Video: Rác thải nhựa ngập tràn đường phố, ‘bức tử’ sông hồ biển.
Các chuyên gia cho rằng mức thuế như hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức thay đổi thói quen sử dụng túi nylon của người dân.
Trả lời VTC News, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm con người và Thiên nhiên (PanNature) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến túi nylon xuất hiện nhiều trên thị trường, sau đó phần lớn bị xả ra môi trường là do không phải chịu áp lực về thuế.
“Hiện nay chúng ta sử dụng túi nylon tràn lan vì giá quá rẻ. Không có mặt hàng nào mà người bán sẵn sàng cho người mua vài ba cái túi nylon để đựng đồ, vì giá sau sản xuất cũng chỉ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Mà nguyên nhân của việc túi nylon quá rẻ là vì bị đánh thuế thấp.
Mức thuế 50.000 đồng/kg chưa thể thay đổi hành vi người dùng. Muốn hạn chế túi nylon, phải đánh thuế cao hơn, làm sao phải nâng giá túi nylon sau sản xuất lên 1.000 – 2.000 đồng/chiếc để người dân phải sử dụng sản phẩm khác thay thế”, ông Nguyên nói.
Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng, hiện một số sản phẩm nhựa rất cần thiết trong các lĩnh vực. Do vậy, nếu đánh thuế không có chọn lọc, đánh thuế theo kiểu “trùm mền” thì sẽ gây khó cho một số ngành khác trong phát triển kinh tế xã hội, điển hình như ngành y tế.
“Công cụ thuế vì thế cần phải tính toán cho hợp lý, đánh vào những mặt hàng có tác hại lớn đến môi trường và đang bị lạm dụng quá nhiều như túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần”, ông Nguyên lưu ý thêm.
Cùng quan điểm, PGS.TS Lưu Đức Hải – Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường – khuyến cáo:
Về mặt kinh tế, cần đánh thuế môi trường thật cao đối với sản phẩm nhựa, nhất là nhựa dùng một lần. Bởi mức thuế thấp hoặc không áp thuế sẽ tạo nên mức giá rẻ, khiến doanh nghiệp đua nhau nhập khẩu nhựa về Việt Nam.
“Chúng ta phải cân đối mức thuế, tăng thuế đối với việc nhập khẩu hạt nhựa. Đối với túi nylon sử dụng tràn lan hiện nay, cũng phải nâng mức thuế để không còn cảnh “xin- cho” dễ dàng.
Việc đánh thuế cao cũng sẽ tăng trách nhiệm của doanh nghiệp, để họ thấy được lợi ích trong việc quản lý sản phẩm, đồng thời giá thành cao sẽ hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa và túi nylon vô tội vạ như hiện nay”, PGS.TS Lưu Đức Hải nói.
Theo các chuyên gia, biện pháp tăng thuế sẽ khiến các cửa hàng thay vì phát miễn phí túi nilon đựng hàng hóa mua về thì sẽ yêu cầu người dân phải bỏ tiền mua. Khi “túi tiền” bị hao hụt, người dân sẽ thay đổi thói quen mua bán, từ đó hạn chế túi nylon bị xả ra môi trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường biển (VAMEN), các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới có tỷ lệ rác thải nhựa xả ra môi trường, nhất là môi trường biển cao nhất.
Hiện nay chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường, cũng đã có quy định phân loại rác thải tại nguồn nhưng mới chỉ ở mức dự án. Cần phải phân loại rác tại nguồn trước khi nghĩ tới công nghệ xử lý. Đây không phải là việc dễ làm, bởi thay đổi một thói quen không hề đơn giản.
“Do vậy, phải đưa người dân vào thực hiện dự án phân loại rác thải, tránh việc chỉ đưa chuyên gia, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Có như thế thì khi chuyên gia rút đi, người dân tiếp tục triển khai, thực hiện mới đảm bảo hiệu quả lâu dài”, ông Hồi nói.
