Chặng đường 30 năm Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động là một chặng đường khó quên, đầy ý nghĩa với rất nhiều hoạt động
Ngày 24-10, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình gặp gỡ báo chí giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Giải Mai Vàng và Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30.
“Được Mai Vàng là được thăng hạng”
Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động ra đời từ năm 1995, sau 4 năm tổ chức thành công Giải Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm. Đến nay, Giải Mai Vàng đã tròn 30 tuổi. Hành trình phát triển Giải Mai Vàng 30 năm qua đã gắn kết tình cảm giữa bạn đọc, khán giả, văn nghệ sĩ các lĩnh vực và Báo Người Lao Động.
Trên chặng đường 30 năm hình thành và phát triển Giải Mai Vàng, Ban Tổ chức đã tổ chức nhiều đợt cải tiến; từng đưa văn nghệ sĩ đến với khán giả – công nhân lao động, sinh viên, học sinh và người dân – ở nhiều tỉnh, thành cả nước trong những chuyến lưu diễn “Tiền Mai Vàng”.
Giải Mai Vàng 30 năm qua bền bỉ phát triển và ngày càng lớn mạnh là vì Báo Người Lao Động luôn đề cao trách nhiệm vì cộng đồng. Những năm gần đây, ngoài sự bình chọn của bạn đọc – khán giả dành cho các nghệ sĩ trong những hạng mục giải trí được trao Giải Mai Vàng, Ban Biên tập Báo Người Lao Động còn xem xét, trao giải “Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng” cho NSND Kim Cương và NSND Lệ Thủy; trao giải “Nghệ sĩ vì cộng đồng”, “Nghệ sĩ tiêu biểu vì cộng đồng” hằng năm cho MC Đại Nghĩa, NSƯT Hoài Linh, MC Quyền Linh, rapper Đen Vâu…
Trong 4 năm qua, giải thưởng “Tác phẩm văn hóa nghệ thuật xuất sắc” hằng năm cũng được trao cho nhiều văn nghệ sĩ với sự đồng thuận rất cao giữa Hội đồng Nghệ thuật và Ban Biên tập Báo Người Lao Động, thông qua đề cử của các hội chuyên ngành. Giải Mai Vàng vì thế có thêm những dấu ấn mới, động viên kịp thời các họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà văn, nhà thơ có những sáng tác xuất sắc, được giới chuyên môn đánh giá cao…
Tại chương trình gặp gỡ báo chí giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Giải Mai Vàng và Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30, NSND Kim Xuân tâm sự: “Với văn nghệ sĩ, Giải Mai Vàng như là người bạn đồng hành, là sự ghi nhận thành quả hằng năm của mình. Chúng tôi thường nói vui với nhau rằng “ai đoạt được Giải Mai Vàng là được thăng hạng”. Mai Vàng là giải dù không có giá trị vật chất nhưng mang giá trị tinh thần to lớn với tất cả văn nghệ sĩ”.
Nhà báo Tô Đình Tuân – Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giải Mai Vàng và Giải Mai Vàng lần thứ 30 năm 2024 – nhìn nhận: “Ngoài sự sáng tạo của ban tổ chức, Giải Mai Vàng còn có sự đóng góp chân thành, chu đáo, công tâm của các văn nghệ sĩ tên tuổi trong Hội đồng Nghệ thuật. Có thể nói, Giải Mai Vàng – giải dành cho các văn nghệ sĩ – luôn được xét chọn công tâm, minh bạch, khách quan. Chúng tôi từng từ chối một số trường hợp muốn được “chia sẻ đồng hành” để tìm kiếm cơ hội chiến thắng. Nói điều này để khẳng định rằng sự công tâm, khách quan chính là vấn đề cốt lõi làm nên giá trị của Giải Mai Vàng, cũng là yếu tố giúp Mai Vàng có được chỗ đứng như hôm nay và trong tương lai”.
Nỗ lực không ngừng
Với mục tiêu đổi mới cách tổ chức đề cử, bầu chọn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để bạn đọc – khán giả ghi nhận chính xác thành quả lao động nghệ thuật sau một năm của văn nghệ sĩ, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải Mai Vàng lần thứ 30 quyết tâm tạo bước đột phá, nâng tầm Mai Vàng trở thành giải thưởng văn hóa nghệ thuật của cả nước.
