Tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt vào thị trường Hoa Kỳ; Việt Nam vào nhóm xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới; doanh nghiệp chế biến, chế tao lạc quan… là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 1-7/10.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ ngày 4/1. (Nguồn: VnEconomy) |
Tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt vào thị trường Hoa Kỳ
Phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ ngày 4/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ trong năm 2023 đạt 11,1 tỷ USD, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của xuất khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam, với kim ngạch 13,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên năm 2023, Hoa Kỳ tụt xuống vị trí thứ hai, sau Trung Quốc.
“Các sản phẩm nông sản thực phẩm Việt Nam ngày càng thâm nhập thị trường quốc tế rộng rãi, năng lực xuất khẩu ngày được nâng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là một thị trường lớn mạnh, có sức tiêu thụ rất lớn, là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, để xâm nhập vào được thị trường này là vấn đề thử thách đối với doanh nghiệp Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng cơ hội đối với nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ là rất lớn. Nhiều nông sản đặc trưng của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu… nhưng Hoa Kỳ không có thế mạnh để sản xuất. “Đặc biệt, với 2 triệu người Mỹ gốc Việt thì đây sẽ là những bạn hàng hết sức thiện chí đối với hàng hóa nông sản Việt Nam”, TS Doanh nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh, hàng Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ bị đánh thuế 270%, nhưng cũng mặt hàng ấy gắn nhãn mác Việt Nam thuế là 0%. Vì vậy, các cơ quan của Hoa Kỳ kiểm tra chặt chẽ, điều tra và có biện pháp trừng phạt đối với việc gian lận trong xuất xứ hàng hóa. TS Doanh khuyến cáo các doanh nghiệp Việt cần hợp tác thẳng thắn, công khai minh bạch với các doanh nghiệp Mỹ để nâng cao giá trị gia tăng, sẽ có lợi hơn; đồng thời, xem xét kỹ luật pháp, các điều kiện về xanh, sạch, môi trường, tái chế, chất thải, các điều kiện về sở hữu trí tuệ…
Hoa Kỳ cũng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam (truy xét nguồn gốc bông của hàng dệt may, tránh nguy cơ bị cấm xuất khẩu, truy xét tôm có được trợ cấp…). Bên cạnh đó, tại thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh với nhiều đối tác khác đến từ Nam Mỹ, châu Á, châu Phi…
“Chúng ta phải hết sức cảnh giác, không nên vì dễ dàng, thấy đây là thị trường béo bở, cứ thế xuất sang càng nhiều càng tốt, lấn át thị phần các doanh nghiệp của họ thì sẽ rất dễ bị “tuýt còi”, gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Cho nên, phải tìm cách chế biến sâu, kết nối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, gắn thương hiệu của mình với thương hiệu của họ để chia phần lợi ích đối với họ, thì lúc bấy giờ mình xuất khẩu càng nhiều thì họ càng ủng hộ và không gặp những khó khăn”, TS Lê Đăng Doanh khuyến nghị.
Thông tin thêm, ông Huỳnh Minh Triết, Thương vụ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh, cho biết bên cạnh nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam, Hoa Kỳ cũng là nhà cung cấp nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất như bông sợi, gỗ và nhiều mặt hàng khác… Hoa Kỳ cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sản xuất tại Hoa Kỳ.
Theo ông Triết, Hoa Kỳ là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, đồng thời là “bệ phóng” để doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khác ở châu Mỹ. Vì vậy, khi đầu tư sản xuất tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để tiết kiệm chi phí và đáp ứng yêu cầu xuất xứ.
Xuất khẩu sản phẩm trồng trọt hướng đến mục tiêu trên 26 tỷ USD
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể đó là đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 – 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8 – 10%/năm.
Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương…) 10 – 15%, trồng trọt hữu cơ 1%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 – 35%.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD. Giá trị sản phẩm bình quân trên đất trồng trọt đạt 150 – 160 triệu đồng/ha.
Phấn đấu đến năm 2050, trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.
Chiến lược xác định phát triển sản xuất lúa ở vùng quy hoạch tập trung được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hậu cần logistics.
Giữ ổn định diện tích 3,56 triệu ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 3 triệu ha, sản lượng trên 35 triệu tấn thóc, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu. Trong đó, lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 85 – 90%, lúa sử dụng cho chế biến chiếm 10 – 15%.
