Việc tăng thuế thuốc lá không chỉ là một biện pháp kinh tế nhằm giảm tiêu thụ, mà còn là cơ hội để tái đầu tư nguồn thu vào các chương trình y tế công cộng, bảo vệ sức khỏe người dân.
Tăng thuế để giảm tiêu thụ thuốc lá, bảo vệ sức khỏe người dân
Việc tăng thuế thuốc lá không chỉ là một biện pháp kinh tế nhằm giảm tiêu thụ, mà còn là cơ hội để tái đầu tư nguồn thu vào các chương trình y tế công cộng, bảo vệ sức khỏe người dân.
Gánh nặng y tế do sử dụng thuốc lá ở Việt Nam rất cao
Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng sử dụng thuốc lá ở mức báo động, với khoảng 15,3 triệu người hút thuốc trực tiếp và hàng triệu người khác phải chịu ảnh hưởng từ khói thuốc thụ động.
Điều này gây ra những gánh nặng lớn cho sức khỏe cộng đồng và hệ thống y tế quốc gia. Hàng năm, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Theo thống kê từ Bộ Y tế, chi phí y tế trực tiếp và các tổn thất kinh tế do thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên đến 108.000 tỷ đồng mỗi năm, gấp 5 lần nguồn thu từ thuế thuốc lá.
Ảnh minh họa |
Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là 70-75. Do đó, việc tăng thuế thuốc lá có thể giúp giảm tiêu thụ, đặc biệt là trong nhóm thanh, thiếu niên và người nghèo.
Bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhấn mạnh rằng tăng thuế sẽ làm giảm khả năng tiếp cận thuốc lá, từ đó giảm tỷ lệ sử dụng, giảm tử vong và tổn thất sức khỏe. Trước đây, Việt Nam đã thực hiện một số lần tăng thuế nhưng khoảng cách giữa các lần tăng quá dài, mức tăng lại thấp, chưa tạo ra tác động đủ lớn.
Nói thêm về điều này theo bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thuế thuốc lá lần đầu tiên được áp dụng vào năm 1999 với mức thuế 45%, sau đó được điều chỉnh qua các năm, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để giảm tiêu thụ đáng kể.
Nếu giá thuốc lá tăng 10%, sẽ giảm tiêu thụ 4-5% tại các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình, và đây là hiệu quả rõ rệt đối với thanh niên và người nghèo.
Đồng tình tăng thuế thuốc lá, Thạc sĩ Lê Thị Thu, chuyên gia Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá cũng khẳng định thuế thuốc lá là một biện pháp hiệu quả trong chiến lược giảm thiểu tiêu thụ thuốc lá, và việc tăng thuế lên mức khuyến cáo của WHO là điều cần thiết.
Còn theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, việc áp thuế với lộ trình rõ ràng, như đạt 15.000 đồng mỗi gói vào năm 2030, có thể giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 35,8%, đồng thời tăng nguồn thu thuế cho ngân sách quốc gia.
Tổng thiệt hại kinh tế do thuốc lá ở Việt Nam mỗi năm lên tới 108.000 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với thu thuế thuốc lá. Đây là một khoản chi phí khổng lồ mà xã hội đang phải gánh chịu. Chính vì vậy, tăng thuế thuốc lá không chỉ là một giải pháp y tế mà còn là một biện pháp hiệu quả để giảm gánh nặng kinh tế cho quốc gia.
Lợi ích khi tăng thuế thuốc lá
Tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ.
Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng thuế 10% có thể giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá trung bình từ 4% đến 8%, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam. Thanh niên và người nghèo là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sự thay đổi về giá, vì họ có khả năng chi trả thấp hơn.
Việc tăng thuế sẽ làm giảm khả năng tiếp cận thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, nhóm dễ bị lôi kéo vào thói quen hút thuốc vì không có đủ kiến thức và khả năng phòng chống.
