Tập đoàn dầu khí khổng lồ Nhật Bản Inpex sẽ đầu tư hơn 200 tỷ yen (khoảng 1,25 tỷ USD) vào các dự án năng lượng tái tạo tại Australia từ nay đến năm 2030. Mục tiêu của Inpex là biến Australia thành một trung tâm xuất khẩu hydro “xanh”.
Enel Green Power Australia (EGPA), một liên doanh 50-50 giữa Inpex và Công ty Điện lực Enel của Italy, sẽ nâng cao năng lực sản xuất năng lượng tái tạo từ mức hiện tại hơn 300MW lên 2.000-4.000MW vào năm 2030. Việc nâng cấp này sẽ tập trung vào các nguồn năng lượng Mặt trời, gió trên bờ và pin lưu trữ. Ban đầu, nguồn điện tái tạo bổ sung này sẽ được bán tại Australia. Sau năm 2030, một phần điện sẽ được phân bổ cho dự án khí đốt tự nhiên Ichthys, dự án mà Inpex đang dẫn đầu ngoài khơi bờ biển phía Bắc Australia. Dự án Ichthys chiếm một nửa trong số khoảng 7 triệu tấn khí thải nhà kính của Inpex vào năm 2023. Để giảm lượng khí thải carbon, Inpex đang sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, nhưng công ty coi năng lượng tái tạo là giải pháp lâu dài.
EGPA cũng có thể cung cấp bí quyết và kinh nghiệm cho các dự án tiềm năng tại Nhật Bản, nơi Inpex hiện chưa phát triển nhiều dự án năng lượng tái tạo. Công ty đang tìm kiếm cơ hội xây dựng các trang trại điện gió ngoài khơi và nhà máy điện địa nhiệt tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, Inpex đang nghiên cứu phương pháp sản xuất hydro xanh sử dụng năng lượng tái tạo để điện phân nước. Hydro xanh cũng có thể được kết hợp với CO2 để tạo ra e-methane (methane tổng hợp), một giải pháp thay thế cho khí đốt đô thị thông thường. Khách hàng lớn của Inpex là Tokyo Gas đang đầu tư vào sản xuất e-methane, và Inpex sẽ tìm cách cung cấp hydro xanh cho Tokyo Gas cho hoạt động kinh doanh này.
Các công ty khác của Nhật Bản cũng đang thành lập các hoạt động sản xuất hydro xanh tại Australia. Tập đoàn Sumitomo đặt mục tiêu sản xuất 200.000 tấn hydro xanh tại nước này vào năm 2030. Trong khi đó, Tập đoàn Marubeni và nhà phân phối khí đốt Iwatani đã hợp tác với Kansai Electric Power và các công ty khác trong một dự án hydro xanh khổng lồ tại Australia. Dự án này đặt mục tiêu sản xuất 260.000 tấn hydro xanh mỗi năm từ năm 2031 và xuất khẩu sang Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản coi Australia là địa điểm thích hợp để sản xuất hydro nhờ khoảng cách địa lý gần. Hai nước cũng có lịch sử lâu đời trong “ngoại giao tài nguyên” về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu hydro toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần mức hiện tại vào năm 2050 nếu các chính phủ trên toàn thế giới thực hiện các cam kết khí hậu đã công bố. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch đang trên đà đạt đỉnh trước năm 2030. Mới đây, nhóm RE100 (gồm hơn 400 công ty lớn, trong đó có 87 công ty Nhật Bản như Sony và Panasonic) đã hối thúc Nhật Bản cập nhật mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo, cụ thể là từ 121 gigawatt vào năm 2022 lên 363 gigawatt trước năm 2035, trong bối cảnh nước này dự kiến công bố kế hoạch năng lượng chiến lược vào cuối năm nay.
Nhóm RE100 đã cam kết hướng tới sử dụng hoàn toàn điện tái tạo. RE100 được nhóm khí hậu phi lợi nhuận quốc tế và tổ chức phi chính phủ Dự án công bố Carbon (CDP) thành lập cách đây 10 năm, nhằm theo dõi và đánh giá cam kết của các công ty về khí hậu.
LAM ĐIỀN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tang-toc-dau-tu-xanh-post749657.html