Tiếp đà 2023, hàng loạt tuyến cao tốc, quốc lộ, đường cửa ngõ xương sống nối các địa phương trên cả nước sẽ tiếp tục được khởi công, hoàn thành trong năm 2024.
Cao tốc bứt tốc
Sáng ngày đầu tiên của năm mới (1.1), Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Công trình có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (H.Văn Lãng, Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo (H.Quảng Hòa, Cao Bằng).
Với tổng mức đầu tư hơn 14.330 tỉ đồng, đây là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư tại Cao Bằng – nơi có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 333 km, nhưng chưa có đường sắt, sân bay.
Theo ông Trần Hồng Minh – Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh hoàn thành sẽ thúc đẩy giao thương, du lịch liên vùng, liên quốc gia, đưa Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững, củng cố quốc phòng – an ninh, kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới, các trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa quốc tế.
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cũng là một trong 14 dự án đường bộ cao tốc mà ngành giao thông đang ráo riết hoàn thành thủ tục để khởi công trong năm nay, nối tiếp thành quả của mạng lưới cao tốc Bắc – Nam trong năm 2023. Bộ GTVT cho biết trong năm 2024 Bộ sẽ khởi công xây dựng 3 dự án cao tốc là Dầu Giây – Tân Phú, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, Chợ Mới – Bắc Kạn. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản, gồm: Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Lạng Sơn – Cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình, Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình, Gia Nghĩa – Chơn Thành, TP.HCM – Chơn Thành, TP.HCM – Mộc Bài, Hoà Bình – Mộc Châu và Vành đai 4 TP.HCM.
Năm 2024 cũng là “đích” mà các dự án thành phần đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 1 đang phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác. Dự kiến, chỉ còn vài tháng nữa, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ kết nối đoạn Nha Trang – Cam Lâm với Vĩnh Hảo – Phan Thiết nối mạch thông suốt, rút ngắn hành trình từ TP.HCM đi Nha Trang chỉ còn 4 – 5 giờ đồng hồ.
Tương tự, đầu phía bắc, cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt cũng là mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện bức tranh mạnh lưới 221 km từ Cao Bồ – Mai Sơn – Quốc lộ 45 – Nghi Sơn – Diễn Châu – Bãi Vọt để kết nối với 2 tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ – Ninh Bình, rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Hà Tĩnh còn khoảng 4 giờ 30 phút, thay vì 7 – 8 giờ như trước đây.
Mở cửa ngõ, khép vành đai
Song hành với các tuyến đường bộ cao tốc, nhiều đoạn tuyến mới trên cung đường Hồ Chí Minh cũng được Bộ GTVT tiếp tục đầu tư xây dựng ngay trong năm nay. Đơn cử, sau khi dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn (dài gần 29 km) được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư và phê duyệt kế hoạch đấu thầu một số gói thầu, các đơn vị đang triển khai công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lựa chọn nhà thầu, phấn đấu khởi công dự án ngay trong quý 1 này. Sau Tết Nguyên đán cũng là thời điểm dự kiến khởi công đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận. Công tác thiết kế kỹ thuật và dự toán của 2 dự án đã được hoàn thành, đang tiến hành lựa chọn nhà thầu thi công…
Trong khi đó, tại các địa phương, hệ thống đường vành đai, quốc lộ, cửa ngõ cũng đang dồn dập được đầu tư mở rộng, sẵn sàng kết nối với mạng lưới cao tốc. Điển hình tại TP.HCM, người dân phía nam TP đang trông ngóng từng ngày tới tháng 6 để giải phóng một phần nút giao “nhức nhối” Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ. Kế hoạch của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP là đoạn lô cốt hơn 200 m từ đoạn đầu nút giao kéo về phía Phú Mỹ Hưng hướng đi Q.7 (TP.HCM) sẽ được tháo dỡ vào tháng 6, sau đó hoàn thiện toàn bộ dự án, gỡ cả phần 300 m rào chắn hướng còn lại vào cuối năm 2024. Sau khi hoàn thành, công trình hơn 830 tỉ đồng này mở đường kết nối dòng xe từ trung tâm TP.HCM tới đường Vành đai 2 – vừa được thông qua chủ trương – để khép kín các đoạn còn lại.
Khu vực cửa ngõ sân bay, đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (Q.Tân Bình) cũng đang nỗ lực tăng tốc, hoàn thành trong năm nay để kịp đón nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Trong khi ở phía đông, cầu Nam Lý (TP.Thủ Đức) đã đi tới giai đoạn cuối cùng, dự kiến thông xe trong năm nay, kết thúc gần 1 thập niên gian truân kể từ khi khởi công vào năm 2016, có giai đoạn “đắp chiếu” tới 4 năm chờ mặt bằng. Cây cầu gần 1.000 tỉ này sau khi hoàn thành sẽ tăng khả năng kết nối xa lộ Hà Nội với cao tốc TP.HCM – Dầu Giây, góp phần giảm kẹt xe tuyến đường Đỗ Xuân Hợp vào giờ cao điểm.
Ngay sát TP.HCM, tỉnh Bình Dương cũng đang đẩy nhanh tiến độ 2 dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 và xây dựng đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng. Hai dự án lớn này dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024, kết nối 3 huyện phía bắc của Bình Dương và mở rộng đường kết nối giao thương với TP.HCM.
Trong công điện vừa gửi các Bộ GTVT, Tài chính, KH-ĐT…, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần của ngành giao thông khi ngay trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024, trên các công trình giao thông trọng điểm khắp các miền đất nước, cán bộ, công nhân viên và người lao động của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn vẫn hăng say làm việc. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tiếp đà từ 2023, tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong năm mới 2024.
Một trong 3 khâu đột phá
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng. Đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó. Đường đi đến đâu, người dân thuận lợi đến đó. Đường đi đến đâu khu công nghiệp, nông thôn phát triển theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thanhnien.vn