Tại họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023 chiều 31/3, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 2,06% so với cuối năm 2022 và tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022.
Mức tăng trưởng tín dụng kể trên đồng nghĩa với việc các ngân hàng đã giải ngân cho vay ròng ra nền kinh tế hơn 245.600 tỷ đồng trong ba tháng gần nhất, tương đương bình quân gần 81.900 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, nếu so với quý I/2022, mức tăng trưởng tín dụng trong quý đầu năm nay đã giảm hơn một nửa.
Ông đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm nay không cao so với cùng kỳ năm ngoái, xuất phát từ tình hình khó khăn tại nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại. Ngoài ra, nguyên nhân khách quan là giai đoạn đầu năm, một số dự giải ngân bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Thông thường tăng trưởng tín dụng đầu năm đều thấp hơn so với các quý khác, nhưng mức tăng trưởng không đạt kỳ vọng trong quý I cũng là yếu tố để đánh giá những khó khăn của các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế hiện nay.
“Tình hình tăng trưởng tín dụng hiện tại không bị ảnh hưởng bởi room tín dụng mà chủ yếu đến từ nhu cầu vốn của các doanh nghiệp”, ông Tú nhấn mạnh.
Dù tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng trong 3 tháng đầu năm, nhưng ông Tú cho rằng, mức tăng tín dụng cả năm vẫn sẽ ước tính khoảng 14-15% như mục tiêu đã đề ra.
Trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định lãi suất thị trường trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, áp lực lạm phát trong nước gia tăng.
Đánh giá về những biến động trên thị trường tiền tệ thế giới, Phó Thống đốc cho biết xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ và các nền kinh tế lớn tiếp tục tác động đến chính sách tiền tệ Việt Nam quý I.
Bên cạnh đó, những khó khăn của các nền kinh tế có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam, một số ngân hàng của Mỹ phá sản… cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách điều hành vĩ mô.
Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, thị trường quốc tế đang có những biến động, dẫn đến nhiều Ngân hàng Trung ương lớn đảo chiều chính sách nhanh chóng.
Vừa qua, một số ngân hàng Mỹ rơi vào khủng hoảng và phải đóng cửa, ngoài ra một số ngân hàng lớn tại châu Âu cũng lâm vào khó khăn. Giới chức Mỹ và châu Âu đã có giải pháp xử lý nhanh chóng để ổn định lại thị trường nên sự lan toả khủng hoảng đã được kiểm soát.
Ông Quang khẳng định, những vụ sụp đổ ngân hàng nước ngoài không có tác động trọng yếu tới thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách tiền tệ của nhiều Ngân hàng Trung ương lớn có ảnh hưởng phần nào tới Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động giảm lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Điều này thể hiện sự tự tin của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giảm lãi suất điều hành cũng là cơ sở để định hướng giảm lãi suất cho vay trên thị trường.
Dưới các tác động này, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì quan điểm điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung kiểm soát lạm phát, tỉ giá.
Về lãi suất, định hướng từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước là khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để có nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong quý I, các ngân hàng thương mại đã tích cực giảm lãi suất đối với cả tiền gửi và tiền vay.
Theo đó, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn 6 đến 12 tháng kể từ ngày 6/3/2023.
Trên cơ sở đó, ngân hàng thương mại có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
Trong tháng 2, cơ quan quản lý tiền tệ đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và tiếp tục chỉ đạo hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngoài ra, trong điều hành tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.