Các nước tăng nhu cầu nhập khẩu vì sản lượng gạo toàn cầu giảm
Theo các thương nhân ngành lúa gạo, năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, lập kỷ lục mới trong vòng 15 năm trở lại đây. Cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam còn tiếp tục kéo dài trong năm 2024.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu; xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa gửi thông báo mời thầu cung cấp gạo với số lượng lên đến 543.000 tấn gạo trắng hạt dài 5% tấm. Nguồn cung kỳ vọng là Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Hạn chót nhận hàng vào ngày 30.1.2024.
Tính đến ngày 26.11, quốc gia này đã nhập khẩu tổng cộng 3,3 triệu tấn gạo trong hạn ngạch nhập khẩu 3,8 triệu tấn trong năm. Lượng gạo nhập khẩu trong năm 2024 tiếp tục ở mức cao, theo kế hoạch hạn mức ít nhất 2 triệu tấn.
Các quan chức phụ trách nông nghiệp và lương thực cho hay, hiện tượng thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo tại Indonesia.
Diện tích trồng lúa từ tháng 9-11.2023 đã giảm 53,61% so với năm ngoái, đạt tổng cộng 840.298ha. Trong khi đó, do biến đổi khí hậu, vụ thu hoạch lúa năm 2024 sắp tới dự kiến sẽ trễ khoảng 2 tháng so với trung bình nhiều năm, tức là sẽ diễn ra vào tháng 5-6, thay cho tháng 2-3 trước đây. Điều này cho thấy, nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia trong thời gian tới là rất lớn.
Ông Nguyễn Quang Hòa – CEO Dương Vũ Rice cho hay, nhiều nhà nhập khẩu từ Malaysia, Philippines… cũng đã sang Việt Nam đặt vấn đề nhập khẩu gạo.
“Cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam rất lớn, có thể kéo dài trong năm sau và sau nữa. Tuy nhiên, nguồn cung đang rất hạn chế” – ông Nguyễn Quang Hòa nói.
Tại Hội thảo “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới”, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng – Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) cho rằng trong thời gian tới, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn. Tuy nhiên, mức tiêu thụ dự báo vượt mức sản xuất, có thể ở mức 525 triệu tấn. Như vậy, “cung” thấp hơn “cầu” có thể khiến các nước tăng nhập khẩu gạo để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực của mỗi quốc gia.
Việt Nam có thể tăng diện tích trồng lúa để tăng nguồn cung
Chuyên gia hàng đầu về ngành lúa gạo – GS Võ Tòng Xuân – cho rằng: Việt Nam có thể tăng thêm nguồn cung lúa gạo nếu mở rộng diện tích và tăng số vụ trồng lúa từ 3 vụ hiện nay lên 4 vụ. Điều này có thể thực hiện được, bởi Việt Nam đã có giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, chất lượng tốt.
“Nếu năm 2024, nguồn cung lúa gạo vẫn ít hơn so với nhu cầu thì Việt Nam có thể nâng lên canh tác 4 vụ 1 năm với nhiều loại gạo chất lượng cao, tận dụng được cơ hội xuất khẩu.
Gạo từ Việt Nam, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn đủ để chia sẻ cho nhiều quốc gia trên thế giới” – GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, để đón cơ hội xuất khẩu rộng mở và dài lâu của ngành lúa gạo, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai nhiều đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng, trong đó có đề án “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025”; “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Ngành NNPTNT cũng đang đẩy mạnh cơ cấu lại toàn ngành, hướng tới gia tăng giá trị và phát triển bền vững, đặc biệt là ngành lúa gạo.