Ông Hồi nêu quan điểm, đánh thuế cao đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần tuy cần thiết nhưng phải làm sao để việc bảo vệ môi trường phải bảo đảm cho phát triển kinh tế. Muốn thế phải kêu gọi các doanh nghiệp thay đổi phương hướng đầu tư bằng việc chú trọng nhiều hơn vật liệu khác thay thế thân thiện với môi trường, có khả năng tự phân huỷ nếu bị thải ra môi trường.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Lê Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings – hiện rất khó để đưa sản phẩm nhựa phân hủy sinh học vào thị trường Việt Nam.
Ông Long cho biết, nhựa sinh học có thể làm từ nguyên liệu có nguồn gốc tái tạo (như tinh bột ngô, khoai, sắn…) hoặc làm từ nguyên liệu có nguồn gốc hóa thạch (dầu mỏ). Đây chính là một giải pháp để dần hạn chế rác thải nhựa khó phân hủy hiện nay và thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Với sản phẩm nhựa phân hủy sinh học, sau khi được người tiêu dùng sử dụng, nó sẽ trở thành một loại rác hữu cơ, phân huỷ thành mùn hữu cơ, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, sau đó, cây trồng lại trở thành vật liệu để tạo ra các sản phẩm phân hủy sinh học.
Các sản phẩm này sau khi sử dụng sẽ có thể được xử lý như những rác hữu cơ khác thông qua quá trình xử lý vi sinh như chôn lấp hoặc các nhà máy rác vi sinh, sau đó, sẽ phân hủy thành CO2, nước và sinh khối dưới tác dụng của vi sinh vật. Những sinh khối này lại có thể được sử dụng để làm nguồn nguyên liệu đầu vào trong nông nghiệp. Tất cả những điều này tạo nên một vòng tròn tuần hoàn, khép kín, đảm bảo thân thiện với môi trường.
Tuy đây là các sản phẩm có ích, tốt cho môi trường nhưng để đưa về Việt Nam lại không hề dễ.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có chính sách, nên giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm nhựa thông thường. Hiện chi phí để làm ra những sản phẩm nhựa phân hủy thường có giá đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp tư so với nhựa thông thường.
Ví dụ, một kg túi nylon phân huỷ sinh học có giá thành khoảng hơn 60.000 đồng, trong khi túi dùng phụ gia phân hủy sinh học bán tại nhiều siêu thị chỉ có giá 30.000 đồng/kg, còn túi nylon bình thường trôi nổi ngoài các chợ chỉ khoảng 15.000 – 20.000 đồng.
Một biện pháp nữa để hạn chế rác thải nhựa đổ ra môi trường đó là gắn với trách nhiệm tái chế của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải chú trọng đầu tư cho công đoạn này.
PGS.TS Lưu Đức Hải đề xuất, đối với những doanh nghiệp đầu tư tái chế rác thải nhựa cần phải có chính sách ưu đãi dành cho họ như cho vay vốn ưu đãi để đầu tư trang thiết bị, máy móc; hỗ trợ thuê mặt bằng, giảm thuế giai đoạn 5 năm đầu; hạ giá thành cho các sản phẩm tái chế…
Ngược lại, đối với những doanh nghiệp không chịu thu gom sản phẩm sau sử dụng để tái chế thì cần đánh thuế thật cao.
“Sản lượng được thu gom lại sẽ được miễn thuế cho các sản phẩm nhựa lần sau. Trong khi số lượng không được thu gom, phát tán ngoài thị trường sẽ phải chịu mức phạt thật cao để doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi cao hơn. Với những doanh nghiệp chủ động đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường thì phải nâng cao mức tài chính hơn nữa”, ông Hải đề xuất.
Căn cứ Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 quy định 08 loại hàng hóa được chia thành 05 nhóm đối tượng hàng hóa chịu thuế như sau:
Nhóm 1: Xăng, dầu, mỡ nhờn bao gồm xăng các loại (trừ ethanol), nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hoả, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn;
Nhóm 2: Than đá (than nâu, than antraxit, than mỡ, than đá khác);
Nhóm 3: Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (Dung dịch HCFC);
Nhóm 4: Túi nylon thuộc diện chịu thuế;
Nhóm 5: Thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.