(MPI) – Tăng trưởng xanh được xác định là một định hướng hết sức quan trọng cho tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong những năm tiếp theo; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành hoặc lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của mình. Điều đó cho thấy, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một định hướng rất quan trọng cho kinh tế – xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Tất cả các bên liên quan đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh của nền kinh tế quốc gia.
Ông Lê Việt Anh tham dự Tọa đàm. Ảnh: VGP |
Chia sẻ tại Tọa đàm: “Tăng trưởng xanh – Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu” diễn ra vào chiều ngày 28/11/2024, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cho các bên tham gia, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong đó, đối với khối doanh nghiệp, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cũng đã đề ra hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp trong tiến trình tăng trưởng xanh. Cụ thể, đối với các biện pháp ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh, chúng ta xác định được ngay loại ưu đãi doanh nghiệp.
Thứ nhất là, ưu đãi tài chính, thứ hai là ưu đãi phi tài chính. Các ưu đãi về tài chính đã được thể hiện rất rõ trong Nghị định của Chính phủ, quy định của các bộ, ngành liên quan đến thuế, liên quan đến tiếp cận tài chính, liên quan đến lãi suất và liên quan đến tất cả các nội dung có thể phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Các cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính đối với các doanh nghiệp rất rõ ràng, nằm trong các cơ chế, chính sách cụ thể mà các bộ, ngành đã ban hành. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành những chính sách phi tài chính cho doanh nghiệp. Theo đó các doanh nghiệp có cam kết về tiến trình tăng trưởng xanh sẽ được xem xét, phê duyệt để có quy trình thủ tục đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất.
Theo ông Lê Việt Anh, khi doanh nghiệp muốn hưởng các ưu đãi đối với tiến trình tăng trưởng xanh thì cũng phải đáp ứng các yêu cầu, các tiêu chí, nguyên tắc để được hưởng ưu đãi; phải đáp ứng được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra cho tiến trình tăng trưởng xanh. Những quy định này trong thời gian vừa qua các bộ, ngành cũng như Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ chính sách dành cho doanh nghiệp.
Khuôn khổ chính sách dành cho tăng trưởng xanh ngày càng rõ ràng hơn, minh bạch và cụ thể hơn để doanh nghiệp hiểu và áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chính sách về tăng trưởng xanh cũng còn nhiều điểm cần tiếp tục hoàn thiện, dư địa dành cho nội dung hoàn thiện này còn rất lớn.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc đầu tiên cần triển khai thời gian tiếp theo là phải có hệ thống phân loại xanh quốc gia rất rõ ràng, cụ thể. Việc này Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan sẽ ban hành hệ thống xanh quốc gia.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành hệ thống ngành xanh quốc gia. Khi hệ thống này được ban hành, chúng ta sẽ xác định được rõ doanh nghiệp nào, dự án đầu tư nào được hưởng các ưu đãi về cơ chế, chính sách dành cho tăng trưởng xanh.
Sau khi hệ thống này được ban hành sẽ có hàng loạt cơ chế chính sách ưu đãi kèm theo rõ ràng dành cho doanh nghiệp. Tất nhiên tiến trình như vậy sẽ yêu cầu khối lượng thời gian không nhỏ. Do đó, Chính phủ cũng cho phép áp dụng cơ chế thí điểm liên quan đến tăng trưởng xanh và nội dung cụ thể này trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu để kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng những cơ chế ưu đãi đặc thù dành cho các dự án đầu tư cũng như các doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh.
Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, các chủ thể liên quan và đặc biệt là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, một vấn đề trong thời gian gần đây được đề cập rất rõ nét và được nhấn mạnh trong các diễn đàn khác nhau về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Ông Lê Việt Anh đã chia sẻ về những nguyên nhân và những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình thúc đẩy đầu tư nhiều hơn nữa vào phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; cho rằng, trong thời gian vừa qua, tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh còn gặp rất nhiều rào cản và thách thức. Nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh cũng cần phải củng cố trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu kỹ hơn về các chính sách mà Nhà nước đang dành ưu đãi về phát triển và tăng trưởng xanh.
Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xác định hệ thống, cơ chế chính sách nhằm ưu đãi cho những doanh nghiệp làm ăn đúng đắn và có chế tài áp dụng cho những doanh nghiệp làm ăn chưa đúng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều ngành và lĩnh vực để không bỏ sót những doanh nghiệp xứng đáng được hưởng ưu đãi cũng như không bỏ sót doanh nghiệp phải chịu chế tài khắt khe của hệ thống chính sách pháp luật.
Trong tiến trình tăng trưởng xanh, ngoài vai trò hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước thông qua cơ chế chính sách thì tính chủ động nắm bắt và vươn lên của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Đối với nội dung này, phía cơ quan nhà nước xác định rõ những nội dung sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Theo đó, về cơ chế chính sách, Chính phủ và các cơ quan ban ngành phải nhanh chóng, kịp thời ban hành đầy đủ để hỗ trợ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; phải huy động đủ nguồn lực tài chính để các tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đủ nguồn lực để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp; tăng cường nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân, bởi khi người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường thì sẽ tạo ra động lực rất mạnh để doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh của mình.
Theo ông Lê Việt Anh, một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong thời gian tới là xây dựng khung khổ pháp lý dành cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Đồng thời nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh mong nhận được ý kiến tham gia đầy đủ của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp để ban hành hệ thống phân loại xanh và hệ thống ngành kinh tế xanh chuẩn mực nhất, phù hợp nhất với tiến trình của quốc gia cũng như cam kết toàn cầu. Điều này sẽ tạo ra được cơ chế, chính sách phù hợp và rõ ràng nhất đối với các doanh nghiệp, để doanh nghiệp biết mình cần phải đáp ứng điều kiện gì và sẽ được những ưu đãi, khuyến khích gì trong cơ chế chính sách quốc gia.
Tại Tọa đàm, đại diện các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã có những trao đổi, chia sẻ về các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với doanh nghiệp đầu tư xanh; chính sách để thu hút đầu tư trong và ngoài nước cũng như những bài học hay, kinh nghiệm và các nhiệm vụ trọng tâm tập trung triển khai thực hiện cho thu hút các dự án xanh thời gian tới; sáng kiến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà doanh nghiệp đã và đang triển khai ở các nước nói chung và ở Việt Nam nói riêng; sự đồng hành đối với doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực xanh; chuẩn bị và sẵn sàng để đón những nhà đầu tư lớn cho tăng trưởng xanh và bền vững; những giải pháp để thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước chủ động, mạnh dạn đầu tư vào các dự án xanh, bền vững;…
Qua các ý kiến cho thấy, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế toàn cầu và là sự lựa chọn tất yếu của các quốc gia nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trên hành trình phát triển bền vững. Các khuyến nghị, đề xuất có ý nghĩa thiết thực để các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho tăng trưởng và phát triển xanh, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển xanh nhằm hiện thực hóa mục tiêu Netzero vào năm 2050./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-29/Tang-truong-xanh-dinh-huong-quan-trong-cho-tien-tr200occ.aspx