Châu Âu vừa thành lập Viện Lượng tử mở với mục tiêu tận dụng sức mạnh đang nổi lên của máy tính lượng tử để phục vụ lợi ích chung. Bước đi này nhận được nhiều đánh giá tích cực trong bối cảnh lục địa già đang tăng tốc trong cuộc đua phát triển công nghệ lượng tử.
Lễ ra mắt diễn ra tại Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Viện Lượng tử mở cũng sẽ đặt cơ sở tại CERN trong thời gian thí điểm 3 năm. Dự kiến, viện sẽ phát triển các ứng dụng công nghệ có thể giúp thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) dễ dàng hơn. Ví dụ, các mô phỏng và tính toán nhờ điện toán lượng tử có thể giúp xác định cách giảm thiểu khí thải CO2 trong khí quyển để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Điện toán lượng tử cũng có thể dự báo các dạng kháng thuốc kháng sinh hay xác định các hợp chất hóa học mới hiệu quả hơn chống lại các vi khuẩn gây chết người.
Ước tính, khoảng 1 thập niên nữa mới có những chiếc máy tính lượng tử thương mại đầu tiên và công nghệ này dự kiến chưa thể phát triển hoàn chỉnh trước năm 2050
Ông Peter Brabeck-Latmathe, Chủ tịch Quỹ Dự báo Khoa học và Ngoại giao Geneva (GESDA), đơn vị thành lập dự án Viện Lượng tử mở, nhận định công nghệ lượng tử tương lai dự kiến sẽ mạnh hơn từ 1.000-10.000 lần so với công nghệ điện toán ngày nay. Nhằm đẩy nhanh việc tìm kiếm các ứng dụng tốt nhất, GESDA đã hợp tác với Google và Tập đoàn công nghệ phi lợi nhuận Xprize phát động cuộc thi đóng góp đề xuất của các nhà nghiên cứu khắp nơi. Cuộc thi kéo dài 3 năm với giải thưởng dành cho chủ nhân có dự án tốt nhất là 5 triệu USD.
Giám đốc CERN Fabiola Gianotti cũng cho rằng, tổ chức nghiên cứu hạt nhân này là cơ sở lý tưởng để Viện Lượng tử mở có thể tận dụng kinh nghiệm lâu năm trong việc sử dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vì lợi ích của xã hội. Trong khi đó, chuyên gia Ozge Aydogan, thuộc phòng thí nghiệm SDG của LHQ, nhấn mạnh điều quan trọng là phải đánh giá về tính hai mặt của công nghệ, đây có thể là tài sản cho tương lai nhưng cũng có thể là rủi ro lớn.
Theo giới quan sát, sự tăng tốc của châu Âu trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ lượng tử là điều tất yếu, nhất là trong bối cảnh khoa học – công nghệ có vai trò quan trọng trong định hình cấu trúc kinh tế, thay đổi cán cân quyền lực quốc gia. Với bước đi mới này, châu Âu cho thấy đang tiếp tục chuyển mình trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược, quyết tâm củng cố và nâng tầm sức mạnh của khu vực. Đến nay, đã có hơn 20 quốc gia có sáng kiến hoặc chiến lược quốc gia liên quan đến công nghệ lượng tử. Liên minh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia đều đã đặt ra hàng loạt chương trình nghiên cứu, phát triển khoa học – công nghệ lượng tử để đón đầu xu thế.
Cùng với những tiến bộ không ngừng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, internet vạn vật (IoT) và công nghệ nano, công nghệ lượng tử được dự báo tiếp tục đẩy nhanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dù trong lĩnh vực quân sự hay dân sự, công nghệ lượng tử đã cho thấy những triển vọng ứng dụng lớn. Đối với những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này, tác động sẽ sâu rộng và đáng kể khi có thể kích thích sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, mang lại lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia.
PHƯƠNG NAM