Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7. Theo đó, lương tối thiểu giờ tăng tương ứng, tác động đến người làm việc bán thời gian (part-time).
Cụ thể, vùng I tăng lên là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ và vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Lương chưa tăng, sinh hoạt phí đã tăng
Để trang trải sinh hoạt phí ở Hà Nội, Hoàng Lệ, 20 tuổi, sinh viên năm nhất ngành sư phạm, nhận làm thêm tại một tiệm bánh ở quận Cầu Giấy. Lệ kể nhờ công việc bán thời gian này, cô kiếm được gần 3 triệu đồng/tháng.
“Mỗi ngày, tôi phải trả khoảng 100.000 đồng tiền sinh hoạt, nhiều nhất là tiền nhà, chưa tính mùa hè nắng nóng, tiền điện tăng phải gấp đôi”, cô nói.
Nghe tin sắp được tăng lương tối thiểu giờ, Lệ mừng vì lương cao hơn, song suy đi tính lại, tiền công khoảng 4-5 tiếng/ngày chỉ đủ bù một phần chi tiêu trên thủ đô, còn lại vẫn phụ thuộc gia đình.
“Lương tăng nhưng tôi không biết chủ tiệm có tăng lương không”, Lệ băn khoăn.
Đức Thắng, 22 tuổi, nhân viên tại một cửa hàng tiện lợi tại quận Ba Đình, bày tỏ lương thấp nên phải “chắt bóp” mới sống được ở thành phố.
“Hôm nào rảnh, mình xin làm đủ 8 tiếng. Cuối tháng trừ chi tiêu ăn uống, thuê nhà, mình chỉ dư khoảng 300.000 đồng, nhiều khi uống cốc trà đá còn phải suy nghĩ”, Thắng tâm sự.
Là người kinh doanh tự do, cô Thủy – trú Đống Đa, Hà Nội – cho biết những tháng gần đây, vật giá leo thang từ tiền thịt cá, rau củ cho tới điện nước, đi lại. Trước đây, cô còn kiếm được 7-8 triệu/tháng nhưng kinh tế khó khăn, thu nhập giờ chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.
“Tôi phải chi tiêu dè sẻn hơn. Trước đây, tôi đi chợ mua 3 phần thịt thì nay chỉ mua 2 phần. Điện nước tăng lên rất nhiều. Nhà tôi 4 người, hồi trước tiền điện chỉ hết hơn 600.000 đồng, nhưng giờ phải 800.000 đồng, nước cũng tăng gấp đôi”, cô nói.
Tăng lương: Nơi đã có kế hoạch, nơi cần thời gian
Chị Vân Anh – chủ một tiệm cà phê tại quận Cầu Giấy – chia sẻ lao động mong tăng lương nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cân đo, đong đếm, từ chi phí nhân công, lợi nhuận, khả năng cạnh tranh.
“Khi chi phí vận hành cao, lợi nhuận thấp, việc tăng lương cho nhân viên sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi sẽ dành thời gian tính toán tối ưu chi phí, bổ sung đãi ngộ riêng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhất là các bạn sinh viên”, chị cho hay.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Mỹ – cán bộ tuyển dụng A25 Hotel – cho hay đơn vị đang tuyển rất nhiều nhân viên part-time, lương 30.000 đồng/giờ, làm tối thiểu 5 tiếng/ngày. Còn sinh viên thực tập nhận lương 120.000 đồng/ngày.
Như vậy, đơn vị này đã trả lương cao hơn mức tối thiểu giờ tại Hà Nội.
“Ngoài tạo điều kiện cho các bạn sinh viên kiếm thêm thu nhập, chúng tôi còn tuyển các chị lớn tuổi làm bộ phận buồng phòng. Các vị trí như nhà hàng, lễ tân, chăm sóc sức khỏe, kế toán, hành chính vẫn tuyển dụng do mở rộng chi nhánh tại Hà Nội và đón mùa cao điểm”, bà Mỹ nói.
Theo vị này, sinh viên làm thêm có ưu điểm nhiệt tình, năng động song điểm yếu là thiếu kinh nghiệm, va chạm nên cần đào tạo thêm kỹ năng, giao tiếp, nhất là vị trí lễ tân, chăm sóc khách hàng.
Ông Vũ Quang Thành – phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết nhu cầu lao động bán thời gian, công việc giản đơn đang rất lớn. Bạn trẻ có thể tìm việc phù hợp ở nhà hàng, cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí…
“Việc làm part-time rất lớn, giúp bạn trẻ kiếm thêm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng mềm, tuy nhiên các bạn phải bố trí, sắp xếp thời gian làm thêm – học tập hợp lý. Đối với sinh viên, việc học tập, trang bị kiến thức phục vụ công việc sau này vẫn quan trọng nhất”, ông nói.
Về mức lương, ông Thành lưu ý mức lương tối thiểu giờ hiện tại ở các quận nội thành Hà Nội là 22.500 đồng/giờ, song có nơi trả thấp hơn mức này hoặc cao tới 30.000, 40.000 hay 50.000 đồng/giờ, nên bạn trẻ đi làm cần trao đổi rõ về tiền công, tránh thiệt thòi.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tang-luong-toi-thieu-tu-ngay-1-7-nguoi-lam-tu-do-vua-mung-vua-lo-20240503112815104.htm