Tăng nhập điện nhưng lo vướng đường dây
Từ hôm nay (24/5), thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đưa vào vận hành đường dây 110Kv Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) phục vụ cho việc mua điện từ phía Thâm Câu (Trung Quốc).
Theo thỏa thuận, phía Trung Quốc sẽ cấp điện cho Việt Nam với tổng công suất tối đa 70MW và 30 triệu kWh/tháng. Trong các tháng 5, 6 và 7/2023, phần điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp cho trạm 110kV Móng Cái, TP. Móng Cái và 110kV Quảng Hà, huyện Hải Hà, thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Như vậy, TP. Móng Cái và huyện Hải Hà sẽ sử dụng điện từ phía Trung Quốc cấp, góp phần giảm tải khó khăn về nguồn của hệ thống điện phía Bắc.
Đây là một trong các biện pháp được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo Chính phủ để ứng phó với tình hình nguồn điện căng thẳng.
Trong đợt này, EVN cũng mua thêm 234 MW điện từ các nhà máy thuỷ điện của Lào. Việc nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện thời gian tới.
Trong đó, nhập khẩu điện từ Trung Quốc chủ yếu qua hai cửa khẩu là Hà Giang và Lào Cai. Tuy vậy, khả năng nâng công suất nhập khẩu điện từ nước này là không thực hiện được do giới hạn về đường dây 220kV. Vì vậy, EVN đang nghiên cứu để nhập khẩu điện qua đường dây 500kV.
Do phải xử lý những biến động về tần số và biến áp, nên cần nâng cấp đường dây và có giao diện chuyển điện áp để đưa điện về Việt Nam cho phù hợp. Dự án này dự kiến đến sau năm 2025 sẽ đưa vào vận hành.
Đối với việc nhập khẩu điện từ Lào, EVN cho hay đang ký hợp đồng với các chủ đầu tư cấp điện tại Lào với công suất 1.000MW. Kèm theo đó, tập đoàn cũng đang đôn đốc các đơn vị đầu tư xây dựng các tuyến đường dây để sớm đưa nguồn điện từ Lào về qua tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, EVN cũng nhập khẩu thêm qua hệ thống đường dây ở Tương Dương (Nghệ An) đã được xây dựng xong. Các bên đang chờ hoàn thiện hệ thống đường dây phía Lào để kết nối – đây sẽ là tuyến để gia tăng nhập khẩu điện từ nước này.
Trông chờ tiết kiệm điện
Tính đến ngày 11/5, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua.
Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm; một số hồ chỉ đạt 20%, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do gió kém nên chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.
Đặc biệt, từ cuối tháng Tư đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, khiến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dân dụng.
Phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 19/5 tăng lên mức kỷ lục mới, xấp xỉ 924 triệu kWh, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022.
Điều này gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng nếu không có những giải pháp kịp thời, quyết liệt hơn; trong đó, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, góp phần bảo đảm đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội thời gian tới.
Với nguồn điện gần như không còn dự phòng gây khó khăn, ngày 22/5, Bộ Công Thương đã phải tổ chức hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình cung ứng điện và phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc.
Theo EVN, giải pháp là tăng cường tiết kiệm điện, vận động khách hàng điều chỉnh thời gian sử dụng điện tại các giờ cao điểm nắng nóng. Những ngày qua, trung bình mỗi ngày nhu cầu sử dụng điện giảm hơn 5,9 triệu kWh/ngày (trong đó, chiếu sáng công cộng tiết kiệm được khoảng 900 nghìn kWh/ngày).
Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết: Tính đến chiều 23/5, tại 27 tỉnh, thành phía Bắc mà tổng công ty quản lý bán điện, có 21 địa phương đã có chỉ đạo đẩy mạnh, tăng cường tiết kiệm điện trên địa bàn trong mùa khô và cả năm 2023. Đó là Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Nghệ An, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Lai Châu, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Yên Bái, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La, Hưng Yên.
Cập nhật theo Tổng công ty Điện lực miền Trung, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đến sáng 23/5 có 9 tỉnh, thành phố đã có ‘lệnh’ tiết kiệm điện, gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắc Nông, Quảng Ngãi.