Ông Bùi Thanh Liêm – Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức Giải Mai Vàng lần thứ 30 – thông tin nét mới của Giải Mai Vàng năm nay là sự kết hợp giữa nghệ sĩ ba miền Bắc – Trung – Nam. Dịp này, Báo Người Lao Động còn tổ chức triển lãm ảnh “Hành trình 30 năm Giải Mai Vàng”, tái hiện quá trình Giải Mai Vàng từ những ngày đầu thành lập đến nay. Triển lãm trưng bày những hình ảnh đáng nhớ, những khoảnh khắc khó quên… của Giải Mai Vàng.
Trong đêm 8-1-2025, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 30 năm thành lập Giải Mai Vàng và Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30 sẽ tổ chức tại Nhà hát Thành phố; được VTV9 truyền hình trực tiếp, được tường thuật trực tuyến trên các nền tảng của Báo Người Lao Động và các đơn vị đồng hành. Đêm nghệ thuật ý nghĩa này sẽ vinh danh các văn nghệ sĩ đạt “Thành tựu Mai Vàng 30 năm” – những người từng đoạt Giải Mai Vàng và vẫn giữ vững phong độ trong lao động nghệ thuật, là điểm tựa tài năng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ; bên cạnh việc trao Giải Mai Vàng cho các nghệ sĩ xuất sắc trong năm.
Đạo diễn – NSND Trần Minh Ngọc trải lòng: “Vừa qua, tôi bị tai biến và được chương trình “Mai Vàng tri ân” của Báo Người Lao Động đến thăm hỏi, hỗ trợ. Đây là kỷ niệm khó quên của tôi với báo và Giải Mai Vàng. Giải Mai Vàng luôn trân trọng người làm nghệ thuật, trân trọng nghệ sĩ và tác phẩm”.
Theo NSND Việt Anh, 30 năm là một chặng đường dài. Văn nghệ sĩ cả nước nói chung và TP HCM nói riêng đều tự hào khi có một tờ báo duy trì được một giải văn hóa nghệ thuật hằng năm như Mai Vàng.
“Vài cơ quan báo chí cũng từng tổ chức giải thưởng văn hóa nghệ thuật nhưng vì nhiều lý do nên không duy trì được. Trong khi đó, Giải Mai Vàng vẫn được giữ vững và phát triển, không ngừng khích lệ tinh thần, ghi nhận sự đóng góp của văn nghệ sĩ. Chúng tôi mong không chỉ 30 năm mà là 40-50 năm và nhiều năm sau nữa, Giải Mai Vàng vẫn không ngừng lớn mạnh” – NSND Việt Anh thổ lộ.
Theo Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân, trong những năm qua, báo đã nỗ lực không ngừng để duy trì Giải Mai Vàng. Có những lúc, giải tưởng chừng không tổ chức được vì nhiều yếu tố khách quan, như đại dịch COVID-19, song Mai Vàng vẫn diễn ra suôn sẻ và tạo nhiều hiệu ứng tích cực.
“Đó là thành quả từ sự chung tay, chung sức, chung lòng của nhiều người. Tất cả văn nghệ sĩ đã, đang và sẽ nhìn Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động như một hoạt động nghệ thuật không thể thiếu hằng năm. Hành trình của Giải Mai Vàng cũng nhận được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo từ trung ương đến TP HCM” – ông Tô Đình Tuân nhấn mạnh
Không quên những người có nhiều đóng góp
Thời gian qua, chương trình “Mai Vàng nhân ái” – sau này là “Mai Vàng tri ân” do Báo Người Lao Động tổ chức, Ngân hàng TMCP Nam Á Bank đồng hành, đã trao tặng hơn 800 phần quà ý nghĩa đến các văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà trí thức, khoa học… có nhiều cống hiến cho đất nước. Ban tổ chức cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực, đóng góp vào chương trình “Mai Vàng tri ân” chăm lo cho văn nghệ sĩ bệnh tật, khó khăn…
“Một trong những hoạt động mà chúng tôi tự hào là chương trình “Mai Vàng tri ân”, khi đã đến thăm, hỗ trợ nhiều văn nghệ sĩ già yếu, neo đơn. Không ít lần chúng tôi chứng kiến nghệ sĩ bật khóc khi “Mai Vàng tri ân” ghé thăm. Vật chất dù quan trọng nhưng không quyết định tất cả; điều chúng tôi mang đến chính là niềm tin và lòng biết ơn. Chúng tôi muốn gửi đi thông điệp cho thế hệ tương lai là không quên những người đã đóng góp cho đất nước ở mọi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, khoa học, giáo dục…” – nhà báo Tô Đình Tuân nhấn mạnh.
