Để khám phá hết vẻ đẹp của VN và trải nghiệm cuộc sống thi vị, có lẽ không gì tuyệt vời hơn một chuyến tàu dọc theo chiều dài đất nước. Những toa tàu 5 sao mới đưa vào vận hành, những dự án đường sắt liên tỉnh đang được thúc đẩy triển khai dần vẽ nên hành trình xuyên Việt bằng tàu hỏa tiện nghi, sạch đẹp.
Nối đường sắt cao tốc từ cực Bắc tới cực Nam
Bộ GTVT vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí vốn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2024 để chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Theo bộ này, việc chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt này cần thiết và cấp bách. Tuyên bố chung VN – Trung Quốc trong chuyến thăm VN của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12 – 13.12.2023 đã nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ hai hành lang, một vành đai với sáng kiến Vành đai và Con đường giữa VN – Trung Quốc. Đồng thời, thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới VN – Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Cùng với đó, Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng có định hướng đến năm 2030 phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội – Hải Phòng, Biên Hòa – Vũng Tàu…), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn…)
Mới nhất, Kết luận số 72 ngày 23.2 của Bộ Chính trị cũng khẳng định ưu tiên nguồn lực đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng… Từ những yêu cầu trên, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2024 để kịp thời triển khai ngay các thủ tục nghiên cứu cho phép đầu tư dự án.
Trước đó, liên danh tư vấn Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT và Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đã trình Cục Đường sắt VN báo cáo giữa kỳ quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Cụ thể, tuyến có điểm đầu là ga Lào Cai (tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc), điểm cuối là ga Hạ Long (thuộc tuyến đường sắt Kép – Hạ Long) và các đoạn tuyến đi qua 10 tỉnh, TP gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đặc biệt, để đảm bảo cạnh tranh với tuyến cao tốc đường bộ Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tổ tư vấn đề xuất vận tốc thiết kế ban đầu là 160 km/giờ, tương lai có thể nâng lên 200 km/giờ để thời gian di chuyển của tuyến đường sắt mới rút ngắn hơn so với đường bộ, chỉ còn 4 – 5 giờ.
Trong khi tuyến đường sắt nối từ Quảng Ninh tới Lào Cai đang rục rịch xúc tiến thì người dân khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam đang hào hứng chia sẻ thông tin về tuyến tàu cao tốc Bắc – Nam với trào lưu: “Sáng cơm tấm Sài Gòn, chiều cà phê trứng Hà Nội”; “Sáng cơm tấm Sài Gòn, chiều bánh đậu xanh Hải Dương”… Theo kịch bản đang được Bộ GTVT nghiên cứu, nếu được thông qua tốc độ thiết kế 350 km/giờ thì thời gian tàu cao tốc từ TP.HCM đi Hà Nội quãng đường dài 1.730 km chỉ mất gần 5 giờ, thêm hơn 2 giờ để đi đến Hải Dương và khoảng 2 – 3 giờ là có thể nối tiếp đoạn đường sắt đến tận biên giới Lào Cai.
Hướng miền Nam, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ cũng đang được doanh nghiệp (DN) cùng các địa phương phối hợp đẩy nhanh tiến độ với phương án tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng. Sau khi hoàn thành, thời gian đi từ Cần Thơ đến TP.HCM chỉ mất 75 – 80 phút. Trên khắp cả nước, từng đoạn, tuyến đường sắt cao tốc đang được kết nối với mục tiêu tàu đi từ cực Bắc tới cực Nam Tổ quốc với thời gian chưa tới 15 giờ.
Hành trình trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc
Theo các chuyên gia, để phát triển hàng hóa thì đường sắt, đường thủy phải đi đầu bởi đây là phương thức vận chuyển khối lượng lớn, chi phí rẻ hơn rất nhiều so với đường bộ và hàng không… Đầu tư cho đường sắt, giải tỏa giao thông, khơi thông hàng hóa để kích hoạt kinh tế là việc cấp bách phải làm đối với các đầu mối kinh tế lớn như TP.HCM hay Hà Nội. Hơn thế, đường sắt đang được kỳ vọng trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của VN.
