Lập tổ chỉ huy tiền phương, tăng cường nhân vật lực, trang thiết bị chuyên dụng, dồn lực thi công ngày đêm… là loạt giải pháp đang được Bộ GTVT và chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai để khắc phục sớm nhất các điểm sạt lở qua đèo Cả, cố gắng thông hầm đường sắt vào ngày 22/4.
“Dưới đánh lên, trên khoan xuống”
Chiều muộn, vừa lót dạ hộp cơm bụi, anh Nguyễn Văn Quảng, Chỉ huy trưởng Công ty CP Sông Đà 10 lau vội mồ hôi, đi vào cửa phía Nam hầm Bãi Gió (hầm đường sắt Bắc – Nam qua đèo Cả, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Nhiệm vụ của anh là trực tiếp bám mũi thi công khoan neo, phun, dựng khung thép.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với tổ công tác hiện trường, các cơ quan, đơn vị, hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa trong sáng 16/4 bàn phương án nhằm khắc phục sự cố sụt hầm đường sắt Bãi Gió. Ảnh: Tạ Hải.
Bên tiếng máy rền vang cùng khói bụi, công nhân lái máy khoan hầm Nguyễn Văn Cường (52 tuổi, Công ty CP Sông Đà 10) vừa điều khiển thiết bị chuyên dụng, vừa ra hiệu bằng tay cho các bộ phận chỉ huy. “Khói bụi đến mờ mắt, rất khó nhìn và nghe rõ tiếng của nhau. Chúng tôi không thể mở lỗ thông gió như các hầm khác để rút ngắn thời gian thi công”, anh Quảng nói.
Dưới ánh đèn điện vàng vọt, không khí trong hầm nóng nực, thỉnh thoảng vang tiếng khoan chát chúa của những mũi khoan đụng lớp đá cứng nhưng không làm các kỹ sư, công nhân chùn bước. Thuần thục điều khiển máy khoan 3 mũi chuyên dụng như chiếc đinh ba cắm vào vách đá, ông Cường phối hợp nhịp nhàng với các bộ phận căn chỉnh, ra hiệu điều chỉnh mũi khoan đến những vị trí phù hợp.
Nhiều ngày nay, hơn 100 cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng dàn thiết bị chuyên dụng của Công ty CP Sông Đà 10 được tăng cường từ mũi thi công hầm Sơn Triệu (gói thầu XL11, cao tốc Quy Nhơn – Chí Thạnh) ra tăng cường khắc phục sạt lở hầm Bãi Gió. Mỗi ngày tại công trường, ba mũi thi công được các nhà thầu tập trung tối đa như dàn trận “dưới đánh lên trên khoan xuống”.
Thi công xuyên đêm
Ghi nhận của PV, có hàng trăm công nhân, kỹ sư hối hả thực hiện công tác khoan neo, dựng khung tăng kết cấu vỏ hầm và các mũi khoan từ phía đỉnh xuống vị trí sụt với khoảng cách hơn 23m để bơm bê tông gia cố.
Trước đó, tại cuộc họp bàn phương án khắc phục sự cố sụt hầm đường sắt Bãi Gió, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chỉ đạo lập tổ chỉ huy tiền phương do lãnh đạo Ban quản lý dự án 85 làm tổ trưởng, Tổ công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT làm tổ trưởng. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu triển khai nguyên tắc “4 tại chỗ” theo tình huống khẩn cấp. Đồng thời đảm bảo 5 yêu cầu: Thông tuyến sớm nhất; huy động lực lượng nhanh nhất; giải pháp sáng tạo nhất; an toàn tuyệt đối cho cán bộ, kĩ sư, công nhân tham gia khắc phục; các đơn vị tập trung nguồn lực cao nhất thi công 24/24h theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chiều muộn, tại khu vực phía Bắc hầm, việc thi công vẫn diễn ra khẩn trương. Cách cửa hầm chừng 100m, khối đất đá sạt lở khiến hầm như bị bịt kín. Hàng chục công nhân của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 đang thi công lắp đặt khung giá đỡ. Không khí nóng nực khiến nhiều người ngộp thở. Bên ngoài, chiếc máy xúc được bố trí để san gạt tạo mặt bằng lắp khung thép chữ A sẵn sàng đỡ trợ lực cho vỏ hầm.
Ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban quản lý dự án 85, Tổ trưởng tổ chỉ huy tiền phương cho hay, những ngày qua, đơn vị đã điều lực lượng thi công chuyên nghiệp cùng loạt giải pháp mới thay cho những tính toán ban đầu.
Theo đó, thiết bị chuyên dụng cùng lực lượng thiện chiến của Sông Đà 10 được biệt phái vào công trường, thiết lập các mũi thi công và tiến hành phun bê tông cứng hóa các vị trí sạt lở cả bên trên và bên dưới. “Giải pháp mới này có ưu điểm là trị dứt điểm các vị trí sạt lở và nguy cơ sạt lở cao”, ông Hoài nói.
Những ngày qua, công trường gần như không ngủ, thi công xuyên đêm, đồng thời tổ chức họp bàn, kiểm đếm tiến độ thường xuyên. Đến nay, sau khi phát sinh hiện tượng tái sạt lở, các đơn vị chức năng của Bộ GTVT, ngành đường sắt, Ban quản lý dự án 85, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đã tăng cường loạt giải pháp mới, đang mang lại hiệu quả tích cực.
Nỗ lực thông tuyến sớm nhất
Trưa 18/4, tổ chỉ huy tiền phương họp ngay trên công trường. Theo báo cáo, các mũi đã huy động 8 đầu thiết bị chuyên dụng, tổ chức phun vẩy bê tông được gần 30m3, chế tạo 60 neo tạo ô, hoàn thiện 36 bộ khung chống loại A…
Các mũi thi công của nhà thầu Sông Đà 10 được điều động để tăng tốc xử lý sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió. Ảnh: Cao Sơn.
Dù công tác khoan neo tạo ô đạt 37 lỗ khoan, cắm 29 neo tạo ô, nhưng theo nhà thầu, công tác này đang gặp khó do địa chất phần sụt trượt sau vỏ hầm rời rạc làm kẹt cần khoan trong quá trình thực hiện. Vì thế, nhà thầu được yêu cầu tăng cường giải pháp, thay đổi vị trí lỗ khoan nhiều lần để tránh bị kẹt khoan, ảnh hưởng tiến độ.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoài, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, tổ chỉ huy tiền phương được thiết lập tại công trường, họp kiểm đếm tiến độ hằng ngày, hàng giờ và báo cáo với Tổ công tác Bộ GTVT 2 buổi/ngày để kịp thời tháo gỡ, xử lý phát sinh. Đến nay, những đường găng kỹ thuật cơ bản được xử lý, tiến độ đang trong tầm kiểm soát, phấn đấu thông hầm vào ngày 22/4.
Hầm Bãi Gió có chiều dài 393,72m, là công trình hầm đường sắt cấp II, đang được thi công kiên cố hóa, nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, do Ban quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư.
Khoảng 12h45 ngày 12/4, trong thời gian phong tỏa để tiến hành thi công tại Km 1231+089.48 – Km 1231+090.73 đã xảy ra sụt lở địa tầng yếu trên vòm hầm, khối lượng đất đá rơi xuống khoảng 150m3 làm gián đoạn chạy tàu đường sắt; không có thiệt hại về người và thiết bị thi công.
Ngay khi xảy ra sự cố, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo các lực lượng khẩn trương khắc phục. Thủ tướng có công điện số 37, trong đó giao Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo huy động tối đa tất cả các nguồn lực để thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh việc khắc phục, xử lý sạt lở thông hầm, ngành giao thông đã trung chuyển hành khách đường sắt bằng đường bộ qua khu gian Hảo Sơn – Đại Lãnh, điều tiết phân luồng ô tô qua đèo Cả.
Theo Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang, đến ngày 18/4, đơn vị đã hỗ trợ trung chuyển gần 21.000 hành khách trên 73 đoàn tàu qua đường bộ để tiếp tục hành trình.