Dù Việt Nam đã là nước đang phát triển, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà các đối tác phát triển dành cho không còn lớn, song trong bối cảnh nguồn lực trong nước có hạn và Chính phủ đang muốn đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc tăng trưởng kinh tế, thì cần thiết phải đưa nhanh vốn ODA vào thực hiện.
Thực tế, những năm gần đây, giải ngân vốn ODA đều ở mức thấp. Thậm chí, chuyện các bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn vì không thể giải ngân hết thường xuất phát từ việc “khó tiêu” vốn ODA.
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi Việt Nam đã ký cho giai đoạn 2021-2023 đạt khoảng 3,35 tỷ USD. Thực ra, đây vẫn là nguồn lực không hề nhỏ, nếu được đưa vào triển khai sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển giai đoạn sau.
Nhưng thực tế, giải ngân vốn ODA luôn chậm. Một ví dụ, đó là trong tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài được Quốc hội quyết nghị cấp phát năm 2023 là 29.000 tỷ đồng, thì tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 50,9% kế hoạch giao.
Năm 2022, tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn nhiều, chỉ đạt hơn 26%. Năm 2024, kế hoạch vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng, nhưng ước tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 29/2 mới đạt 1,42%.
Giải ngân vốn ODA chậm không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ nói chung, mà còn bỏ phí một nguồn lực quan trọng, trong khi lãi vay vẫn phải trả, hiệu quả sử dụng vốn thấp, thậm chí, còn dẫn tới các hệ lụy như bị nhà tài trợ rút vốn, dự án bị đội vốn, khó có khả năng triển khai tiếp…
Có rất nhiều lý do lý giải vì sao, giải ngân vốn ODA chậm. Đó là do vướng mắc trong đàm phán, ký kết hiệp định vay; sự khác biệt về chính sách, quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ; công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án và tiến hành thủ tục không bảo đảm yêu cầu về chất lượng và thời hạn. Đó là vướng mắc trong lập và giao kế hoạch; vướng mắc về đấu thầu; vướng mắc về giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng. Đó còn là vướng mắc về thủ tục giải ngân và thanh quyết toán…
Trong đó, câu chuyện về sự khác biệt trong quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ đã được nhắc đến rất nhiều và từ lâu. Vậy nhưng cho đến nay, tình hình vẫn chưa được giải quyết dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất nỗ lực trong trao đổi định kỳ với các đối tác phát triển, đặc biệt là nhóm 6 ngân hàng có lượng vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Để thúc đẩy giải ngân vốn ODA, tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chỉ đạo phải hài hòa hóa thủ tục để “hai bên cùng thắng”, rút ngắn được thời gian chuẩn bị và triển khai dự án. Các đối tác phát triển, nhóm 6 ngân hàng cũng đồng thuận với đề xuất này.
Tuy vậy, trong khi chưa thể sớm có một bộ thủ tục chung và chờ điều chỉnh các quy định của luật một cách căn cơ, Việt Nam và các nhà tài trợ vẫn cần hợp tác chặt chẽ hơn để gỡ vướng mắc, khó khăn trong từng dự án, bởi mỗi nhà tài trợ có quy định khác nhau. Cùng với đó, chắc chắn phải tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thủ tục giải ngân và thanh quyết toán…, giống như các dự án đầu tư công khác nói chung.
Nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn. Động lực tăng trưởng giải ngân đầu tư công, trong đó có vốn ODA, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Đây chính là mệnh lệnh quan trọng của nền kinh tế!