Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn cầu.
Tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin trong bối cảnh dịch sởi đang phức tạp
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn cầu.
Theo WHO, trong năm 2023, thế giới ghi nhận 10,3 triệu ca mắc sởi, tăng 20% so với năm 2022, trong đó có hơn 107.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận số ca mắc tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.
Các đại biểu tham dự Hội nghị phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức ngày 28/11. |
Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng phát tại 103 quốc gia, nguyên nhân chính là tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp, chỉ đạt hoặc dưới 80%, trong khi yêu cầu để ngăn ngừa dịch bùng phát là 95.
Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tình hình dịch sởi cũng đang diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm đến nay, hơn 20.000 trường hợp nghi mắc sởi đã được ghi nhận, trong đó có gần 5.000 ca dương tính và 5 ca tử vong tại TP.HCM (3 ca), Bến Tre (1 ca) và Bình Dương (1 ca). So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi tăng 52,9 lần và sởi dương tính tăng 111 lần.
Những địa phương có số ca nghi sởi và dương tính cao bao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ 1/9 đến 19/11/2024 đã ghi nhận 195 ca dương tính, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm vắc-xin) chiếm hơn 31% và trẻ trên 9 tháng tuổi nhưng chưa tiêm vắc-xin chiếm 40%.
Trước nguy cơ bùng phát dịch, tiêm chủng vắc-xin được xem là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella trên diện rộng tại 31 tỉnh, thành với 376 quận, huyện tham gia. Chiến dịch nhắm vào các đối tượng: Trẻ em từ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ cao, ưu tiên trẻ 1-5 tuổi. Nhân viên y tế tại các cơ sở y tế.
Tính đến nay, chiến dịch đã đạt những kết quả quan trọng như 30 tỉnh, thành đã tiêm được hơn 742.653 liều trong số 912.027 đối tượng (đạt 81,4%) từ nguồn vắc-xin viện trợ của WHO.
Riêng TP.HCM đã sử dụng 300.000 liều vắc-xin do địa phương tự mua, tiêm đủ cho 230.292 người, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, đã tiêm cho 48.322 trẻ từ 1-5 tuổi, 149.099 trẻ từ 6-10 tuổi và 32.871 nhân viên y tế cùng các nhóm nguy cơ khác.
Bộ Y tế đã phân bổ tổng cộng 1.134.000 liều vắc-xin sởi – rubella từ nguồn viện trợ của WHO cho 30 tỉnh, thành.
Riêng TP.HCM sử dụng nguồn vắc-xin tự mua. Một số tỉnh như Khánh Hòa, Quảng Nam, Ninh Thuận và Bình Thuận đang cần bổ sung khoảng 56.189 liều và Bộ Y tế đã đề xuất WHO hỗ trợ thêm 60.000 liều.
Thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ.
Tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá tiến độ chiến dịch. Bảo đảm an toàn tiêm chủng và hiệu quả sử dụng vắc-xin.
Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, về tầm quan trọng của tiêm chủng. Đồng thời, tăng cường năng lực giám sát, điều trị tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế tối đa số ca chuyển nặng và tử vong do dịch sởi.
Nguồn: https://baodautu.vn/tang-ty-le-tiem-chung-vac-xin-trong-boi-canh-dich-soi-dang-phuc-tap-d231231.html