Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3) món quà nào tặng cho những người phụ nữ mình yêu thương là phù hợp nhất. Tôi nghĩ điều ấy tùy thuộc vào độ tuổi, cuộc sống của mỗi cá nhân, bởi mưu cầu hạnh phúc của mỗi người rất khác nhau. Bạn không thể so sánh món quà của người nghèo và người giàu, người 20 tuổi với người 40 tuổi…
Suy cho cùng, những món quà cũng chỉ để ngày 8-3 thêm tươi vui và mỗi phận người – cuộc đời sẽ có một món quà khác nhau.
Từ lúc “lễ xong là ăn mì gói” tới khi “mang tiền về cho vợ”
Năm tôi 20 tuổi, tình yêu là điều gì đó rất lớn lao. Chạm ngõ của cảm xúc đầu đời, tôi ngỡ tình yêu là bầu trời nếu mất đi sẽ là sự sụp đổ.
Ngày đó, dù chỉ là sinh viên, tôi vẫn cố gắng mua một bó hoa thật tươi để tặng cho người thương và dẫn bạn gái đi ăn những món vỉa hè.
Ngày đó tôi đang là sinh viên, ngày 8-3 tôi chỉ có thể dành thời gian cho người yêu. Sau ngày lễ ấy là những ngày ăn mì tôm bởi số tiền chi tiêu quá lố.
Những ngày lễ trôi qua quãng đời sinh viên và những món quà dành cho cô gái mình thương cứ lặp đi lặp lại một trình tự “lễ xong là ăn mì gói”.
Tốt nghiệp đại học và đi làm, tiền bạc kiếm được cũng “nâng cấp” món quà dành cho người phụ nữ mình thương. Sự “mạnh tay” mua những món quà cũng vì thế mà nhiều hơn. Dĩ nhiên, lúc này không chỉ cho duy nhất bạn gái mà tôi đã biết nghĩ đến mẹ mình, người phụ nữ đã cả đời vì tôi.
Năm 30 tuổi, tôi cưới vợ, cuộc sống thay đổi rất nhiều, áp lực cuộc sống cũng vì thế mà lớn dần. Không còn tình yêu tuổi trẻ bên nhau dạo chơi rồi ai về nhà nấy. Khi lập gia đình, chúng tôi về chung một nhà, cùng nhau xây đắp tổ ấm non trẻ của mình. Món quà của tôi cũng thay đổi rất nhiều.
Những ngày lễ 8-3 trôi qua, tôi thường chuyển khoản cho vợ cùng lời nhắn “Chúc mừng em ngày 8-3, anh mới chuyển quà, em muốn mua gì cho con thì mua nha”. Có lẽ ở tuổi trên 30 và sắp chạm ngõ 40, sự ổn định của gia đình là quá cần thiết.
Ở tuổi này, vợ tôi cũng hiểu sự khó khăn của cuộc sống, cô ấy cũng không muốn những bó hoa to đùng như thuở còn yêu vì “anh mua chi cho phí”.
Ở mỗi thời điểm của tuổi tác và vị trí khác nhau, những món quà cũng khác nhau rất nhiều. Với tôi, món quà lớn nhất tôi dành cho những người phụ nữ mình yêu thời điểm này chính là “mang tiền về cho vợ con”. Bởi tôi sợ cuộc sống khó nghèo của cha mẹ và tuổi thơ mình, nó thật sự đáng sợ.
Mẹ tôi, người phụ nữ cả đời không được ba tặng quà
Mẹ tôi – người phụ nữ cả đời chưa một lần được ba tặng quà những ngày lễ. Tôi cũng chưa một lần thấy mẹ nhắc đến chuyện quà dù đó là ngày cả thế giới dành cho phụ nữ. Những năm 1990 của thế kỷ trước, ba tôi rời làng quê nghèo vào TP.HCM đạp xích lô.
Ba tôi đi lúc tôi mới 3 tuổi, tròn 21 năm đạp xích lô, ngày tôi tốt nghiệp đại học ra trường ba mới rời Sài Gòn về lại quê nhà, kết thúc hành trình mưu sinh cực khổ.
Ở xóm nghèo quê tôi ngày đó, tất cả đàn ông rời làng vào Nam mưu sinh, chỉ còn lại những người vợ gồng gánh đàn con thơ. Ngày 8-3, ngày 20-10… tôi thấy chẳng ai quan tâm. Điều những người phụ nữ cần nhất chính là cuộc sống đỡ cơ cực hơn.
Bây giờ, cuộc sống của gia đình tôi ổn hơn rất nhiều, anh em tôi đều có một công việc ổn định. Chúng tôi thường mua hoa tặng mẹ mình những ngày lễ, kèm theo một số tiền. Thật sự, thói quen gửi mẹ ít tiền thay vì quà nó đến từ cuộc đời khó nghèo đã trải qua.
Có lần tôi hỏi mẹ “Cả đời ba không tặng quà mẹ chẳng buồn sao?”. Mẹ tôi ngồi tâm tình với hai đứa con dâu, rằng: “Bọn con có công việc ổn, có tiền thì còn nghĩ đến ngày lễ này kia, chứ thời mẹ chẳng ai nghĩ đến lễ lộc gì. Nghèo, nên món quà lớn nhất với mẹ là ba sống có trách nhiệm”.
Tôi chợt nhận ra, chẳng phải thời của mẹ, mà trong chính thời điểm này, nhiều bạn bè ở quê có cuộc sống khó khăn, ngày lễ lộc gì hai vợ chồng cũng đùm túm nhau đi làm.
Món quà những ngày lễ chỉ là sau giờ làm, hai vợ chồng ghé ra chợ mua gì đó ngon hơn thường ngày mang về nấu cho cả nhà ăn, chẳng cần một bó hoa hay phần quà gì to lớn.
Suy cho cùng, chẳng có món quà nào to lớn, hay nhỏ bé. Có lẽ câu nói đúc kết từ ngàn đời “phú quý sinh lễ nghĩa” thật sự không sai. Người có cuộc sống sung túc thì những ngày lễ phần quà dành cho người phụ nữ mình yêu thương cũng to lớn và cầu kỳ.
Người có cuộc sống khó khăn chỉ đơn giản là một ngày bình yên như mọi ngày, món quà lớn nhất với họ là người đàn ông đi bên mình sống có trách nhiệm, nỗ lực vì vợ con.
Tặng quà gì cho người phụ nữ mình yêu thương
Những ngày lễ, tôi nghĩ người đàn ông nào cũng muốn tặng cho người phụ nữ mình yêu thương những món quà. Nếu đem món quà làm phép so sánh của hạnh phúc thì chẳng thể nào so được. Người siêu giàu, đại gia, khá giả, trí thức, công nhân, nông dân… sẽ có những phần quà khác nhau, tương đồng với cuộc đời họ đang trải qua.
Tặng quà gì người phụ nữ mình thương nhân ngày 8-3, nếu người phụ nữ không đủ tinh ý và sẻ chia mà xem những hình ảnh lung linh trên mạng ai đó được người yêu, chồng, con… tặng quà và nói với người đàn ông của mình như sự trách cứ, vô tình đẩy áp lực lên người đàn ông tội nghiệp của mình.
Vậy nên, cứ nhìn cuộc đời mình và an nhiên hạnh phúc đang có là món quà quý giá nhất.
Mời bạn đọc cùng trao đổi, chia sẻ về chủ đề: “Có phải phụ nữ cần được tặng quà và có quà mới vui?” gửi về email [email protected] hoặc bình luận ở dưới bài. Cảm ơn bạn đọc.