Kinhtedothi – Cùng với chỉnh trang cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo diện mạo mới cho di tích, việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử đã biến các di tích trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Thân thiện, mến khách
Thạch Thất là một vùng đất cổ, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn huyện hiện có 209 di tích, trong đó chùa Tây Phương được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 34 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 66 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, TP và hệ thống tượng thời Tây Sơn tại chùa Tây Phương (34 pho tượng) được công nhận là bảo vật quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn huyện 50 làng nghề, trong đó 10 làng nghề được cấp bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống”…
Triển khai Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội, huyện Thạch Thất đã hướng dẫn các xã có khu, điểm du lịch thực hiện tuyên truyền vận động Nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn môi trường, đảm bảo cảnh quan, an ninh trật tự, vệ sinh đường làng ngõ xóm, thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử thân thiện với khách du lịch; qua đó tích cực tham gia xây dựng điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng.
Đáng chú ý, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp tuyến đường kết nối đến các khu, điểm du lịch như Hoàng Long, chùa Tây Phương; xây mới các ki ốt bán hàng, nhà vệ sinh công cộng khu di tích chùa Tây Phương…
Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thạch Thất Phạm Quang Thái cho biết, quảng bá điểm đến du lịch Lễ hội chùa Tây Phương, địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống đặc sắc và trên 100 gian hàng triển lãm, trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP của các DN, hộ sản xuất trên địa bàn huyện, Thủ đô và từ các tỉnh, TP, thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Năm 2024, lượng khách đến thăm quan, du lịch trên địa bàn huyện tăng cao, ước đạt 247.000 lượt khách, tăng 80.000 lượt; trong đó riêng du khách đến chùa Tây Phương đạt trên 98.000 lượt.
Tại huyện Mê Linh, mô hình “Di tích lịch sử, văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn” chính là một trong những điểm sáng trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện. Qua đó xây dựng tính chuẩn mực chung nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động tại di tích, góp phần giữ gìn, phát triển truyền thống tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đại diện Ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng cho biết, Ban Quản lý đã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân, du khách đến làm lễ, tham quan di tích chấp hành những quy định về trang phục, lễ nghi, đặt lễ, tiền công đức… và lồng ghép nội dung tuyên truyền Quy tắc ứng xử trong các dịp lễ hội, lồng ghép vào bài thuyết minh tại các di tích. Ban Quản lý duy trì thời gian mở cửa đền đón tiếp khách tất cả các ngày trong năm, hàng ngày mở cửa đền từ 6 – 17 giờ trong ngày; riêng các ngày lễ, Tết thời gian mở cửa sẽ sớm hơn.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023, trong đó gồm 6,35 triệu lượt khách quốc tế (có 4,47 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 34,4% so với năm 2023 và 21,51 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.
Cùng với đó, đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn viên tại di tích cho các đoàn khách trong và ngoài nước về thăm quan, làm lễ… để hiểu sâu sắc hơn về quê hương, thân thế, sự nghiệp của Hai Bà Trưng đối với sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước; về ý nghĩa lịch sử của di tích; về truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta đối với công lao của Hai Bà, của các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước. Nhờ đó, sức hút của di tích ngày càng cao.
“Tổng lượng khách đến tham quan, làm lễ, học tập và trải nghiệm tại di tích năm 2024 ước đạt khoảng hơn 460.000 lượt du khách. Tổng thu từ nguồn công đức năm 2024 đạt 5,5 tỷ đồng” – Trưởng ban Quản lý di tích đền Hai Bà Trưng Phạm Trần Quang cho biết.
Hà Nội – điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam
Với bề dày văn hóa Sơn Tây – xứ Đoài cùng hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng, thời gian qua, mô hình “Di tích lịch sử văn hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn” được triển khai tại điểm du lịch làng cổ Đường Lâm và điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, nhằm kết hợp bảo tồn di tích với phát triển du lịch bền vững, xây dựng môi trường du lịch an toàn, hấp dẫn.
Triển khai mô hình, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm và UBND xã Kim Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, tổ chức đoàn thể địa phương để triển khai hiệu quả các Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các điểm di tích, giúp du khách tuân thủ quy định về trang phục, vệ sinh, hành vi khi tham quan, hành lễ tại các điểm di tích.
Theo thống kê, 11 tháng năm 2024, điểm du lịch làng cổ Đường Lâm đón hơn 135.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. “Mô hình này không chỉ giúp duy trì trật tự tại các điểm di tích, mà còn nâng cao nhận thức về bảo vệ di sản văn hóa, tạo ra môi trường du lịch an toàn cho du khách đến với du lịch làng cổ Đường Lâm và điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn” – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sơn Tây Nguyễn Hải Anh chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội, Thủ đô Hà Nội là vùng đất giàu bản sắc văn hóa khi dẫn đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn với 5.922 di tích được kiểm kê. Trong đó có 1 di sản thế giới, 20 cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích xếp hạng quốc gia, 1.500 di tích xếp hạng cấp TP.
Đây được coi là những di sản vô giá cho muôn đời sau, cũng là tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch Hà Nội. Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06/CTr-TU về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trong đó, việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng nếp sống văn minh tại di tích, nơi thờ tự là nội dung quan trọng hướng về nguồn cội, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản Thăng Long, Hà Nội, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 133 khu, điểm tham quan du lịch. Triển khai Luật Du lịch 2017, đến nay, UBND TP đã công nhận 50 điểm du lịch, khu du lịch cấp TP, trong đó có 42 điểm du lịch, 8 khu du lịch cấp TP. Việc quản lý, khai thác tốt các điểm đến, các khu, điểm du lịch góp phần tích cực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch.
Ngành du lịch Thủ đô tiếp tục khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Hà Nội ở hạng mục “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” ghi nhận những giá trị về văn hóa, lịch sử và truyền thống của TP – nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, được gìn giữ, phát triển qua nhiều thế kỷ, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá văn hóa, lịch sử.
“Các khu, điểm du lịch trên địa bàn TP Hà Nội đang được du khách đánh giá rất cao về giá trị tài nguyên, giá trị văn hóa cũng như công tác bảo tồn và tôn tạo. Sự thân thiện của cộng đồng địa phương cũng đã tạo được rất nhiều dấu ấn trong lòng khách du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nội thanh bình và hiếu khách” – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết.
(Còn nữa)
Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, đã được công nhận điểm du lịch cấp TP tại Quyết định số 4613/QĐ-UBND ngày 4/9/2024 của UBND TP Hà Nội. UBND huyện giao Phòng Văn hoá -Thông tin phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức tuyên tuyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng cho 120 cán bộ, hội viên tại nhà khách đền Hát Môn và ra mắt mô hình “Khu danh lam thắng cảnh/di tích lịch sử kiểu mẫu tại xã Hát Môn”.
Kết quả đến nay, tất cả cán bộ, người trông coi di tích luôn ứng xử lịch thiệp, nhã nhặn, đúng mực; lắp đặt hòm thư góp ý và số điện thoại đường dây nóng tại điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn, đến nay chưa nhận được phản hồi, góp ý tiêu cực từ du khách. Hằng năm có hàng nghìn lượt khách về tham quan chiêm bái, tại di tích. Tính riêng 10 tháng năm 2024, tổng số có hơn 60 đoàn khách và trên 6.000 lượt khách về tham quan, tìm hiểu tại di tích.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bai-2-tang-suc-hut-cho-du-lich.html