(ĐCSVN) – Việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (ODA) đang là thách thức lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và các giải pháp quyết liệt hơn từ các bộ, ngành. Tăng tốc giải ngân vốn ODA đang trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Hình ảnh tại Hội nghị. (Ảnh: M.P) |
Ngày 3/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành nhằm đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài trong các tháng cuối năm 2024. Hội nghị tập trung thảo luận về những vướng mắc trong thực tế triển khai và tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ để đảm bảo tiến độ giải ngân, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của vốn ODA trong phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), nhấn mạnh rằng vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài, được Chính phủ xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Với mục tiêu giải ngân đạt 95% kế hoạch năm 2024, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chỉ đạo nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 11/2024, lũy kế giải ngân vốn ODA đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng. Tỷ lệ này dù cao gấp đôi so với 6 tháng đầu năm (16,62%), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn trong nước (53,16%). Điều này cho thấy việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn nước ngoài là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Trong số các bộ, ngành được giao vốn, chỉ có hai đơn vị giải ngân đạt trên 50% kế hoạch, bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường (87,76%) và Bộ Giao thông Vận tải (58,35%). Ngược lại, nhiều bộ, ngành ghi nhận tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (39,41%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (29,79%), Đại học Quốc gia Hà Nội (6,75%) và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (6,82%). Những con số này cho thấy mức độ khó khăn trong triển khai các dự án sử dụng vốn ODA, đặc biệt là ở các dự án quy mô lớn hoặc có tính chất phức tạp.
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, chủ trì Hội nghị. (Ảnh: M.P)
|
Ông Hoàng Hải khẳng định, mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn năm 2024 chỉ có thể đạt được khi tất cả các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, đồng thời cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã thảo luận sâu về nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong giải ngân vốn ODA.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu lên thực trạng tại hai dự án lớn gồm Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), với tổng vốn đầu tư 629 tỷ đồng. Các dự án này đều gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thẩm định thiết kế và đấu thầu. Quy trình thủ tục hiện hành được đánh giá là phức tạp và mất nhiều thời gian, khiến tiến độ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn vốn cho các dự án đã được phân bổ nhưng không đủ, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan và gia hạn thời gian thực hiện để đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chia sẻ về những khó khăn trong việc triển khai dự án sử dụng vốn vay ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Dự án này đã bị chậm tiến độ hơn hai năm do các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế và đấu thầu. Đại diện Bộ cho rằng quy định sử dụng vốn ODA còn cứng nhắc và thiếu linh hoạt, không dự phòng được các rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện. Để tháo gỡ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất gia hạn thời gian thực hiện dự án đến năm 2027, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ tích cực hơn từ các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng.
Từ góc độ ngân sách, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) nhấn mạnh rằng, việc cân đối bố trí vốn đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách luôn là một thách thức lớn. Chính phủ đã nỗ lực giảm chi thường xuyên để dành thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhưng tiến độ giải ngân chậm đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, gây ra tình trạng tồn đọng và áp lực lớn hơn cho kế hoạch vốn năm sau.
Hội nghị đã đi đến thống nhất rằng để thúc đẩy giải ngân vốn ODA, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên, các thủ tục hành chính liên quan đến giải ngân, phê duyệt dự án và đấu thầu phải được cải cách mạnh mẽ để giảm thời gian xử lý và loại bỏ các rào cản không cần thiết.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và cơ quan chủ quản cần được tăng cường, đặc biệt trong việc rà soát và giải quyết các khó khăn tại từng dự án cụ thể. Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với từng đơn vị để hỗ trợ giải quyết các vướng mắc.
Ngoài ra, các bộ, ngành được giao vốn cần có kế hoạch triển khai cụ thể ngay từ đầu năm 2025, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn và tránh tình trạng dồn vốn gây áp lực vào cuối năm. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, từng đơn vị trong việc thực hiện các dự án để đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Hoàng Hải nhấn mạnh rằng giải ngân vốn ODA không chỉ là nhiệm vụ về mặt tài chính mà còn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Ông khẳng định Bộ Tài chính sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị từ các bộ, ngành để báo cáo lên Chính phủ, tìm kiếm các giải pháp vượt thẩm quyền nhằm tháo gỡ triệt để những vướng mắc hiện tại.
Năm 2024 là một năm quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài, không chỉ giúp phát triển cơ sở hạ tầng mà còn tháo gỡ các điểm nghẽn trong nền kinh tế, góp phần tăng trưởng nhanh và bền vững.
Hội nghị lần này đã khẳng định quyết tâm của Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong việc thúc đẩy giải ngân vốn ODA, đồng thời nhấn mạnh vai trò của sự phối hợp liên ngành và trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị. Với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm 2024 sẽ trở nên khả thi hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nguon-von-nuoc-ngoai-685104.html