn cầu có thể cần thay đổi nghề nghiệp từ nay đến năm 2030. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tuyển được nhóm chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm với mức lương phù hợp.

Dữ liệu của Navigos Search cũng cho thấy, cuối năm 2023, ngành công nghệ thông tin toàn cầu trải qua một làn sóng sa thải lớn, với hơn 262.000 nhân sự mất việc, chủ yếu từ các công ty công nghệ lớn như Meta, Google, Amazon, Microsoft... Nguyên nhân chính là do sự tăng trưởng nóng sau đại dịch Covid-19 dẫn đến việc tuyển dụng quá mức và hoạt động kém hiệu quả.

Tại Việt Nam, theo quan sát từ Navigos Search, thị trường lao động ngành công nghệ thông tin - viễn thông vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao, đặc biệt là đối với nhân sự có kinh nghiệm (chiếm 77,3%). Nguyên nhân do nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước và sự đầu tư của các dự án nước ngoài vào Việt Nam là các yếu tố tạo môi trường thuận lợi cho ngành công nghệ thông tin tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, theo dữ liệu từ tập đoàn tư vấn tuyển dụng Robert Walters, trước áp lực cạnh tranh ngày càng cao và sự thay đổi trong ưu tiên của người lao động, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang tích cực điều chỉnh chiến lược để thu hút và giữ chân nhân tài một cách hiệu quả.

Theo đó, năm 2025, các doanh nghiệp dự kiến đẩy mạnh tuyển dụng ở các lĩnh vực như nhân sự, pháp lý và tài chính nhằm hỗ trợ chiến lược mở rộng kinh doanh và tăng trưởng. Bên cạnh đó, các vị trí thuộc các phòng, ban định hướng phát triển như bán hàng, tiếp thị và phát triển kinh doanh vẫn được chú trọng. Mức tăng lương dự kiến duy trì ổn định ở mức 15 - 25% trong hầu hết các ngành.

Theo Anphabe, trong năm 2024, có 33% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng nguồn nhân lực trong thời gian sắp tới. Đáng chú ý, chỉ có 9% đơn vị chia sẻ, họ sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự. Số lượng nhân sự được tăng lương trong năm nay cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đau đầu cạnh tranh gói phúc lợi

Theo Khảo sát lương 2025 của Robert Walters, nhiều xu hướng quan trọng đang định hình cách các tổ chức tiếp cận thị trường việc làm đầy biến động. Một điểm nhấn nổi bật là kế hoạch tăng lương tại nhiều doanh nghiệp, khi 82% công ty được khảo sát cho biết sẽ điều chỉnh lương trong năm 2025.

Bên cạnh việc tăng lương, các nhà tuyển dụng cũng tập trung cải thiện chương trình thu hút nhân tài thông qua chế độ thưởng cạnh tranh (76%) và đầu tư vào các chương trình đào tạo, phát triển toàn diện (67%). Những sáng kiến này không chỉ giúp thu hút ứng viên tiềm năng, mà còn góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự có năng lực cao, gắn bó lâu dài với tổ chức.

Tuy nhiên, thu hút nhân tài chỉ là một mặt của vấn đề, giữ chân nhân tài là một bài toán nan giải khác. Khảo sát của Robert Walters chỉ ra rằng, 59% nhà tuyển dụng thừa nhận, sự cạnh tranh trong tuyển dụng nhân tài và vướng mắc trong việc đưa ra gói phúc lợi cạnh tranh tiếp tục là thách thức lớn.

Theo Anphabe, năm 2024, chỉ số hạnh phúc của nhân sự Việt đang giảm ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tính đến quý III/2024, chỉ có 49% nguồn nhân lực Việt có các chỉ số hạnh phúc tích cực. Trong đó, hai chỉ số cảm thấy niềm vui và sự hứng khởi trong công việc và không cân nhắc tìm công việc khác giảm lần lượt xuống 39% và 43%.

Một trong những nguyên nhân được cho là đến từ áp lực tài chính. Ngày nay, tài chính cá nhân đang là mối lo lớn nhất với người lao động.

Trong số 3 nhân viên, chỉ có 1 người có “sức khỏe” tài chính tích cực. Thậm chí, có đến 74% nhân sự Việt cảm thấy thu nhập hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Việc tích lũy để sở hữu những tài sản lớn như nhà ở càng trở nên khó khăn hơn, trong bối cảnh giá cả leo thang và chế độ đãi ngộ hạn chế.

Hơn một nửa nhân sự Việt cho rằng, công ty đang trả lương không công bằng, khiến họ lo ngại về sự ổn định về tài chính trong tương lai. Chỉ có 35% người lao động thoải mái sống dựa vào tiền lương hằng tháng, số còn lại phải làm thêm công việc tự do, đầu tư hoặc “cầu cứu” sự hỗ trợ từ gia đình.

Theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng tại Anphabe, nhiều khoản thu nhập không ổn định sẽ khiến những nhân viên có “sức khỏe” tài chính thấp càng có ý định nghỉ việc. Theo khảo sát, nhóm nhân sự này có ý định nghỉ việc trong 6 tháng tới cao gấp 4 lần so với những nhóm khác.

Kể cả những nhân viên cảm thấy hạnh phúc trong công việc, hơn một nửa trong số họ vẫn sẵn sàng chuyển việc nếu nhận được chế độ đãi ngộ cao hơn công ty cũ. Lý do là, họ rất xem trọng một công việc tạo cảm giác an toàn về tài chính cho họ. An toàn tài chính ở đây là nếu có sự cố bất ngờ ập tới, họ vẫn an tâm vì có đủ khả năng xử lý.

Do đó, các nhà tư vấn tuyển dụng nhân sự cho rằng, có hướng tiếp cận hứa hẹn chính là tuyển dụng ứng viên dựa trên tiềm năng, thay vì chỉ dựa vào chuyên môn hiện có. Việc tập trung nuôi dưỡng và phát triển nhân tài lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng đội ngũ nhân sự phát triển và thích ứng cùng tổ chức. Đồng thời, các công ty cũng đang nỗ lực điều chỉnh phúc lợi và chính sách nhằm đáp ứng kỳ vọng của người lao động, tạo môi trường làm việc hài hòa, có lợi cho cả đôi bên.

Theo ông Phạm Tuấn Phúc, Giám đốc điều hành Robert Walters Việt Nam, lương thưởng và phúc lợi vẫn là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân nhân tài. Doanh nghiệp cần đảm bảo gói phúc lợi cạnh tranh so với tiêu chuẩn của ngành, đồng thời ghi nhận và tôn vinh thành tích của nhân viên thông qua các sự kiện vinh danh, giải thưởng thường niên, hoặc các chương trình đánh giá chéo giữa đồng nghiệp.

Ngoài ra, những đặc quyền bổ sung như tăng thêm ngày nghỉ phép có lương cũng là cách hiệu quả để nâng cao tinh thần và xây dựng lòng trung thành. Hơn nữa, việc mang đến các cơ hội phát triển nghề nghiệp như đào tạo, cố vấn, hoặc lộ trình thăng tiến rõ ràng là chìa khóa để nhân viên gắn bó lâu dài với tổ chức.



Nguồn: https://baodautu.vn/tao-buoc-nhay-voi-san-va-giu-chan-nguoi-tai-d231902.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available