Cùng với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, phương án tuyển sinh của các trường đại học cũng có nhiều thay đổi phù hợp với chương trình mới, trong đó sẽ có những điều chỉnh liên quan đến tổ hợp, phương thức xét tuyển.
Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển
Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn lựa chọn trong 9 môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Việc lựa chọn môn, trong đó Tin học, Công nghệ lần đầu xuất hiện ở kỳ thi tốt nghiệp, tạo ra 36 tổ hợp có thể dùng để tuyển sinh đại học. Vì vậy, một số trường có điều chỉnh tổ hợp xét tuyển.
Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) thông báo định hướng tuyển sinh năm 2025 với 4 tổ hợp môn xét tuyển, gồm: Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn; Toán, Tiếng Anh, Vật lý; Toán, Tiếng Anh, Tin học; Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Trong đó, nhà trường đã đưa vào tổ hợp xét tuyển 2 môn học mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm: Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Năm 2025, Trường Đại học Công thương TPHCM dự kiến xét tuyển thêm một số tổ hợp mới, trong đó có tổ hợp khối C.
Các tổ hợp được bổ sung như; C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí); C01 (Ngữ văn, Toán, Vật lí); C02 (Ngữ văn, Toán, Hóa học); C14 (Toán, Ngữ văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật).
Theo nhà trường, việc bổ sung thêm một số tổ hợp xét tuyển, trong đó có khối C nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh có nền tảng về khối C tiếp cận nhiều ngành nghề khác nhau tại trường.
Tương tự, năm 2025, Trường Đại học Sư phạm TPHCM sẽ có sự điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT, đồng thời duy trì các tổ hợp xét tuyển của năm 2024.
Theo đó, trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp như loại bỏ các tổ hợp có bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… thêm mới các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ,…
Giảm phương thức tuyển sinh
Điểm mới đáng chú ý trong phương án tuyển sinh của một số trường đã công bố, nhiều trường dự kiến giảm phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức xét điểm học bạ.
Trường Đại học Sư phạm TPHCM sẽ duy trì 3 phương thức xét tuyển chính từ năm 2025, gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; tổ chức và xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Trong đó, trường sẽ bỏ hình thức xét kết hợp với điểm học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức. Thay vào đó, kỳ thi này sẽ sử dụng xét tuyển độc lập cho hơn 30 ngành học của trường.
Theo Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trường bỏ xét tuyển học bạ nhằm đáp ứng đối với học sinh học theo chương trình mới trên quan điểm chung đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.
Từ năm 2025, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ giảm bớt các phương thức tuyển sinh xuống còn 3 phương thức, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Việc cắt giảm phương thức xét tuyển này được các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM ủng hộ và cho rằng sẽ công bằng hơn và giúp thí sinh đỡ rối.
TS. Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, năm 2025, trường dự kiến giữ nguyên chỉ tiêu đào tạo chung trong toàn trường nhưng sẽ điều chỉnh để ưu tiên cho các ngành/chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, vi mạch – bán dẫn.
Trường Đại học Giao thông vận tải sẽ giữ ổn định phương thức và tổ hợp xét tuyển như năm trước. Tuy nhiên, sau khi Bộ GDĐT chính thức ban hành quy chế tuyển sinh năm 2025, TS Phạm Thanh Hà cho biết, nhà trường sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong tuyển sinh.
Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học mà Bộ GDĐT đang lấy ý kiến đóng góp, Bộ dự kiến chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, quy định không xét tuyển sớm quá 20% chỉ tiêu sẽ góp phần khắc phục các bất cập phát sinh từ việc xét tuyển sớm. Các trường sẽ không phải dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho việc xét tuyển này hay việc nhiều học sinh lớp 12 lơ là học tập khi đã biết kết quả trúng tuyển.
Dự thảo thông tư sẽ được lấy ý kiến đóng góp đến ngày 22/1/2025. Nếu quy chế được thông qua và áp dụng trong năm 2025 sẽ tác động nhiều đến việc xét tuyển của các cơ sở đào tạo lẫn thí sinh.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tang-to-hop-xet-tuyen-giam-phuong-thuc-tuyen-sinh-nam-2025-10297406.html