Thời gian qua, ngành đường sắt đã phối hợp với các đơn vị du lịch khai thác đoàn tàu 5 sao SE19/20 Hà Nội – Đà Nẵng, tàu SE21/22 chặng Sài Gòn – Đà Nẵng và nhanh chóng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Mới đây nhất, kênh YouTube với 50.000 lượt theo dõi của cặp đôi du khách Eric và Sarah đến từ Canada đã lan tỏa câu chuyện hành trình 17 giờ đi tàu hỏa sang trọng từ Đà Nẵng đến Hà Nội, thay vì chọn đi máy bay chỉ mất hơn 1 giờ. Đặt khoang giường nằm hạng VIP dành cho 2 người, giá 6,6 triệu đồng/đêm, cặp đôi Canada cho biết hoàn toàn xứng đáng với những trải nghiệm tuyệt vời trên khoang tàu được thiết kế đẹp mắt, nội thất tiện nghi và được bài trí khoa học, gọn gàng; đồ ăn ngon, sạch sẽ và giá vừa phải.
“Tôi thích cách họ sắp xếp căn phòng này, cả bức tranh treo tường đầy tinh tế có in hình ảnh làng quê VN… Hãy nhìn xem, chúng ta vừa đi qua những cánh đồng lúa và một số thị trấn nhỏ. Tôi còn thấy vài con trâu trên đường”, Sarah tỏ ra bất ngờ và thích thú khi nhìn thấy khung cảnh xanh mát tuyệt đẹp ở phía ngoài ô cửa.
Sau khi các đoàn tàu 5 sao được đưa vào phục vụ thành công, thu hút sự quan tâm của du khách, ngành đường sắt tiếp tục đa dạng hóa nhiều loại hình dịch vụ như khai trương đoàn tàu Huế – Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”, theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch. Cung đường sắt Huế – Đà Nẵng từ lâu đã quen thuộc với người dân hai tỉnh thành nhưng chuyến tàu hỏa “Kết nối di sản miền Trung” vừa đưa vào hoạt động vẫn thu hút đông đảo người địa phương trải nghiệm.
Hay chuyến tàu đêm Đà Lạt – Trại Mát với tên gọi “Hành trình đêm Đà Lạt” dài 6,7 km cũng nhanh chóng trở thành điểm hút khách mới của TP sương mù. Với hành trình chạy tàu khoảng 1 tiếng (30 phút chiều đi và 30 phút chiều về) và tốc độ chạy tàu chậm, nếu ban ngày, du khách có thể thư giãn ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt; vào ban đêm, vẻ đẹp của Đà Lạt lại vô cùng huyền ảo, khác lạ.
Là người đã ấp ủ ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch tàu hỏa độc đáo từ cách đây rất nhiều năm, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định du lịch bằng tàu hỏa đang trở thành một xu hướng mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Du lịch bằng tàu hỏa là hành trình trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, vừa thư giãn, vừa khám phá văn hóa. Tại VN, du lịch bằng tàu hỏa đang có những bước phát triển tích cực. Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia, năm 2023, lượng khách du lịch nội địa đi tàu hỏa đạt 10 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2022. Lượng khách du lịch quốc tế đi tàu hỏa đạt 1,5 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2022.
“VN có hệ thống đường sắt hình thành từ 143 năm, với tổng chiều dài 3.143 km, kết nối hầu hết các tỉnh, TP lớn trong cả nước. Chúng ta có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đa dạng, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đi du lịch bằng tàu hỏa. Trong năm 2023, ngành đường sắt đã được giới thiệu trong cuốn Amazing Train Journeys của Lonely Planet – là ấn phẩm tập hợp những chuyến đi bằng đường sắt vĩ đại nhất thế giới. Trong đó tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM được bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới. Chưa kể, đây còn là lựa chọn thân thiện môi trường, phù hợp xu hướng phát triển du lịch bền vững”, ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích.
“Đất” để đưa đường sắt về thời hoàng kim
Theo lãnh đạo Tổng công ty đường sắt VN (VNR), cho đến khi có đường sắt cao tốc, VNR chủ trương tiếp tục chạy các “đoàn tàu khách sạn”, phát triển theo hướng phân khúc cao hướng tới các khách hàng thu nhập cao. Tiêu dùng của du khách phân khúc cao là “tiêu dùng độc nhất”, không quan tâm nhiều đến giá cả mà muốn những trải nghiệm độc đáo, duy nhất. Đó chính là “đất” để hồi sinh những toa tàu du lịch hạng sang cho ngành đường sắt.
