Cô Trần Thị Hải Yến – hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) – cho biết theo kế hoạch học sinh lớp 12 đã kết thúc đợt ôn tập chuẩn bị cho thi tốt nghiệp THPT nhưng hiện vẫn còn một số học sinh đăng ký học theo nhu cầu.
Ôn luyện, không chủ quan
“Đây là những học sinh đặt mục tiêu đạt điểm cao ở kỳ thi để sử dụng kết quả xét tuyển đại học. Các em muốn luyện thêm phần nâng cao. Ngoài ra, cũng có nhiều học sinh đã ngừng ôn tập theo lớp nhưng vẫn đến trường để tự học. Nhà trường tạo điều kiện cho các em vào lớp có quạt mát để ôn tập” – cô Yến cho biết.
Đức Anh, học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), cho biết em có nguyện vọng vào Trường ĐH Y Hà Nội và đang đặt mục tiêu đạt điểm thi tốt nghiệp cao để sử dụng xét tuyển vào trường. Đức Anh chia sẻ mặc dù thi khối B nhưng em lại không tập trung ôn sinh vào những ngày cuối mà lo học toán với văn.
Theo thí sinh này, môn toán là môn dùng điểm xét tuyển nhưng bạn mới chỉ tự tin các dạng rất căn bản. Trong khi đó, bạn cần điểm cao để xét tuyển nên tập trung luyện các dạng khó hơn, tương tự như trong đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT. Còn môn văn là môn Đức Anh thấy “mông lung” nên cần ôn để đảm bảo đạt điểm trung bình trở lên.
Một học sinh nữ cùng ngồi trong lớp “tự học” với Đức Anh cho biết giờ em mới có thời gian ôn các môn của bài thi tổ hợp khoa học xã hội. Thời gian trước vì phải ôn để thi IELTS, thi hai đợt đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức nên em bị phân tán. Các môn toán, văn, Anh tương đối ổn nhưng các môn của bài thi tổ hợp em chưa ôn tập gì.
“Tuy điểm bài thi này không dùng để xét tuyển, bản thân em cũng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào hai trường nhưng em vẫn không dám chủ quan, sợ bài thi tổ hợp bị điểm liệt. Em cũng cố gắng hết sức để có kết quả thi tốt, biết đâu có thêm lựa chọn tốt hơn khi xét tuyển đại học”, nữ sinh này cho biết.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) – cho biết khi kết thúc năm học nhiều học sinh đã ngừng đến các lớp ôn tập mà tự học, tự ôn tập tại nhà. Do phải thực hiện nhiệm vụ của ngành nên nhà trường không tổ chức ôn tập tại trường.
Trường THCS Chu Văn An đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất để ban đại diện cha mẹ học sinh một số lớp cùng phối hợp tổ chức ôn tập cho học sinh theo hình thức tự nguyện. Vì thế hình thành các lớp ôn tập được ghép học sinh của nhiều lớp, đáp ứng nguyện vọng ôn tập theo môn của học sinh.
Chung tay hỗ trợ học sinh vùng khó khăn
Tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, để hỗ trợ những học sinh ở khu vực khó khăn, sở GD-ĐT huy động giáo viên vùng thuận lợi lên vùng khó để dạy kèm cho học sinh tháng cuối cùng trước kỳ thi.
Bà Tô Thị Thảo – phó giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái – cho biết: Ngay sau khi kết thúc năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường THPT ở vùng thuận lợi cử giáo viên các môn toán, văn, ngoại ngữ lên các điểm trường vùng cao để phụ đạo cho học sinh khó khăn. Việc hỗ trợ này vừa trực tiếp giúp học sinh bù đắp kiến thức bị hổng, vừa giúp đỡ giáo viên tại chỗ cập nhật phương pháp dạy học, ôn tập hiệu quả cho học sinh.
Hơn 700 tiết dạy miễn phí trong tháng 6 là con số thể hiện cố gắng của giáo viên ở Yên Bái. Bà Thảo cũng cho biết Yên Bái cũng nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của ngành giáo dục Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng.
Học sinh Yên Bái được Sở GD-ĐT Hà Nội cấp đường link để vào app ôn tập với nội dung bài giảng do giáo viên Hà Nội biên soạn. Các em cũng được luyện tập tiếng Anh trực tuyến với giáo viên ở Hải Phòng, Nam Định.
Tại Lào Cai, theo bà Giàng Thị Dung – phó chủ tịch UBND tỉnh, việc hỗ trợ học sinh vùng khó khăn là một nhiệm vụ quan trọng. Trong đó có việc hỗ trợ ôn tập, hỗ trợ để các em đến điểm thi an toàn, đảm bảo sức khỏe.
Trong tháng 6, Lào Cai cũng cử nhiều giáo viên vùng thuận lợi đến phụ đạo cho học sinh ở các vùng khó. Các thầy cô chủ yếu hỗ trợ học sinh ôn kiến thức cơ bản, cung cấp tài liệu ôn tập và tập cho các em kỹ năng làm đề thi để có thể đạt điểm ở phần cơ bản.
Tại Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An), học sinh lớp 12 cũng được giáo viên ở các huyện thuận lợi hơn đến dạy miễn phí trong những ngày này theo tinh thần được Sở GD-ĐT kêu gọi là “phòng giúp phòng, trường giúp trường”.
Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, có hàng trăm tiết dạy miễn phí như vậy cho học sinh vùng khó đã thực hiện trong tháng 6 này. Trong số các em ở vùng khó được các thầy cô vùng thuận lợi kèm dạy, có những em chỉ đặt mục tiêu đỗ tốt nghiệp nhưng có em mong muốn đỗ đại học.
Ôn thi tốt nghiệp qua app, truyền hình
Tại Hà Nội, để hỗ trợ học sinh lớp 12 ôn tập, Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì tổ chức loạt bài dạy ôn tập trên sóng đài truyền hình và trên app ôn tập để 100% học sinh có thể truy cập, theo dõi. App ôn tập này cũng được chia sẻ với một số địa phương khác có thể ôn tập.
Chăm lo cho thí sinh từ những việc nhỏ
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết qua các đợt kiểm tra của bộ ở một số địa phương cho thấy một trong những việc các địa phương, nhà trường đã làm rất tốt là hỗ trợ thí sinh.
Không chỉ hỗ trợ các em về ôn tập, củng cố kiến thức để đạt kết quả mong muốn trong kỳ thi, mà sự chăm lo còn từ những việc nhỏ như thu thập số điện thoại của nhiều người trong gia đình thí sinh để trong trường hợp thí sinh đến muộn sẽ có phương án đưa đón hay nắm rõ từng thí sinh nhà xa để hỗ trợ đưa đón tới điểm thi.
Đặc biệt với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh yếu thế các địa phương đều có phương án hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần để các em yên tâm tham gia kỳ thi.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tang-toc-on-thi-tot-nghiep-thpt-tu-tren-lop-toi-app-truyen-hinh-20240625003000219.htm