Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay trở lại đà tăng tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ, thị trường phía Nam điều chỉnh trái chiều. Theo khảo sát mới nhất, giá heo hơi toàn quốc đang dao động trong khoảng 60.000 – 64.000 đồng/kg. Cơ quan chức năng tiếp tục làm chặt quy trình nhập khẩu thịt để bảo vệ người tiêu dùng, và ngành chăn nuôi trong nước.
Giá heo hơi hôm nay 14/11: Tăng tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ. (Nguồn: Vincom) |
Giá heo hơi hôm nay 14/11
*Giá heo hơi miền Bắc:
Sáng ngày 14/11, giá heo hơi tại khu vực miền Bắc đồng loạt hạ một giá tại các tỉnh: Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Thái Bình, cùng về mức 63.000 đồng/kg.
Như vậy, hiện chỉ còn Hà Nội và Phú Thọ là hai địa phương vẫn giữ giao dịch tại mức 64.000 đồng/kg, cao nhất cả nước. Các tỉnh, thành phố còn lại trong vùng đi ngang trong khoảng 62.000 – 63.000 đồng/kg.
* Giá heo hơi tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, heo hơi tại Nghệ An và Thanh Hoá cùng giảm về mức 62.000 đồng/kg, bằng giá bán ra tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và Lâm Đồng.
Hiện tại, ngoài những tỉnh trên, giá heo hơi tại các địa phương còn lại trong vùng không có sự chênh lệch lớn, dao động từ 60.000 – 61.000 đồng/kg.
*Giá heo hơi tại khu vực miền Nam
Khu vực miền Nam ghi nhận biến động tăng, giảm trái chiều trong phiên sáng nay, giao dịch trong khoảng 60.000 – 63.000 đồng/kg.
Cụ thể, Bình Dương điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg, về giá 60.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng và Cà Mau cùng tăng 1.000 đồng/kg, thu mua trong khoảng 61.000 – 63.000 đồng/kg.
* Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói về những vấn đề liên quan đến nhập khẩu thịt và các loại phụ phẩm về Việt Nam thời gian qua, những sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất chặt chẽ của Việt Nam. Điều này cũng giống như Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường đều phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của họ.
“Nước ta giờ đã có vị thế, có tiềm lực. Thế nên, không phải bất cứ sản phẩm gì cũng đổ vào được”, Thứ trưởng cho hay.
Ông cũng dẫn chứng, Bộ NN-PTNT đã có Thông tư 04 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Văn bản này đã được sửa đổi và bổ sung một số điểm để kiểm soát chặt hơn với các sản phẩm động vật.
Theo đó, từ ngày thông tư có hiệu lực (6/5/2024) đến 25/9, đã phát hiện 55 lô hàng thịt và các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu dương tính với Salmonella (vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, sốt… ) trên tổng số 6.679 lô hàng xét nghiệm Salmonella.
Nếu không xét nghiệm Salmonella, trên 1.319 tấn thịt động vật bị nhiễm Salmonella sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam, nguy cơ rất cao gây ra dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mới đây, Bộ NN-PTNT đã làm việc với 11 đoàn tham tán của các nước được phép xuất khẩu thịt vào nước ta. Phía Việt Nam trả lời đầy đủ, có cơ sở khoa học và thực tiễn về các quy định nhập khẩu nhóm mặt hàng này. Thông tư số 04 đã tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế và không gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu thời gian qua.
“Chúng ta phải làm chặt để bảo vệ người tiêu dùng cũng như ngành chăn nuôi trong nước”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Tới đây, các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT tiếp tục rà soát lại toàn bộ quy trình nhập khẩu thịt và phụ phẩm chăn nuôi ăn được, đồng thời đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu, ngăn chặn việc vận chuyển gà, lợn nhập lậu về Việt Nam
Nguồn: https://baoquocte.vn/gia-heo-hoi-hom-nay-1411-tang-tai-khu-vuc-mien-bac-va-bac-trung-bo-tiep-tuc-lam-chat-quy-trinh-nhap-khau-thit-de-bao-ve-nguoi-tieu-dung-293665.html