Thu nhập cao từ trồng nấm bào ngư
Được “mục sở thị” trang trại trồng nấm bào ngư của anh Lê Thanh Nhàn (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), chúng tôi không khỏi “choáng ngợp” bởi quy mô, sự chuyên nghiệp từ khâu quy hoạch đến tổ chức sản xuất. Với bản tính cần cù, chịu khó và áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, mô hình trồng nấm bào ngư của anh đạt hiệu quả.
Mô hình trồng nấm bào ngư của anh Lê Thanh Nhàn (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Khởi nghiệp từ năm 2014, trong điều kiện còn khó khăn về vốn, thiếu kinh nghiệm trồng nấm bào ngư nên những đợt thu hoạch đầu tiên không mang lại hiệu quả kinh tế. Không vì thế mà nản chí, anh Nhàn quyết tâm tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, tham gia nhiều diễn đàn khởi nghiệp để vận dụng vào thực tiễn và thành công với mô hình này.
Theo anh Nhàn, trồng nấm bào ngư không tốn nhiều diện tích, không phải xử lý bằng các loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, người trồng phải tuân thủ đúng kỹ thuật từ khâu xây dựng trại, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Muốn nấm phát triển tốt, mọc dày, đạt chất lượng, người trồng phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ, nhất là khâu tưới nước. Phôi nấm từ khi cấy giống cho đến thu hoạch khoảng 60 ngày. Một bịch phôi nấm thu hoạch khoảng 300gr nấm và thu hoạch trong 5 tháng.
Song song với việc sản xuất nấm thương phẩm, anh Nhàn còn mạnh dạn đầu tư xây dựng lò sản xuất phôi giống. Thời gian đầu, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, phôi nấm không đạt chuẩn. Sau nhiều lần làm đi, làm lại, anh Nhàn thành công trong việc sản xuất phôi giống. Từ sản xuất vài ngàn bịch phôi/tháng, hiện nay, số lượng trung bình mỗi tháng, anh sản xuất, cung cấp ra thị trường hàng chục ngàn bịch phôi giống.
Sau nhiều năm vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay, trang trại nấm của anh Nhàn phát triển với quy mô trên 4.000m2, trong đó, có trên 2.000m2 trồng nấm với trên 100.000 phôi/đợt. Số diện tích còn lại, anh làm kho sản xuất phôi nấm với trên 40.000 phôi/tháng để cung ứng cho khách hàng. Mỗi năm, anh thu nhập hàng trăm triệu đồng và giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động ở địa phương với thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn tư vấn, chia sẻ kỹ thuật cho nhiều người dân trong và ngoài huyện để liên kết phát triển mô hình một cách bền vững.
Dám nghĩ, dám làm
Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng lúa không cao, giá cả bấp bênh, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng mạnh dạn chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, bước đầu cho hiệu quả kinh tế.
Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, sau thời gian học hỏi kinh nghiệm từ những hộ dân trồng bưởi ở các địa phương lân cận, năm 2016, anh Trương Văn Mây (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) mạnh dạn đầu tư gần 40 triệu đồng để lên liếp và mua 300 cây bưởi da xanh về trồng trên 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình.
Sau 3 năm, diện tích bưởi của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi năm, bưởi cho thu hoạch từ 4 – 5 đợt (30 – 40 tấn trái), với giá trung bình từ 15 – 25 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu về lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Anh Trương Văn Mây (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ kỹ thuật trồng bưởi cho người dân địa phương
Theo anh Mây, ngoài việc lựa chọn giống cây phù hợp thì việc chăm sóc đúng kỹ thuật là yếu tố quan trọng giúp cây mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Cây bưởi nên trồng với mật độ vừa phải, khoảng cách lý tưởng là 6x6m/cây, bình quân 1ha đất trồng khoảng 300 cây.
Anh Mây còn lắp hệ thống tưới nước tự động, vừa tiết kiệm được tiền thuê nhân công, vừa bảo đảm cây được tưới đều với lượng nước vừa đủ. Cây bưởi từ lúc trồng đến khi thu hoạch ít nhất 3 năm và chi phí đầu tư khoảng 1-1,2 triệu đồng/cây. Thấy cây bưởi thích nghi với thổ nhưỡng, năm 2019, anh Mây quyết định đầu tư thêm, tiếp tục lên liếp 1ha đất để trồng 300 cây, số diện tích này đến nay cũng bắt đầu cho trái.
Mô hình trồng bưởi của anh Trương Văn Mây (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) mang lại hiệu quả kinh tế cao
Chủ tịch UBND xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng – Trương Hồng Non cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được địa phương xác định là một trong những giải pháp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Với 3.800ha đất sản xuất lúa 2 vụ/năm, gần đây, người dân mạnh dạn chuyển đổi gần 90ha từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái như bưởi, mít, sầu riêng,… Những mô hình chuyển đổi cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho người dân, dần phá thế độc canh cây lúa”.
Chuyển đổi cây trồng hiệu quả
Sau nhiều chuyến tham quan thực tế các mô hình trồng dừa ở nhiều nơi, thấy giống dừa xiêm dứa cho trái nhiều, nước ngọt, có hương thơm đặc biệt nên anh Ngân Văn Phi (ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) bàn với gia đình mua giống về trồng. Vì đây là giống dừa ít được trồng tại địa phương, giá cây giống khá cao (70.000 đồng/cây) nên anh còn e ngại trong việc đầu tư.
Với suy nghĩ, ở nơi khác người ta trồng được thì mình trồng được, năm 2013, vợ chồng anh Phi mạnh dạn chuyển 2ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả của gia đình và đầu tư trên 100 triệu đồng lên liếp, mua 500 cây dừa giống về trồng. Sau hơn 3 năm, vườn dừa của anh cho thu hoạch, giá bán ổn định. So với trồng lúa thì cây dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều.
Hàng tháng, anh Ngân Văn Phi thu hoạch khoảng 10.000 trái dừa, lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 40 triệu đồng
Anh Phi chia sẻ: “Do vùng đất gò cao nên gia đình tôi sản xuất lúa kém hiệu quả, nhiều năm thua lỗ. Từ khi chuyển sang trồng dừa, tôi thấy rất phù hợp với vùng đất nơi đây. Dừa xiêm dứa rất dễ trồng, ít phân bón hay xịt thuốc, chỉ cần dưỡng cho bộ lá xanh tốt, dừa cho trái nhiều”.
Thấy đạt hiệu quả, năm 2018, vợ chồng anh quyết định đầu tư lên liếp thêm 2ha đất ruộng còn lại của gia đình để trồng 400 gốc dừa xiêm dứa và dừa xiêm lùn. Hiện tại, bình quân mỗi tháng, 900 gốc dừa của gia đình anh Phi cho thu hoạch khoảng 10.000 trái, với giá từ 6.000 – 8.000 đồng/trái, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng – Ngân Văn Giang cho biết: Gần đây, người dân mạnh dạn chuyển đổi hàng chục hécta đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó, có mô hình trồng dừa của anh Ngân Văn Phi. Những mô hình chuyển đổi cây trồng góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương./.
Văn Đát