. Bà DƯƠNG CẨM THÚY – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VH-NT TP HCM, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM:
Mai Vàng rất ý nghĩa
Tôi rất vui mừng, hạnh phúc, cảm xúc khi Báo Người Lao Động tổ chức Giải Mai Vàng và duy trì được đến năm thứ 30. Tôi cảm ơn Báo Người Lao Động, đội ngũ sáng tạo, thực hiện Giải Mai Vàng từ khâu phát động đến trao giải. Tôi cũng mong giải ngày càng sáng tạo, đổi mới để thu hút khán giả, người sáng tạo nghệ thuật tham gia ngày càng nhiều hơn.
Để duy trì giải, đòi hỏi công sức lớn vì việc tìm nhà tài trợ, hỗ trợ đồng hành không dễ trong suốt 30 năm nay. Mặc dù giải không mang nhiều giá trị vật chất nhưng ý nghĩa tinh thần thì vô cùng to lớn. Những người làm văn hóa nghệ thuật, văn nghệ sĩ nhận giải đều có tên tuổi, được công chúng công nhận qua nhiều tác phẩm, vở diễn, phong cách biểu diễn…
Tôi tham gia Hội đồng Nghệ thuật của giải, thẩm định tác phẩm được công chúng, khán giả bầu chọn cũng giúp bản thân học hỏi nhiều điều. Nhờ đọc, nghe, xem nhiều tác phẩm từ âm nhạc, sân khấu, điện ảnh đến các chương trình truyền hình…, sự hiểu biết của tôi về văn hóa nghệ thuật cũng sâu sắc hơn.
. Diễn viên DIỆP BẢO NGỌC:
May mắn, biết ơn
Sau khi xem hết triển lãm về 30 năm Giải Mai Vàng với những hình ảnh ghi nhận hành trình 30 năm qua, tôi cảm thấy xúc động và bồi hồi. Tôi thấy may mắn, biết ơn khi năm 2023 được tôn vinh trên sân khấu lễ trao giải Mai Vàng. Những cảm xúc của tôi khi nhận giải lẫn lộn, khó tả, đan xen – đó là những cảm xúc hạnh phúc khi được công nhận của nhiều người, báo chí và khán giả.
Tôi hy vọng năm nay, phim tôi tham gia tiếp tục được đề cử Giải Mai Vàng. Xem triển lãm hôm nay, tôi cảm thấy lâng lâng xúc động khi nhìn lại hình ảnh những cô chú, anh chị đi trước đoạt giải. Đó là những gương mặt gạo cội đã cống hiến rất nhiều cho nghệ thuật. Là người trẻ, tôi nguyện nỗ lực phân đấu nhiều hơn, cống hiến hơn cho điện ảnh nước nhà.
. NSƯT KIM TIỂU LONG:
Động lực lớn
Tôi rất vui mừng khi Giải Mai Vàng đồng hành với nghệ sĩ, trong đó có tôi, suốt 30 năm qua. Đến tham dự buổi gặp gỡ này, tôi nhớ nhiều kỷ niệm trong hoạt động nghệ thuật. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng nhiều hơn nữa làm nhiều điều tốt đẹp, hát ngày càng hay để không phụ lòng khán giả. Mai Vàng là giải uy tín để nghệ sĩ có động lực, có một sân chơi, có niềm vui trong quá trình hoạt động nghệ thuật.
Tôi rất hãnh diện vì đã 2 lần được nhận Giải Mai Vàng trong cuộc đời làm nghệ thuật. Năm nay, tôi có sự đầu tư cho vai Lê Lợi trong tuồng “Anh hùng hào kiệt Lam Sơn”. Tôi vui và cảm thấy còn sức khỏe, yêu nghề nên sẽ nỗ lực để phục vụ khán giả nhiều hơn.
Minh Khuê (ghi)
Nguồn: https://nld.com.vn/tao-buoc-dot-pha-nang-tam-giai-mai-vang-196241024220135971.htm