Thời gian gần đây, nhiều nhà băng đã công bố kế hoạch tăng vốn, ông nhận định thế nào về xu hướng này?
TS.Châu Đình Linh |
Câu chuyện tăng vốn đang ngày càng trở nên cấp thiết. Một số ngân hàng cần tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, xa hơn là lộ trình Basel III trong thời gian tới. Thực tế, hoạt động tăng vốn sẽ nâng cao khả năng tài chính của ngân hàng, từ đó mới hiện thực hoá được các chiến lược kinh doanh đề ra.
Đồng thời, với “bộ đệm vốn” dày dặn hơn, ngân hàng sẽ ít bị tổn thất khi rủi ro xảy ra. Đây là bài học được rút ra bởi rất nhiều cuộc khủng hoảng tài chính – ngân hàng trên thế giới.
Mặt khác, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” đã nêu rõ, đối với nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn, vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài thì vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tăng vốn cũng sẽ giúp ngân hàng “ghi điểm” với NHNN trong việc xét tăng trưởng tín dụng. “Lợi đơn lợi kép” như vậy nên các ngân hàng phải nhanh chóng thực hiện kế hoạch tăng vốn. Theo tôi trong năm 2023, khối NHTM Nhà nước được kỳ vọng sẽ trở thành “điểm sáng” của hoạt động tăng vốn.
Theo ông, ngân hàng lựa chọn con đường nào để tăng vốn?
Có nhiều con đường tăng vốn và lựa chọn con đường nào tuỳ vào kế hoạch của các nhà băng. Chẳng hạn, ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận giữ lại (thông qua chia cổ tức), phát hành ESOP, hay tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược hiện hữu…
Cũng có ngân hàng chọn phương án phát hành mới ra bên ngoài cho những cổ đông khác trên thị trường chứng khoán. Mỗi con đường có đặc điểm riêng khác nhau. Đơn cử như với phương thức phát hành ESOP sẽ là “một mũi tên trúng hai đích” khi vừa có thể có nguồn tài chính bổ sung vừa góp phần tăng khối đoàn kết nội bộ.
Bên cạnh đó, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” cũng nêu rõ có 1-2 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng Việt có khả năng phát hành trên thị trường chứng khoán nước ngoài, để huy động vốn ngoại tệ về Việt Nam. Ngoài ra, theo cam kết EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các TCTD nước ngoài được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của 2 NHTMCP Việt Nam.
Ảnh minh họa – (Nguồn ảnh: baotintuc.vn) |
Thời điểm hiện tại, theo tôi, các ngân hàng đa phần tăng vốn qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cũng có một số ngân hàng lớn đã gọi vốn ngoại thành công. Còn đối với phát hành mới, hiện thị trường đang có nhiều khó khăn, nên các ngân hàng cũng thận trọng, đợi tín hiệu thị trường khả quan thì phát hành thêm mới thuận lợi với giá cổ phiếu tốt hơn, thặng dư vốn sẽ cao hơn.
Cơ hội tăng vốn có dành cho tất cả các ngân hàng không, thưa ông?
Nhìn vào quá trình tăng vốn của các ngân hàng trong thời gian qua, có thể nhận thấy, không phải tất cả các nhà băng đều có thể đạt được mục tiêu tăng vốn đã đề ra. Có thể thấy, nhờ có thương hiệu tốt, chiến lược kinh doanh rõ ràng, nhiều nhà băng tăng vốn dễ dàng qua việc phát hành thêm thu hút nhà đầu tư chiến lược rất thuận lợi.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính trung bình sẽ gặp khó khăn hơn với phương án tăng vốn, nhất là cơ hội hút vốn ngoại… Một số ngân hàng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán nên có ít cơ hội lựa chọn hơn trong hoạt động tăng vốn.
Theo tôi, trong thời gian tới, hoạt động tăng vốn vẫn sẽ như giai đoạn trước là các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tăng vốn qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, hay giữ lại lợi nhuận. Những ngân hàng muốn tăng vốn như kỳ vọng cần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo dựng thương hiệu ngày càng uy tín trên thị trường để thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược.
Xin cảm ơn ông!