Sáng 5-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng.
Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhiều sự kiện lớn của đất nước
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong tháng 7 vừa qua, đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng nhấn mạnh hàng triệu người dân đã tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng trăm nước gửi điện chia buồn và hơn 1.000 đoàn quốc tế tới viếng tại các đại sứ quán Việt Nam ở các nước.
Điều này vừa khẳng định sự ngưỡng mộ, kính trọng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa thể hiện sự đánh giá cao với vị thế, uy tín của đất nước ta, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thủ tướng cũng nhắc lại, ngày 3-8, Trung ương đã thống nhất bầu Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với tỉ lệ tuyệt đối 100%. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Đánh giá về tình hình vừa qua, ông cho rằng thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn. Đó là biến động chính trị, xung đột leo thang ở Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza; rủi ro của kinh tế toàn cầu, giá vàng, dầu thô, giá hàng hóa biến động; già hóa dân số, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên…
Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nhất là nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu hạn chế.
Phân công rõ người rõ việc để đạt kết quả tốt
Dù vậy Thủ tướng đánh giá những kết quả tích cực đạt được trên nhiều lĩnh vực. Đó là tăng trưởng được thúc đẩy cả khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư.
60/63 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, đây là điểm sáng. Nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện.
Đáng chú ý ông đánh giá dù trong tháng 7 đã thực hiện tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể.
Đồng thời ông cũng nhìn nhận các hạn chế, khó khăn. Đó là sức ép lạm phát còn cao, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao.
Kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm…, an ninh trật tự trên một số địa bàn tiềm ẩn phức tạp; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…
Thủ tướng nêu vấn đề là cần phải quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc liên quan thể chế, tập trung thi hành tốt các luật mới được ban hành và đã có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…
Đồng thời các bộ, ngành phải hướng dẫn cụ thể, các địa phương phải chủ động, tích cực hơn nữa, các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phản ứng chính sách tốt hơn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…
“Nhưng tinh thần là phải phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả”, tăng cường giám sát, kiểm tra, thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời”, ông nhấn mạnh.
Vì vậy các ý kiến cần tập trung đánh giá các kết quả đạt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đề xuất chính sách giải pháp. Trọng tâm là thực hiện mục tiêu GDP cả năm đạt 7%, chuẩn bị các nội dung, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác chuẩn bị phục vụ Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tang-luong-co-so-nhung-lam-phat-tang-khong-dang-ke-20240805093622605.htm