Thành phố Hồ Chí Minh đang là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư do là đô thị đặc biệt, là trung tâm về kinh tế, du lịch, văn hóa,… và là cửa ngõ giao thương quan trọng trong khu vực và thế giới.
Nhằm phát triển du lịch hiệu quả, từ nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, nhiều địa phương ở Nam Bộ tăng cường quảng bá, giới thiệu đến các nhà đầu tư những ưu thế, tiềm năng đặc thù. Cùng với đó, từng địa phương đưa ra định hướng phát triển du lịch theo trọng điểm, tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ, tránh trùng lặp, thiếu sức hút.
Nhận diện tiềm năng
Tăng sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch, dịch vụ, bên cạnh nắm bắt xu hướng, nhu cầu thị trường, nhiều địa phương tập trung chọn lọc, giới thiệu những nét nổi bật về tiềm năng, thế mạnh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Thành phố đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều nhà đầu tư. Với ưu thế là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, du lịch, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu, hội nhập quốc tế và là cửa ngõ giao thương quan trọng với các nước trong khu vực và thế giới, Thành phố còn có bờ biển dài 23km tại huyện Cần Giờ, cách trung tâm Thành phố khoảng 50km, tiềm năng cho phát triển cảng biển, du lịch biển, năng lượng tái tạo…
Liên quan đến phát triển du lịch, dịch vụ, Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống hơn 3.220 cơ sở lưu trú các loại, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường du khách. Mỗi năm, Thành phố thu hút bình quân trên 40 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu thông tin thêm.
Cùng ở Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước đang tích cực quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế thế mạnh ở địa phương, trong đó có du lịch, dịch vụ. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, tỉnh có vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên và với quốc tế (Campuchia, Lào, Thái Lan).
Hiện, hệ thống hạ tầng giao thông ở Bình Phước từng bước hiện đại, tỉnh có các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 13, 14, ĐT.741, thuận lợi trong kết nối giao thông liên vùng, kết nối với các địa phương khu vực Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia (qua Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư).
Dự kiến sau năm 2025, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) sẽ được hoàn thành, rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch, dịch vụ.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tỉnh An Giang vừa tổ chức Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng với chủ đề “An Giang: Không gian mới-Giá trị mới”. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hồ Văn Mừng nhấn mạnh: An Giang là vùng đất đặc biệt, vừa có đồng bằng trù phú, vừa có đồi núi trải dài từ Đông sang Tây, hình thành nên dãy Thất Sơn hùng vĩ với nhiều cảnh quan đẹp kết hợp những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí. Ngoài ra, tỉnh còn có tuyến biên giới giáp Campuchia dài gần 100 km với 2 Cửa khẩu Quốc tế là Vĩnh Xương, Tịnh Biên và Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình chuẩn bị nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế. Từ các lợi thế, An Giang xác định các lĩnh vực đẩy mạnh thu hút đầu tư: kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu.
Đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm
Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, với quan điểm thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, kém hiệu quả, Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ và đẩy mạnh hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng phát triển du lịch. Thành phố khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, tạo điều kiện cho người dân tham gia kinh doanh du lịch, dịch vụ. Các ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án có quy mô lớn, trọng điểm để tạo động lực và sức lan tỏa cho phát triển sản phẩm du lịch.
Đối với đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, ngành du lịch Thành phố tiếp tục phối hợp các đơn vị địa phương liên quan khảo sát, thiết kế, hoàn thiện các tour, tuyến du lịch nội vùng như: Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn, Sài Gòn trăm năm, hoa trái thương hồ, Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình… Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng quan tâm thu hút đầu tư, làm mới các chương trình du lịch tại nhiều điểm đến gắn với hoạt động trải nghiệm, đạp xe tại vùng ngoại thành, tìm hiểu văn hóa địa phương, tham gia các hoạt động hướng đến việc bảo vệ môi trường.
Một trong các sản phẩm trọng điểm của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh là du lịch đường sông. Thành phố khuyến khích đầu tư, tăng cường các dịch vụ du lịch trên sông, trong đó chú trọng phát triển “cốt truyện” quan trọng cho sản phẩm du lịch trên sông, tái hiện chợ nổi trên sông đoạn khu vực cầu Tân Thuận; xây dựng các mô hình phát triển du lịch đường sông trên sông Sài Gòn, như: Mô hình tàu nghỉ cao cấp qua đêm trải nghiệm trên sông; mô hình tàu gỗ nhỏ và vừa để vận chuyển khách, qua đó kết nối với các rạch nhỏ, kênh, kết hợp đưa du khách tham quan các di tích lịch sử, đình, chùa, làng nghề.
Với dòng sản phẩm du lịch ẩm thực, Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư và thu hút các nguồn lực xây dựng, phát triển chuỗi hệ thống ẩm thực gắn với các câu chuyện, sự tích, địa danh văn hóa của thành phố, ví dụ như đặc sản cơm tấm chợ Bến Thành, bún riêu chợ Bến Thành, xôi chợ Bà Chiểu, bánh mì Hòa Mã.., góp phần tạo thương hiệu văn hóa gắn liền với các “food tour”, thu hút du khách.
Theo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng, năm 2024, du lịch An Giang thu hút khoảng trên 9 triệu lượt du khách song vẫn còn rất nhiều dư địa để gia tăng lượng khách và doanh thu. Để phát huy tốt nhất tiềm năng phát triển các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn An Giang như: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê, Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm, Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư, Khu du lịch Búng Bình Thiên…, tỉnh rất cần các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm và năng lực, có chiến lược đầu tư bài bản, đột phá, đa dạng nhiều hình thức, làm phong phú hơn nữa các loại hình, tour, tuyến du lịch để thu hút, “giữ chân” và gia tăng mức chi tiêu của du khách.
Ở Đông Nam Bộ, du lịch là một trong những ngành kinh tế nhiều tiềm năng của tỉnh Bình Phước. Tỉnh chủ trương thu hút đầu tư theo trọng điểm, tạo các sản phẩm điểm nhấn. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án du lịch gắn liền với việc xây dựng khách sạn 4-5 sao tại khu vực hồ Suối Cam (thành phố Đồng Xoài), Khu du lịch hồ Suối Giai (huyện Đồng Phú) Khu du lịch Bà Rá (thị xã Phước Long), Khu du lịch trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng), mở rộng Khu du lịch Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết (huyện Lộc Ninh).
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh, thời gian tới, Bình Phước tiếp tục thực hiện phương châm “nền tảng 4 tốt” (hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt) để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh có 5 huyện thuộc địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư và 5 huyện, thị xã thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư. Khi đầu tư vào Bình Phước, tùy theo địa bàn và ngành nghề ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tang-suc-hut-dau-tu-vao-linh-vuc-du-lich-tai-cac-dia-phuong-nam-bo-post999566.vnp