Đây là một trong những lý do khiến việc áp dụng thuế cao đối với thuốc lá là một giải pháp quan trọng trong chiến lược phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.
Tăng thu ngân sách và đầu tư vào y tế công cộng. Theo dự báo của WHO, nếu Việt Nam thực hiện tăng thuế thuốc lá, nguồn thu từ thuế thuốc lá có thể gia tăng đáng kể, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, góp phần không nhỏ vào ngân sách quốc gia.
Các nguồn thu này có thể được tái đầu tư vào các chương trình y tế công cộng, phòng chống tác hại của thuốc lá, hỗ trợ người bệnh, hoặc cung cấp dịch vụ cai thuốc miễn phí cho những người có nhu cầu.
Tăng thuế thuốc lá cũng giúp phát triển y tế công cộng. Theo đó, Chính phủ có thể sử dụng nguồn thu từ thuế thuốc lá để phát triển các chiến dịch tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, tạo ra các chương trình giáo dục về sức khỏe trong trường học, cộng đồng và nơi làm việc.
Điều này sẽ giúp tăng cường ý thức cộng đồng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, những người có nguy cơ cao tiếp xúc với thuốc lá.
Tại các kỳ họp Quốc hội gần đây, vấn đề tăng thuế thuốc lá để giảm tiêu thụ đã thu hút nhiều ý kiến tranh luận và phản biện.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc tăng thuế là một giải pháp hiệu quả và cấp bách để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đồng thời giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế mà thuốc lá gây ra.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Tây Ninh phát biểu tại phiên họp, nêu rõ tầm quan trọng của việc áp dụng lộ trình tăng thuế hợp lý nhằm ngăn chặn hiểm họa thuốc lá đối với sức khỏe, tính mạng và đời sống người dân, cũng như tác động tiêu cực đến nền kinh tế xã hội.
Đại biểu quốc hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ về việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với thuốc lá điếu, kết hợp cả thuế suất và thuế tuyệt đối.
Mục tiêu là đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối đạt 10.000 đồng/bao thuốc lá, và tỷ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá đạt 75%, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bà Thúy cũng nhấn mạnh chiến lược giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% vào năm 2030.
Đại biểu cho biết, theo thống kê của WHO, thuốc lá là nguyên nhân gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó 1 triệu người tử vong do hút thuốc thụ động. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 70.000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Đại biểu chỉ ra rằng Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất và tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất, dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn, chiếm 1,14% GDP mỗi năm.
Bà Thúy cũng đề cập đến sự lo ngại về việc tăng thuế đột ngột, có thể dẫn đến tình trạng thuốc lá nhập lậu hoặc ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thuốc lá và nông dân trồng thuốc lá. Tuy nhiên, bà khẳng định rằng những tác hại tiềm tàng từ thuốc lá lớn hơn rất nhiều so với các mối lo trên.
Bà đề xuất Chính phủ và Quốc hội xem xét phương án tăng thuế mạnh hơn, với mốc thuế suất 75% và mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao vào năm 2030, đồng thời cần có kế hoạch tăng thuế hàng năm để đạt các mục tiêu kiểm soát thuốc lá của Liên hợp quốc.
Ngoài ra, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM, cũng nêu ý kiến về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo phương án 2, cho rằng đây là phương án hợp lý và sẽ giúp giảm tiêu thụ thuốc lá nhanh chóng. Ông Mai còn đề nghị làm rõ quy định về mức thuế tuyệt đối áp dụng cho mỗi bao thuốc lá, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của chính sách.
Tăng thuế thuốc lá là một biện pháp quan trọng và hiệu quả để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, đồng thời giúp giảm gánh nặng bệnh tật và tổn thất kinh tế do thuốc lá gây ra.
Nguồn: https://baodautu.vn/tang-thue-de-giam-tieu-thu-thuoc-la-bao-ve-suc-khoe-nguoi-dan-d231186.html