Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng, là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á lọt vào nhóm tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Và TP HCM là một trong những điểm đến được du khách tìm kiếm nhiều nhất. Chưa bao giờ, sản phẩm du lịch ở thành phố (TP) lại nhiều, đa dạng như hiện nay, nếu tập trung đầu tư nâng chất lượng và tăng kết nối với các vùng miền, sẽ tạo cú hích mạnh mẽ.
Đẩy mạnh liên kết vùng
Năm 2023, mục tiêu của ngành du lịch TP HCM sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế; 35 triệu lượt khách nội địa. Số liệu 9 tháng đầu năm cho thấy, ngành du lịch TP đã đón khoảng 3,56 triệu lượt khách quốc tế và gần 27 triệu lượt khách nội địa. Dù khách du lịch quốc tế tăng 69% so cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu cả năm đã đặt ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, phân tích khách du lịch tới TP HCM chủ yếu là khách MICE (khách dự hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng); khách kết hợp công tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư kết hợp du lịch… nên yếu tố kết nối liên vùng rất quan trọng. Khách đến TP rồi sẽ tiếp tục đi các điểm đến khác như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Phan Thiết để nghỉ dưỡng. Mới đây, một số tuyến cao tốc đi vào hoạt động như Dầu Giây – Phan Thiết góp phần tạo thuận lợi cho dòng khách này, nhưng vẫn chưa đủ nên cần đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng giao thông để hỗ trợ cho du lịch TP.
TP HCM cần tăng tốc kết nối liên vùng để xây dựng những gói sản phẩm du lịch chung
“Không phải ngành du lịch TP làm chưa tốt mà một phần do ảnh hưởng từ yếu tố khách quan thị trường khi đang thiếu vắng dòng khách Đông Âu, Bắc Âu… Thị trường khách này vốn rất thích tới TP rồi đi tiếp tới những điểm nghỉ dưỡng lân cận như Hồ Tràm. Có điều, sau COVID-19, nhu cầu thị hiếu của khách đã thay đổi nên TP cũng cần có giải pháp để khai thác nhiều thị trường khách khác” – bà Phương Hoàng nói.
Đơn cử, những dòng khách quốc tế tới Việt Nam tăng trưởng tốt hiện tại là khách Hàn Quốc, Ấn Độ…, họ rất thích Đà Nẵng, Nha Trang, làm sao để TP HCM cũng có thể đón dòng khách này nhiều hơn? Hay muốn thu hút thêm nhiều khách MICE cần tăng tốc kết nối liên vùng với các địa phương khác, xây dựng những gói sản phẩm du lịch chung, cùng quảng bá để kéo khách đến TP rồi lan tỏa ra các địa phương khác. Khi hạ tầng phát triển, doanh nghiệp (DN) sẽ xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp đáp ứng nhu cầu của khách.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và Marketing, Công ty Du lịch TSTtourist, cũng nhận định sản phẩm du lịch của TP HCM đang rất nhiều, nhưng để tăng tính cạnh tranh và hấp dẫn cần kết nối với các tỉnh, thành lân cận như vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận, Khánh Hòa… Liên kết du lịch đi cùng yêu cầu cụ thể về việc quảng bá để có dòng khách 2 chiều từ các địa phương trở lại TP.
Gắn kết quảng bá du lịch, ẩm thực
Dưới góc nhìn của các chuyên gia và DN, sản phẩm du lịch của TP hiện tại không thiếu, thậm chí rất nhiều với những nỗ lực thời gian qua, đặc biệt là sau COVID-19. Nhưng để trở thành sản phẩm hấp dẫn đối với khách trong nước và quốc tế, cạnh tranh với các điểm đến khác, ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Du lịch Chim Cánh Cụt, cho rằng cần nhiều hoạt động hơn, đa dạng hơn cho từng sản phẩm du lịch mới. Như chương trình tour Biệt động Sài Gòn vốn có sức hút riêng, “không đụng hàng” thời gian qua, cần tăng nội dung trải nghiệm, tương tác cho du khách.
Du lịch đường sông là một trong những sản phẩm có nhiều tiềm năng hấp dẫn du khách
“Du lịch đường sông cũng là một sản phẩm có nhiều tiềm năng hấp dẫn du khách nhưng hiện tại đang phù hợp với khách quốc tế do yếu tố chi phí, giá tour còn cao. Do đó, để du lịch đường sông đến gần hơn với du khách, cần sự vào cuộc của các bên liên quan làm sao hạ giá tour nhưng vẫn bảo đảm sự trải nghiệm tốt nhất cho du khách” – ông Duy nói.
Để du lịch TP phát triển mạnh mẽ hơn nữa, theo các chuyên gia, DN cần thúc đẩy tính liên vùng, kết nối các điểm đến với các chuỗi khu du lịch nghỉ dưỡng… tạo thành những gói sản phẩm tốt đi cùng quảng bá, kết nối. Quảng bá, xúc tiến thời điểm này để đón khách năm sau và những năm tới. Với từng thị trường, cần chiến lược quảng bá phù hợp, cụ thể.
Như dòng khách Trung Quốc, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng cho rằng, năm nay ngành du lịch nước này tập trung vào thị trường nội địa thì năm 2024 có thể dòng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài rất lớn. Dòng khách Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ… sau khi đi nghỉ dưỡng ở các điểm đến lân cận, làm sao kéo họ trở lại TP HCM?
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, đề xuất chiến lược quảng bá điểm đến TP nên hướng vào những thị trường gần, lân cận TP và đang được khách quan tâm nhiều như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Như khách Malaysia, Thái Lan rất thích mua sắm, TP cần giải pháp nào để khai thác tối đa sở thích này, để khách chi tiêu nhiều hơn. Nhu cầu của du khách sau COVID-19 đã thay đổi cùng với kinh tế khó khăn nên khách cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chuyển sang đi du lịch thị trường gần.
Ẩm thực là một trong những thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam
“Đặc biệt, ẩm thực là một trong những thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam, mà TP HCM có thể nói là thiên đường ẩm thực, đủ tiềm năng tạo sức hút cho du khách. Hiệp hội Du lịch TP HCM thời gian qua đã tổ chức nhiều lễ hội ẩm thực nhằm giới thiệu ẩm thực, quảng bá hình ảnh điểm đến với những lễ hội chuyên đề như lễ hội bánh mì. Sắp tới là Lễ hội Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt Nam 2023, góp phần kết nối văn hóa Việt với thế giới” – bà Nguyễn Thị Khánh nói.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết TP đã liên kết phát triển du lịch với rất nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, liên kết vùng là một điểm nhấn rất quan trọng, nhất là liên kết nguồn nhân lực đã hỗ trợ cho TP rất nhiều. Vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ là 2 vùng ưu tiên kết nối du lịch với sản phẩm ngắn ngày, dài ngày của TP.