Đây là nhận định của Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bên lề lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (2/7/1994 -2/7-2024) diễn ra ngày 1/7.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, lương cơ sở được điều chỉnh tăng 30% góp phần cải thiện, nâng cao đời sống, tạo động lực cho đoàn viên, người lao động tiếp tục làm việc, cống hiến. Cải cách tiền lương tạo nên đột phá mới, để lương thực sự là nguồn thu nhập chính của người lao động, đủ để nuôi sống bản thân và gia đình.
Việc thực hiện cải cách tiền lương sẽ góp phần quan trọng thu hút cán bộ giỏi vào hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước cũng như phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với việc tăng lương cơ sở, từ 1/7 lương tối thiểu vùng cũng được điều chỉnh tăng 6%. Ông Hiểu cho rằng, mức tăng này sẽ góp phần nâng cao đời sống của đoàn viên người lao động.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát không để các mặt hàng, dịch vụ liên quan thiết yếu đến đời sống của người lao động tăng cao, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục, y tế và xăng dầu.
Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) là mức tăng cao nhất lịch sử. Đây là nỗ lực, cố gắng lớn của Nhà nước. Việc điều chỉnh tăng lương trong giai đoạn hiện nay là rất kịp thời, góp phần nâng cao đời sống của người lao động.
Với ngành y, theo bà Bình, các đơn vị hành chính khá yên tâm với mức điều chỉnh lương trên. Tuy nhiên, lãnh đạo trong các đơn vị tự chủ lại bị áp lực.
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cân đối lại với những đơn vị thực hiện tự chủ thuộc hệ thống y tế dự phòng. Các đơn vị tự chủ cũng đề nghị sớm ban hành giá, lệ phí đầy đủ yếu tố như vậy mới có cơ sở trả lương theo mức điều chỉnh mới.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tang-luong-ngan-ngua-can-bo-tham-nhung-tieu-cuc-2297265.html