Ủng hộ việc tận dụng và phát huy giá trị của đường sắt trong phát triển du lịch, TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển GTVT (Bộ GTVT), dẫn chứng: Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng thúc đẩy phát triển du lịch gắn liền với sự phát triển và đặc điểm của đường sắt. Đơn cử như ở Nhật Bản và Úc, việc phát triển các tuyến đường sắt mới vào các năm giữa thế kỷ 19 đã mở ra ngành công nghiệp du lịch mới thúc đẩy các loại nhu cầu du lịch nhóm, du lịch liên vùng đến những khu vực xa xôi.
Đây cũng chính là cơ hội đối với các tuyến đường sắt hiện có đã hình thành lâu đời ở VN có vai trò như những di sản lịch sử. Những sản phẩm du lịch mới trên đường sắt VN trong những năm gần đây hay hiện tượng “Phố đường tàu” tại Hà Nội đang cho thấy tiềm năng phát triển những sản phẩm vận tải – du lịch mới hấp dẫn du khách ưa thích du lịch hoài niệm hoặc tái tạo bản sắc du lịch riêng với các cộng đồng địa phương dọc đường sắt.
TS Khuất Việt Hùng cho rằng việc cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt có thể thúc đẩy mạnh mẽ du lịch. Một số công việc có thể triển khai được ngay như cải thiện điều kiện vệ sinh trên tàu, tại nhà ga; thái độ nhân viên phục vụ thân thiện hơn; bổ sung các dịch vụ và tiện ích cho du khách; nâng cấp ngoại thất và nội thất toa tàu phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của du khách; cải thiện biểu đồ chạy tàu và nâng cao tính đúng giờ. Đồng thời, cần tăng cường kết nối vận tải đa phương thức, giữa đường sắt và đường bộ, với các phương thức khác như hàng không và đường thủy. Cần đảm bảo kết nối dịch vụ xe buýt liên thông với nhà ga, đảm bảo du khách đi bộ gần, thuận tiện nhất giữa xe buýt và đường sắt; bán vé liên thông với xe buýt cho khách đi tàu qua ứng dụng thông minh hoặc internet.
“Phát triển các tuyến giao thông – du lịch là một xu thế mới trong những năm gần đây. Việc nghiên cứu, quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối các tài nguyên và các điểm du lịch với nhau để hình thành được một tour gói sản phẩm du lịch trọn vẹn bao gồm: tham quan, trải nghiệm, ăn, nghỉ, rèn luyện sức khỏe, khám phá… đang ngày càng được nhiều quốc gia, địa phương quan tâm đầu tư phát triển. Kết hợp dịch vụ vận tải và du lịch trong cùng một sản phẩm không chỉ mang lại trải nghiệm khác biệt cho du khách mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của điểm đến”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Đường sắt VN đang sở hữu nhiều tài sản di sản, lịch sử, văn hóa vô giá, những khu ga trung tâm đắc địa. Sẽ rất lãng phí nếu chúng ta không có chiến lược bài bản để khai thác triệt để, phát huy nguồn lực to lớn này.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation
Vietravel và VNR đang xúc tiến hợp tác triển khai dự án Tàu hỏa 5 sao Xuyên Việt, tạo ra một mô hình du lịch đa phương thức mới mang tên “ONE TICKET ALL TRAILS”. Mô hình này không chỉ mang lại sự tiện lợi cho khách hàng với một vé du lịch toàn diện mà còn mở rộng cơ hội trải nghiệm cho du khách thông qua sự kết hợp của các hình thức vận chuyển khác nhau, từ hàng không đến đường sắt, nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể. Hai đơn vị đã cam kết hợp tác với tinh thần bền vững, đồng thời sẽ liên kết với các địa phương thúc đẩy quảng bá du lịch địa phương trong suốt hành trình cùng hệ thống công nghệ thông minh tích hợp: Tạo ra một nền tảng vé đa tính năng “ALL-IN TICKET”, mang đến trải nghiệm du lịch suôn sẻ, quyền truy cập ưu tiên tại các điểm tham quan, tích hợp kỹ thuật số để cập nhật thông tin theo thời gian thực và chương trình khách hàng thân thiết.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/tang-toc-du-lich-tau-hoa-185240708233417206.htm