Đối với rau tăng diện tích và đa dạng chủng loại, mùa vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang tăng nhanh trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, xây dựng các cụm liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ tại các địa phương, các vùng có sản lượng rau lớn. Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung bảo đảm truy xuất nguồn gốc.
Với cà phê, Chiến lược cũng xác định thúc đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng, truy suất nguồn gốc. Đẩy mạnh chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm cà phê, đặc biệt chế biến sâu gia tăng giá trị và tạo sự khác biệt của cà phê Việt Nam gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam.
Chiến lược cũng nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp với cây cao su, hồ tiêu của nước ta. Tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, gắn với phát triển các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ. Ưu tiên phát triển một số cây ăn quả có lợi thế, có thị trường tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa…
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 53,01 tỷ USD. Trong số 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, có tên các mặt hàng trong ngành trồng trọt gồm: Rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm ngoái; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%.
Hơn 70% doanh nghiệp chế biến chế tạo lạc quan về đơn hàng xuất khẩu quý I
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập trong báo cáo Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng quý IV/2023, dự báo quý I/2024 do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố.
Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV/2023 có sự tham gia của 5.749 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 88,4% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra) đại diện cho toàn ngành chế biến chế tạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kết quả khảo sát, có 68,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý III/2023 (29,2% tăng, 39,7% giữ nguyên); 31,1% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Theo ngành kinh tế, ngành in, sao chép bản ghi các loại có tỉ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng mới quý IV/2023 so với quý III/2023 tăng cao nhất với 40,2%. Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỉ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 37,6%.
Đơn hàng mới của một số doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực đã được cải thiện từ quý IV/2023. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng với 72,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (29,3% tăng, 43,4% giữ nguyên), 27,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Đối với thị trường xuất khẩu, có 67,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2023 tăng và giữ nguyên so với quý III/2023 (22,4% tăng, 45,0% giữ nguyên), ngược lại tỉ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 32,6%.
Kết quả của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2024 khả quan hơn với 71,4% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023 (24,6% tăng, 46,8% giữ nguyên); 28,6% doanh nghiệp dự báo giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2023 đã phục hồi tích cực hơn quý trước nhưng tốc độ phục hồi còn chậm. Doanh nghiệp ngoài nhà nước với chỉ số cân bằng chung là 4,7% khả quan hơn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI (chỉ số cân bằng chung doanh nghiệp nhà nước và FDI lần lượt là -2,7% và -5,6%).
Một số ngành có tín hiệu hồi phục nhanh hơn các ngành khác như: ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định quý IV/2023 tăng so với quý III/2023 cao hơn so với các ngành khác ở các yếu tố “khối lượng sản xuất”, “đơn đặt hàng xuất khẩu” và “sử dụng lao động”.
Ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định quý IV/2023 tăng so với quý III/2023 cao hơn so với các ngành khác ở các yếu tố “khối lượng sản xuất” và “sử dụng lao động”. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định quý IV/2023 tăng so với quý III/2023 cao hơn so với các ngành khác ở các yếu tố “đơn đặt hàng xuất khẩu” và “sử dụng lao động”.
Việt Nam vào nhóm xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới
Thông tin được Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành Nông nghiệp tổ chức ngày 3/1.
Bộ trưởng Đạt đánh giá cao việc phối hợp giữa Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn trong năm 2023. Nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia được thực hiện, góp phần tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
Trong giai đoạn 2018-2023, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã công nhận 215 giống mới, 121 tiến bộ kỹ thuật 42 sáng chế, 224 tiêu chuẩn kỹ thuật, 125 quy trình kỹ thuật được ban hành.
Ông đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xây dựng kế hoạch chương trình hành động của Chính phủ được ban hành theo Nghị quyết số 189, thực hiện Nghị quyết số 36 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đề án phát triển nông nghiệp sinh học thành ngành kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ở giai đoạn tới ông cũng đề nghị hai bên phối hợp nghiên cứu phát triển các sản phẩm quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng bức xạ, phương pháp chiếu xạ. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã tạo ra và đưa vào sản xuất 80 giống cây trồng đột biến bằng phương pháp chiếu xạ, trong đó chủ yếu là các giống lúa.
Bộ trưởng cũng cam kết “Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đồng hành với ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp”. Gần nhất hai bộ phối hợp triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã rà soát và trình Thủ tướng xem xét danh mục sản phẩm quốc gia đến năm 2030, trong đó ngoài các sản phẩm quốc gia của giai đoạn trước, còn có thêm 6/10 sản phẩm quốc gia mới thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
(tổng hợp)